Hungazit Nguyễn và "Trái tim của chef"

ANTĐ - Nghe tiếng đầu bếp Hungazit Nguyễn - Nguyễn Mạnh Hùng đã lâu, nhưng phải đến gần đây tôi mới có dịp gặp anh. Nhưng cái hẹn ấy cũng phải dời đi dời lại, chung quy cũng bởi trăm cái chuyện bếp núc.

Đã từng móc cống

Nếu không biết trước thì nhìn xe mô tô phân khối lớn, nước da ngăm ngăm và phong thái “ngầu” của Nguyễn Mạnh Hùng, chắc ai cũng dễ nghĩ tác giả cuốn sách ẩm thực nổi tiếng “Trái tim của Chef” là một “phượt thủ” chứ không phải một người đàn ông mặc tạp dề. Đặt chiếc balô nặng trịch chứa đủ thứ lỉnh kỉnh đồ bếp lên sàn quán cà phê nhỏ trên phố cổ lúc trời đã xẩm tối, khuôn mặt còn lấm tấm mồ hôi, Hùng nói đây mới là khoảng thời gian anh được thư giãn. 

Con đường để Nguyễn Mạnh Hùng - Hungazit Nguyễn đạt đến vị trí ngày hôm nay là một con đường gian khổ, bởi nó không dành cho ai thiếu sự nhiệt tâm, bền bỉ. Vào thời điểm tốt nghiệp cấp 3, trong khi bạn bè cùng trang lứa phần lớn đã yên vị trong giảng đường đại học, với những hoài vọng và ước mơ đẹp đẽ thì chàng thanh niên này phải bươn chải với đủ thứ nghề, từ đi làm bảo vệ, làm thợ sơn, cho đến rửa xe.

Gia đình nghèo khó, thiếu thốn, cộng thêm sức học không tốt, Hùng lúc ấy như một người trẻ không nhìn thấy tương lai của mình. Cho đến một ngày, anh đọc được một tờ báo viết rằng, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong 10 năm tới, trong đó có nghề đầu bếp. Từ đó anh bắt đầu có suy nghĩ sẽ thử sức ở lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này. Gọi là mới, vì Nguyễn Mạnh Hùng lúc bấy giờ chưa hề có chút kinh nghiệm gì về bếp núc, và cũng chưa hình dung những khó khăn, vất vả của nghề này.

“Lúc ấy tôi chỉ là đứa thích ăn uống, chứ chưa đụng tay đến dao, thớt bao giờ. Khi bắt đầu đi học, gia đình tôi phản đối, vì nghề bếp lúc ấy không phải nghề kiếm được nhiều tiền. Hơn nữa, họ nghĩ chỉ phụ nữ mới vào bếp, chứ nam giới không ai lại đi theo nghề này” - Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại. Sáng Hùng đi học, đến tối lại về trông quán Internet, làm trong các quán cơm văn phòng để có tiền trang trải học phí.

Tuy nhiên, quãng thời gian 2 năm học ở trường không giúp Hùng có được trải nghiệm thực tế. Học xong, anh thấy mình gần như trống rỗng, đến cắt, thái cũng “không ra hồn”. Bởi vậy, anh tiếp tục xin vào làm trong quán ăn ở phố cổ, tất nhiên là với đủ thứ việc lặt vặt như rửa bát, nhặt rau, cọ sàn, móc cống… Với Hùng, đó như là những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của mình.  

“Trái tim của Chef” là chuyến du hành về với những hương vị truyền thống

“Nếu không có việc gì làm thì hãy lau dọn”

Nếu nhìn lý lịch nghề bếp đáng ngưỡng mộ của Nguyễn Mạnh Hùng thì không ai nghĩ anh mới 33 tuổi. Là người sáng lập và điều hành Hội Đầu bếp Hà Nội, Nguyễn Mạnh Hùng hiện đang giữ vai trò đầu bếp trưởng của nhà hàng Cuốn n Roll. Trước đó anh từng là bếp trưởng của Hanoi Cooking Centre - trung tâm dạy nấu ăn cho người nước ngoài được nhiều tờ báo quốc tế đánh giá uy tín hàng đầu Việt Nam, từng làm việc tại khách sạn JW Marriot Hà Nội và nhiều nhà hàng tại Thái Lan, Trung Quốc, Italia…

Những năm tháng làm việc ở nước ngoài không chỉ cho anh kiến thức dày dặn về văn hóa ẩm thực của nhiều quốc gia mà còn rèn giũa giúp chàng đầu bếp này một tác phong làm việc chuyên nghiệp. “Nếu không có việc gì làm thì hãy lau dọn”. Với chef, là không có thời gian “chết”.  

