Cụ ông 70 tuổi 3 năm đi thi tốt nghiệp PTTH

ANTĐ - Đã hai lần không thành công, năm nay ông vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục “lai kinh ứng thí” với lòng đầy tự tin hứng khởi. Thí sinh đặc biệt này là ông Hồ Ngọc Cảnh (SN 1945, ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Chuyện “ông ngoại” Cảnh đi thi tốt nghiệp THPT trở thành câu chuyện chộn rộn, xôn xao khắp miền Tây. 

Cụ ông 70 tuổi 3 năm đi thi tốt nghiệp PTTH ảnh 1
70 tuổi vẫn là... thí sinh

Khi diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ông Cảnh, áo quần tươm tất với chiếc xe máy cà tàng, hứng khởi đến tại cụm thi trường THPT Nguyễn Thị Định (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) tiếp tục “thử sức” kì thi tốt nghiệp PTTH quốc gia năm nay. Tóc đã bạc phơ, ông Cảnh cắp chiếc cặp gọn gàng đến trường thi, nhiều thí sinh là lớp con cháu, thấy ông kính trọng chào bằng thầy.

Nhiều người còn tưởng ông là cán bộ coi thi, có người còn hỏi ông có phải là phụ huynh?! Ông Cảnh vui vẻ, cười tươi đáp lời, “Tôi không phải thầy, cũng chẳng phải phụ huynh, cũng không là cán bộ coi thi mà là… thí sinh”. Ngỡ ngàng khi biết được ông cũng đi thi cùng đàn con cháu nên các thí sinh đều vui vẻ trò chuyện với ông về bài vở. Phát biểu trước khi bước vào phòng thi ông Cảnh nói câu chắc nịch: “Đã đến trường thi rồi, sẵn sàng hết rồi không còn gì phải lo lắng cho lần thi này nữa và tôi sẽ làm bài hết sức mình”. 

Kết thúc buổi thi đầu tiên, khi trò chuyện với chúng tôi ông cho biết, “Thi môn toán sáng nay, đề thi có 10 câu, mức độ đề cũng tương đối, tôi làm cũng tàm tạm chắc cũng được từ 4 đến 4,5 điểm là cùng. Đề thi năm nay, mức độ cũng tương đương với đề thi thử trước đây cũng không khó lắm”. Ngày thứ hai thi xong môn Văn, ông Cảnh cũng tỏ ra rất phấn chấn nhận định, “Bộ Giáo dục - Đào tạo ra đề, theo tôi thì tương đối dễ. Tôi làm được hết, không bỏ câu nào, hôm nay thi Văn có tiến bộ hơn môn Toán hôm trước. Còn điểm thì chắc đạt trên trung bình”.  

Được biết, liên tiếp 3 mùa thi, ông Cảnh là thí sinh đặc biệt, bởi ông là thí sinh cao tuổi nhất tỉnh Bến Tre tham gia kì thi tốt nghiệp PTTH. Chuyện “ông ngoại” đi thi tốt nghiệp nhiều năm nay khiến nhiều người thán phục bởi ý chí quyết tâm học tập của ông. Theo lời ông Cảnh kể thì, ông có tất cả 7 người con, nay đều đã trưởng thành, cháu nội cháu ngoại đông đủ. Nhiều năm theo đuổi kì thi tốt nghiệp, ông Cảnh được gia đình và con cháu rất ủng hộ. Và ông cũng không ngần ngại cho biết, đây là lần thứ ba liên tiếp ông đi thi tốt nghiệp PTTH... 2 lần trước không như ý muốn nhưng ông vẫn quyết chí để có được tấm bằng tốt nghiệp cấp ba.

Nhớ lại quá khứ, ông Cảnh kể, ông từng đỗ tú tài (lớp 11) trước năm 1975 nhưng rồi thời buổi khó khăn, việc học hành bị gián đoạn. Lo làm ăn sinh sống, có thời là Giám đốc một xí nghiệp khai thác gỗ của Nhà nước ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đến khi về hưu, ông Cảnh vẫn học tập không ngừng nghỉ. Khi đó, ông tham gia Chi hội đông y của xã Tân Thanh. Năm 2009, Chi hội đông y của xã cho đi học lớp sơ cấp đông y.

Và câu chuyện đặc biệt về “ông ngoại” quyết chí đi học và đi thi tốt nghiệp PTTH cũng bắt đầu từ đây. “Tôi mong muốn có được tấm bằng tốt nghiệp PTTH, đấy là điều kiện để tôi mở phòng khám đông y nên mới quyết tâm đến như vậy”, ông Cảnh nói. Vì chuyện này, năm 2012 ông Cảnh tức tốc lên Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm đăng kí học lớp 12. “Năm 2013 tôi đi thi lần đầu tiên với đứa cháu ngoại nhưng nó thi đậu tốt nghiệp THPT còn tôi bị trượt. Thấy cũng “quê quê” nên tôi quyết tâm ôn luyện để đi thi tiếp... mấy mùa thi nay”, ông Cảnh cười hóm hỉnh nói.

Nói vậy nhưng quá trình học và thi cử của ông Cảnh chẳng hề đơn giản, bởi lẽ năm nay ông đã 70 ngoài nên vấn đề tiếp nhận kiến thức, trí nhớ cũng giảm sút đáng kể, không như những học sinh học hành đúng tuổi. Qua tâm sự mới thấy ở ông có sự quyết tâm và sự chịu khó, chịu khổ một cách kỳ lạ, mà không phải ai cũng có được.

