Đèo Vi Ô Lắc "náo loạn" vì nạn đào gốc cây sưa

(ANTĐ) - Từ tháng 2-2011 đến nay, tại huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi), lợi dụng các chủ rừng phát quang cây tạp để đối phó hỏa hoạn, người dân đổ xô đi đào bới tìm gốc rễ cây huỳnh đàn (còn gọi sưa), gây những hiểm họa khôn lường sạt lở đào Vi Ô Lắc

Quảng Ngãi:

Đèo Vi Ô Lắc "náo loạn" vì nạn đào gốc cây sưa

(ANTĐ) - Từ tháng 2-2011 đến nay, tại huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi), lợi dụng các chủ rừng phát quang cây tạp để đối phó hỏa hoạn, người dân đổ xô đi đào bới tìm gốc rễ cây huỳnh đàn (còn gọi sưa), gây những hiểm họa khôn lường sạt lở đào Vi Ô Lắc

Một nhánh rễ nhỏ là kết quả suốt một ngày trời đào cật lực của người thanh niên này.
Một nhánh rễ nhỏ là kết quả suốt một ngày trời đào cật lực của người thanh niên này.

Đổ xô đào bới, móc đường

Đèo Vi Ô Lắc nằm trên Quốc lộ 24 là khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Từ km 63 đến 67 (thuộc địa phận xã Ba Tiêu, xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ) xuất hiện nhiều hố sâu ở hai bên hành lang đường đèo do một số đối tượng đào tìm gốc rễ cây sưa (huỳnh đàn). Chỉ cần một trận mưa là đất đá trên núi đổ ập xuống đường hoặc gây sạt lở mặt đường.

Theo các chủ rẫy cho biết, những người đào gốc rễ huỳnh đàn ban ngày đóng vai người đi làm rừng thuê để dò tìm. Ban đêm, họ thay nhau đào xới. Mỗi đêm có từ 10 - 15 hố sâu bị đào, nên đoạn đường 5 km hiện nay như một công trường. Bức xúc trước tình trạng đất trồng cây bị xâm hại, người dân địa phương thay phiên nhau canh gác nhưng cũng không thể bắt được.

Một hố sâu bên dọc quốc lộ 24 đèo Vi Ô Lắc do một nhóm người đào
Một hố sâu bên dọc quốc lộ 24 đèo Vi Ô Lắc do một nhóm người đào 

Ông Phạm Văn Hải, người dân xã Ba Ngạc nói: “Đất của chúng tôi được giao để sản xuất nhưng người ta vào đào xới. Chúng tôi canh và phá lán trại nhưng họ vẫn cứ tiếp tục đào làm cho rẫy mì của tôi bị phá tan hoang”.

Theo người dân, việc đào gốc rễ cây sưa (huỳnh đàn) rộ nhất là sau Tết Nguyên đán, vì thời gian qua dân buôn sưa phía Bắc đổ xô vào mua với giá cao.

Ông Đinh Quang Chảy, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Ba Vì cho biết, trước nguy cơ ảnh hưởng đến hành lang đường đèo, Hạt đã phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, ngăn chặn nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn.

Ông Phạm Văn Xế, Chủ tịch UBND xã Ba Tiêu cho biết thêm, xã đã thành lập tổ tuần tra kiểm soát gồm công an, xã đội, kiểm lâm địa bàn và phối hợp với các ngành chức năng chốt chặn và không cho người đào xới tìm gốc rễ sưa  (huỳnh đàn) tại khu vực hành lang đường đèo.

Được biết đoạn đường đèo Vi Ô Lắc trong mùa mưa, bão thường xảy ra từ 3- 5 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên.

Giấc mơ đổi đời từ rễ cây

Thắc mắc vì sao nhiều người lại nhằm khu vực dọc đường Quốc lộ 24 đào bới tìm gốc rễ cây sưa (huỳnh đàn), một người dân ở Ba Vì cho biết, trước đây đoạn đường này nằm trên khu vực có cây huỳnh đàn. Lúc  thi công mở đường đã vùi lấp nhiều gốc cây, trong đó có cây huỳnh đàn. Bây giờ người dân nhằm khu vực đường đào bới tìm.

Khu vực núi đèo Vi Ô Lắc
Khu vực núi đèo Vi Ô Lắc

Thị tứ Ba Vì (huyện Ba Tơ) có dân cư đông đúc, đây cũng là nơi nổi tiếng buôn bán gỗ sưa (huỳnh đàn) trong nhiều năm trước đây. Năm 2006 – 2007, khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Kon Plong (Kon Tum) – Ba Tơ (Quảng Ngãi) gỗ huỳnh đàn được các lái thương khai thác, buôn bán chuyển về xuôi. Lực lượng Công an huyện Ba Tơ và cơ quan chức năng đã bắt hàng tấn gỗ huỳnh đàn. Nhưng sau năm 2007, gỗ sưa đã tụt giá, hoạt động khai thác buôn bán ngừng lại.

Cuối năm 2010, đầu năm 2011, cây sưa bỗng nhiên tăng giá đến chóng mặt. Một kg gỗ sưa đến trên chục triệu đồng, tuy nhiên nhiều người đã bán đổ bán tháo trước đó, bây giờ ngã lăn ra tiếc. Đầu tiên một số người ở xã Ba Vì đã góp tiền đi tìm gốc sưa (huỳnh đàn) đã bị lãng quên do chôn vùi dưới cát. Chỉ trong 5 ngày đào xới cật lực với trên 10 nhân công, số người này đã đào 1 gốc rễ sưa nằm dưới cát tại khu vực xã Ba Tiêu. Nghe tin, các thương lái đã cấp tốc có mặt mua với giá trên 2 tỷ đồng. Vụ trúng đậm đã khiến dân Ba Vì đổ xô góp tiền thành lập các nhóm đi đào bới tìm gốc sưa.

Theo một người dân Ba Vì cho biết, ở Quảng Ngãi và Kon Tum, trước đây cây sưa chỉ mọc ở vùng đất xã Ba Ngạc, Ba Tiêu (Ba Tơ) và một ít ở xã Bờ ê (huyện Con Plông, tỉnh Kon Tum). Lúc trước gỗ sưa không có giá, người dân địa phương thường dùng gỗ này làm nhà, bàn, ghế… Bẵng đi hàng chục năm, gỗ sưa tăng giá đột biến, người khai thác tìm những người dân địa phương lớn tuổi “lục” trí nhớ hàng chục năm trước đã từng thấy gốc gỗ này bị bỏ quên.

Hiện nay, nhiều nhóm người đi đào cây sưa bỏ không biết bao tiền, công sức nhưng vẫn không tìm được gốc, rễ có giá trị, có chăng chỉ vài kg dăm gỗ sưa. Dù vậy, giá gỗ sưa tăng đột biết, lòng tham người kéo theo, hậu quả là hành lang dọc đèo Vi Ô Lắc bị đào nham nhở, gây nguy cơ sạt lở, mất an toàn.

      Thái Thụy