Kỳ 2: Vượt qua khó khăn

(ANTĐ) - “Tôi có cậu em trai làm CSKV. Vợ nó luôn “kêu” chồng đi làm việc công suốt ngày, thời gian dành cho gia đình rất ít...” - một người dân trú ở quận Hai Bà Trưng cho biết và bày tỏ sự cảm phục đối với những nữ chiến sỹ là CSKV đã vượt qua hạn chế của phái nữ, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự bình yên cho cuộc sống nhân dân...

Nữ cảnh sát khu vực:

Kỳ 2: Vượt qua khó khăn

(ANTĐ) - “Tôi có cậu em trai làm CSKV. Vợ nó luôn “kêu” chồng đi làm việc công suốt ngày, thời gian dành cho gia đình rất ít...” - một người dân trú ở quận Hai Bà Trưng cho biết và bày tỏ sự cảm phục đối với những nữ chiến sỹ là CSKV đã vượt qua hạn chế của phái nữ, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự bình yên cho cuộc sống nhân dân...

>>> Kỳ1: Dễ đi vào lòng dân

“Lạt mềm buộc chặt”

Thiếu úy Lê Bích Thơ, nữ CSKV - CAP Tràng Tiền tâm sự, ngay từ khi nhập học trường Trung học CSND đã ham mê “nghề CSKV”, bởi làm CSKV có điều kiện tiếp xúc với nhân dân, được học hỏi, tiếp thu “kho” kiến thức khổng lồ của nhân dân để rút kinh nghiệm trong cuộc sống của mình tốt hơn. Thơ cũng nhận thức, làm CSKV là rất khó khăn, vất vả bởi bố của Thơ cũng đã từng là CSKV. Nhưng được bố khuyến khích, động viên “làm CSKV sẽ giúp con trưởng thành”, Thơ yên tâm nối nghiệp cha.

Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ xuống địa bàn, Thơ bỡ ngỡ không biết phải làm gì. Nhưng rồi cũng quen việc và với ưu điểm của phái nữ, Thơ dần chiếm được tình cảm quý mến của nhân dân ở địa bàn được phân công phụ trách. Được nhân dân tin yêu, giúp đỡ, Thơ luôn nắm chắc tình hình liên quan đến ANTT địa bàn, không để sót lọt vụ việc. Theo Thơ, nữ CSKV cũng có phương pháp riêng để khắc phục “điểm yếu” của mình, đó là bí quyết “Lạt mềm buộc chặt”.

Thơ kể, địa bàn Thơ phụ trách có 2 trường hợp mắc nghiện, đã từng đi trung tâm cai nghiện của thành phố, hiện nay họ đang cai nghiện tại nhà, bước đầu chưa thấy tái nghiện. Trong đó, trường hợp anh L. đã có việc làm ổn định ở một công ty. Theo quy định đối với những người cai nghiện tại cộng đồng, định kỳ CSKV phụ trách địa bàn phải gặp gỡ, yêu cầu viết kiểm điểm và mời lên trụ sở CAP để xét nghiệm xem có tái nghiện hay không.

Buổi đầu khi Thơ tới gia đình tiếp xúc, anh L. tỏ thái độ coi thường, bất hợp tác, thẳng thừng tuyên bố “Tôi chẳng có việc gì phải kiểm điểm”. Nhưng rồi Thơ đã lựa lời, nhẹ nhàng phân tích, giải thích cho anh L. hiểu “hình thức kiểm điểm” nhằm giúp anh L. tự răn mình, nhắc nhở không quay trở lại con đường nghiện ngập... Anh L. nhận ra việc làm ý nghĩa của CSKV, đã tự giác lên trụ sở CAP xét nghiệm, khẳng định mình không còn tái nghiện.

Nay, thấy Thơ xuống khu phố, anh L. luôn vui vẻ bảo:  “Đến kỳ viết kiểm điểm phải nhắc anh đấy nhé”. Tôi đã gặp anh T, trường hợp cai nghiện thứ 2 tại cộng đồng thuộc khu dân cư phụ trách của Thơ, được anh cho biết, khi tiếp xúc, thăm hỏi, Thiếu úy Thơ nói năng nhẹ nhàng, dễ nghe, ân cần như người em gái khiến anh không cảm thấy e ngại, xa cách.

