Gia đình hiếu học nhất “làng hiếu học”

ANTĐ - Trong quá trình tác nghiệp tại kỳ thi THPT Quốc gia 2015, tôi tình cờ gặp cô Nguyễn Thị Vui tại điểm thi trường THPT Việt Đức (Hà Nội) và được nghe cô chia sẻ về truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện (thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) quê mình.

Làng của những người đỗ đạt

Là ngôi làng cổ thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, làng Hành Thiện được biết đến như một Làng học truyền thống, cái nôi của nhiều nhân tài, chính khách. Trải qua trên 600 năm các bậc tiền bối đã dày công tạo dựng để Hành Thiện một thời vàng son về sự học với câu ngạn ngữ được lưu truyền: “Đông Cổ Am - Nam Hành Thiện”, tức là phía Đông có làng Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), phía Nam có làng Hành Thiện, đều là vùng đất khoa bảng nổi tiếng với nhiều nhân tài và học giả đỗ đạt.

Theo sử sách và nhiều tài liệu ghi lại, làng có 4 người làm Thượng thư, 4 người làm Tuần phủ, 4 người làm Tổng đốc cùng hàng chục người khác làm quan trong triều. Thời Pháp thuộc, làng có 51 người đỗ tú tài và cử nhân, trong đó nổi tiếng là Đặng Xuân Khu (tức Tổng Bí thư Trường Chinh). Thời hiện đại, dù dân số chỉ khoảng 6.000 người, nhưng làng có tới 88 Giáo sư, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Số cử nhân cũng vượt trên con số 600. Tỷ lệ đỗ đại học hàng năm của làng đạt trên 90%, riêng năm 2009 lên tới 98,2% (gần như tuyệt đối).

Gia đình hiếu học nhất  “làng hiếu học”	 ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Vui từ Nam Định ra Hà Nội chăm sóc cậu con trai út 
trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Với bề dày truyền thống đó, từ chính quyền đến Hội khuyến học của làng đều rất quan tâm, có nhiều hành động cụ thể động viên, giúp đỡ con em trong làng vươn lên trong học tập. Làng có Hội khuyến học được thành lập từ năm 1994, nhằm khơi dậy truyền thống trọng chữ trọng hiền tài và nâng cao nhận thức dân làng về sự học. Nhiều những năm qua, cứ trước mỗi kỳ thi đại học, Hội trích quỹ thuê xe chở con em lên Hà Nội ứng thí. Năm nay, gần 200 học sinh được làng thuê 5 ô tô 29 chỗ chở đi thi.

Trước mỗi kỳ thi, Hội khuyến học làng động viên các thí sinh cứ yên tâm thi và yên tâm học tập, ra trường nếu chưa xin được việc thì những người đi trước sẽ hết sức giúp đỡ tìm công ăn việc làm. Cứ thế nhiều năm nay, lần lượt các thế hệ làng Hành Thiện gồng gánh, giúp đỡ nhau trong học tập lẫn công việc, ổn định cuộc sống. “Quỹ khuyến học của làng luôn dồi dào do được chính quyền và người dân địa phương, đặc biệt là những người con xa quê tình nguyện ủng hộ thường xuyên. Mỗi năm vài ba đợt, làng tổ chức trao thưởng cho các gia đình, các cháu học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi, lần trao thưởng nào cũng có rất đông người được nhận”, cô Vui cho biết. 

Thành tích đáng tự hào

Gia đình cô Vui nằm trong số những gia đình hiếu học nhất “làng hiếu học”. Cô cho biết những năm qua, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng cô cùng mấy thửa ruộng trồng lúa. “Bố mẹ nghèo không có tiền của để lại cho con thì cho con cái chữ. May mắn là các em đều thương bố mẹ, rất ham học”. Cô Vui có 4 người con thì con gái đầu và con gái thứ ba đều đã tốt nghiệp ĐH Quốc gia Hà Nội. Cô con gái thứ hai tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự. Hai trong 3 người đều có thêm bằng Cao học. Còn cậu con trai út - Nguyễn Hữu Hoàng, đi thi tại điểm trường THPT Việt Đức (Hà Nội), mới thi xong ngày đầu đã nhận tin vui đỗ vào khoa Toán Cơ - ĐH Quốc gia Hà Nội, trong kỳ thi vừa qua.

Tuy vậy, Hoàng vẫn quyết tâm làm bài thật tốt kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra, với mong muốn đỗ vào khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Bưu chính Viễn thông, rồi sau đó… cân nhắc “chọn” trường để theo học. Theo lệ làng Hành Thiện, gia đình nào có tất cả các con đều đỗ đại học sẽ được cấp bằng chứng nhận “Gia đình hiếu học”. “Rất nhiều gia đình ở làng vinh dự nhận danh hiệu này, nhưng gia đình có tới 4 người con như nhà tôi thì không nhiều”, cô Vui nói trong niềm tự hào.