Một ngày của Nguyễn Mạnh Hùng có thể bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào 11h đêm. Anh đùa, chẳng khác gì “dậy sớm hơn gà, ngủ muộn hơn chó”. Có thời điểm, anh đo được mình đi lại trong bếp hơn 20.000 bước. Đi lại và làm việc trong một gian bếp chật chội, với nhiệt độ cao, lửa nóng rẫy và khói cay xè… quả thực là một sự thử thách lòng kiên trì với bất cứ ai.

Thế mới thấy, đúng như anh quan niệm: “Làm bếp là công việc cực nhọc. Đàn ông sinh ra là để chăm sóc gia đình, đương nhiên phải gánh lấy phần nặng nề ấy”. Nói vậy, nhưng vì tính chất công việc nên Hùng cũng ít có thời gian nấu ăn cho gia đình. Có lẽ nhiều người nghĩ, trong nhà có đàn ông làm đầu bếp thì phụ nữ nhàn tênh.

Gia đình anh thì không hoàn toàn vậy. Do đặc trưng ngành dịch vụ bận rộn từ sáng đến tối mịt, nên anh phải nhường việc vào bếp cho vợ. Còn anh được ưu tiên đảm trách nấu nướng vào những ngày đặc biệt. Tuy vậy, trong những ngày nghỉ hiếm hoi, Hùng sẵn sàng vào bếp để chiều lòng 2 cậu con trai. Những cậu bé đặc biệt thích món mỳ Ý, pizza do bố trổ tài.  

Mục tiêu 5 năm 3 cuốn sách

Hungazit - cái tên là lạ mà ắt hẳn nhiều người tò mò hóa ra được Nguyễn Mạnh Hùng “sáng tác” một cách rất ngẫu hứng. Vốn hâm mộ Azit Nexin, nên anh đã ghép tên mình với tên nhà văn châm biếm nổi tiếng thế giới. Cái tên nghe như một nhân vật truyện tranh ấy hóa ra sau lại nổi như cồn, vì người ta biết Hungazit nhiều hơn, chứ tên thật Nguyễn Mạnh Hùng không mấy ai nhớ. Nhất là kể từ khi anh đưa cái tên này vào trong cuốn sách ẩm thực đầu tiên của mình “Trái tim của Chef”.

Có một thực tế sách ẩm thực vốn không được chuộng lắm ở Việt Nam trước khi các chương trình đầu bếp của Mỹ, của Úc bắt đầu nở rộ trên các kênh sóng trong nước. Một phần do ở Việt Nam chưa có người đầu bếp có sức ảnh hưởng như nước ngoài, có thể tác động đến văn hóa ẩm thực của một cộng đồng. Mặc khác, những cuốn sách về ẩm thực viết ra thì người viết dường như chỉ đi theo một môtuýp là dạy công thức khô khan. Nguyễn Mạnh Hùng thì khác.

Không đơn thuần là bày ra bí quyết món ăn như một vài đầu bếp thường làm để khoe cái tài của mình, anh dẫn dắt người đọc bằng cảm thức, bằng những trải nghiệm về những món ăn truyền thống. Có một điều mà sẽ nhiều người đồng ý với tôi là khi lật giở “Trái tim của Chef”, bạn sẽ thấy mình như đứa trẻ bước lên con tàu chầm chậm đi về quá khứ, bất chợt rưng rưng khi nhớ lại những món ăn thời bao cấp của bà, của mẹ.

Nào canh dưa chua nấu tóp mỡ được mẹ nấu bằng chiếc nồi nhôm cũ nát, nào món xà lách chấm sốt cà chua đơn giản giải nhiệt mùa hè, món đậu phụ làng Mơ kết tinh thấm đượm mồ hôi của những người dân làng ven đô…

Những món ăn dân dã được làm từ những nguyên liệu rẻ tiền, thậm chí ngày nay thì không ai còn ăn nữa, nhưng được nêm nếm rất nhiều tình yêu thương của những người phụ nữ, đã nuôi lớn và đi theo suốt cuộc đời biết bao đứa trẻ trong cái giai đoạn đói nghèo, kham khổ ấy. 

Có một điều khiến tôi thắc mắc là trong khi nhiều đầu bếp thành đạt thường sẽ làm ông chủ hoặc đứng tên trên một thương hiệu nào đó của riêng mình nhưng với Hùng thì không. Lý do là “Tôi chỉ nấu ăn ngon chứ kinh doanh không giỏi”, Hùng nói vậy. Nhưng tôi biết, đã là đầu bếp, ai chẳng có mơ ước cháy bỏng là có một nhà hàng của riêng mình. Thế nên, thay vì đau đầu vào chuyện không mấy khả quan này, Hùng đặt mục tiêu lạ hơn, đó là 5 năm tới viết 3 cuốn sách.

Đó là lời tuyên bố của Nguyễn Mạnh Hùng. Khi nghe anh nói về viết sách với niềm hứng khởi lạ lùng, tôi tin chắc đây là cuốn sách đáng để bỏ tiền mua.