Từ đó rất quý mến, coi trọng người nữ CSKV phụ trách địa bàn luôn quan tâm đến sự tiến bộ của anh. Qua đó, tôi hiểu rõ hơn bí quyết “Lạt mềm buộc chặt” cũng là “chìa khóa” để nữ CSKV vận dụng thành công trong công tác cảm hóa, giáo dục đối tượng tại địa bàn...

Nữ CSKV tiếp dân, hướng dẫn kê khai thủ tục đăng ký tại CAP Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội)
Nữ CSKV tiếp dân, hướng dẫn kê khai thủ tục đăng ký tại CAP Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội)

Những nỗi niềm riêng

Từng có nhiều thời gian tìm hiểu về lực lượng CSKV nói chung, được biết họ đảm đương khối lượng công việc rất lớn; ngoài công tác chuyên môn còn phải thực hiện các phần việc ngoài chức năng, tôi hình dung được nỗi vất vả hơn của những nữ chiến sỹ làm nghề CSKV, nhất là với nữ CSKV đã có gia đình. Theo Trung tá Phạm Đình Nghĩa - Trưởng Công an thị trấn Văn Điển, CAH Thanh Trì, nữ chiến sỹ công an ở các lực lượng nghiệp vụ khác, trong công việc hàng ngày luôn có đồng đội ở bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ.

Còn với nữ CSKV, khi xuống địa bàn từ công tác nắm tình hình, thăm hỏi nhân dân, tổ chức sinh hoạt tổ dân phố để phổ biến phương thức thủ đoạn của tội phạm, hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp phòng ngừa... đều hoạt động độc lập. Trong khi đó, hiện nay ở cơ sở, việc gì cũng “đến tay” CSKV giải quyết. Ngoài ra, họ còn phải tham gia ứng trực tại trụ sở đơn vị bất kể đêm hôm. Vào những ngày lễ, tết, nữ  CSKV cũng đều tham gia ứng trực 100% quân số tại đơn vị.

Tôi không khỏi xúc động khi được nghe  “người trong cuộc” tâm sự về những nỗi niềm riêng tư gắn với “nghề CSKV” của họ. Trong đêm 30 Tết trực tại đơn vị, nữ CSKV Đặng Thị Nhung - CAP Nguyễn Trãi, thành phố Hà Đông được người yêu (cũng là công an ở một đơn vị CAH) trước giao thừa đã lặn lội quãng đường trên 50 cây số “tranh thủ” đến thăm  mang theo một quả bóng để tặng “nàng”.

Tuy nhiên, đến trước cửa CAP Nguyễn Trãi thì quả bóng bị vỡ và hai người chỉ gặp nhau được 5 phút, rồi “chàng” vội chia tay bởi cũng phải về đơn vị trực Tết, đảm bảo an toàn cho nhân dân vui đón xuân mới. Đại úy Nguyễn Thị Hằng, CSKV - CAP Nguyễn Trãi, thành phố Hà Đông kể, trong 5 năm làm CSKV, chị chưa lần nào có mặt ở nhà vui đón giao thừa cùng gia đình.

Chồng chị cũng là công an và cũng phải trực bảo vệ Tết. 2 con nhỏ có năm gửi được ông bà, nhưng có năm ông bà về quê, phải khóa cửa “nhốt” con ở bên trong. Đến gần 2h  Mồng 1 Tết, vợ chồng Hằng mới trở về nhà. 2 con nhỏ vẫn thức, chạy ra ôm lấy bố mẹ òa khóc “Sao mãi bố mẹ mới về”... Khó khăn, vất vả, thiệt thòi của nữ CSKV là như vậy; nhất là đối với nữ CSKV có gia đình, ngoài việc nước, họ còn phải đảm đương việc nhà với thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Thiếu úy Nguyễn Thị Dung, đồng nghiệp có cùng “hoàn cảnh” gia đình như Đại úy Hằng cho biết, nhiều lúc tâm tư không muốn làm CSKV. Nhưng khi xuống địa bàn, tiếp xúc với nhân dân, được người dân tin yêu, quý mến, chị lại thấy tự tin, thêm yêu nghề và thấy hết ý nghĩa của những việc mình làm đều phục vụ sự bình yên cho hạnh phúc của nhân dân...                                 

Trung Hiếu