Cụ ông 70 tuổi 3 năm đi thi tốt nghiệp PTTH ảnh 2

Ông Cảnh trao đổi với các thí sinh khác, đáng tuổi cháu ông

Muốn mở phòng khám cứu giúp người nghèo

Ở địa phương, ông Cảnh hành nghề khám chữa bệnh đông y theo yêu cầu. Hỏi về cuộc sống của gia đình thì ông Cảnh cho biết, hàng ngày ngoài phục vụ công tác chữa bệnh đông y, ông còn là một lão nông kì cựu. Nhà ông có 4 công đất trồng lài, một tay ông chăm sóc, có khi cũng thuê nhân công tới phụ, thu nhập hàng năm cũng kha khá. Mọi năm, nhờ ông tích lũy một phần thu nhập từ việc bán bông lài để làm kinh phí theo con đường học hành và thi cử mấy năm nay.

Dù đã thi tốt nghiệp năm nay là mùa thứ ba liên tiếp, nhưng nói về “sự nghiệp” học hành, ông Cảnh bao giờ cũng hồ hởi, lạc quan. Ông Cảnh khẳng định: “Tôi quan niệm rằng, học là niềm vui, học để mở mang kiến thức”. Lúc trước tham gia học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở địa phương, ông  rất chăm chỉ, ngày nào cũng đều đặn đến trường, hầu như ít vắng học buổi nào. Được biết ngay lần thi đầu tiên bị trượt, ông đăng ký học lại lớp 12 để củng cố lại kiến thức làm hành trang cho mùa thi.

Tuy ông Cảnh tham gia lớp học với hình thức không tính điểm, nhưng ông vẫn rất say mê. Lần tiếp theo đi thi số phận chưa mỉm cười nhưng ông Cảnh không từ bỏ quyết tâm. Sau đó ông lên Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bến Tre xin thủ tục trình Bộ Giáo dục - Đào tạo cho ông được học lại để đổi học bạ vì điểm trung bình của học bạ trước rất thấp, hạng trung bình. Được học lại, ông Cảnh dốc hết tâm sức và năm học này ông Cảnh vui mừng vì điểm trung bình học bạ có khá hơn và được nhà trường xếp ông học lực tiên tiến.

Nói về nguyên do xin học lại để đổi điểm học bạ, ông Cảnh còn cười tủm tỉm: “Chuyện xin học lại để được đổi học bạ THPT chắc cả nước Việt Nam này duy nhất chỉ mình tôi thôi, chứ không còn ai khác”. Và đây là lần thứ ba, ông Cảnh đi thi. Kể chuyện học, ông Cảnh chia sẻ là gặp nhiều khó khăn bởi kiến thức ngày càng đổi mới, khả năng ông thì tuổi cao nên tiếp thu hơi chậm, nhưng bù lại ông có tính siêng năng, cần mẫn... 

Kể lại những ngày tháng học hành ở tuối thất thập, ông Cảnh khoe những kỷ niệm khó quên: “Vào lớp bọn trẻ đứa nào cũng gọi tôi thân thiết bằng “ông ngoại”. Mỗi khi thầy giáo dạy toán kêu tôi lên bảng giải bài tập, thầy giáo bảo tôi làm đúng thì cả lớp bên dưới vỗ tay rầm rộ hô to “hoan hô ông ngoại, hoan hô ông ngoại”, khiến tôi cũng vui lây”. 

Lần đi thi này, ông Cảnh cũng như bao thí sinh khác đều trải qua các môn thi theo quy định. Mặc dù tự tin, có quyết tâm cao nhưng ông cũng vẫn còn hơi lo lắng. Ông Cảnh giãi bày: “Chương trình học ngày càng được Bộ Giáo dục - Đào tạo đổi mới và đề thi cũng vậy”. Nhưng rồi ông lạc quan nói tiếp: “Học tài thi phận biết đâu được. Thất bại thì cứ tiếp tục, không có gì phải nản, chương trình mỗi năm mỗi khác, càng học thì càng mở rộng kiến thức nhiều hơn, đó là động lực của tôi”.

Sau những ngày “vật lộn” với kì thi gay go, ông Cảnh tâm sự, “tôi làm bài cũng tạm ổn bởi và yên tâm vì học bạ năm nay tôi được điểm trung bình 6,5 điểm nên giờ tôi chỉ cần mỗi môn trung bình 3,5 nữa là đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Kỳ thi này chắc có hy vọng. Mà nếu không may, cho dù có trượt cũng quyết tâm thi nữa vì mình già rồi, gần chết rồi phải để lại cái gì đó để con cháu noi theo chứ”.

Không gác lại ước mơ có được tấm bằng tốt nghiệp trong tay, ông Cảnh cho biết, ông vẫn chưa dừng lại ở đó. Ông còn dự định, hướng tới mục tiêu tiếp tục học lên trung cấp ngành đông y để  phục vụ việc mở phòng khám. “Đến lúc đó, có phòng khám hẳn hoi, tôi chính thức trở thành lương y thực sự thì công việc khám chữa bệnh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Cảnh bộc bạch. Mặc dù mong ước mở được phòng khám để chữa bệnh theo yêu cầu nhưng ông Cảnh khẳng định thêm, đối với người nghèo ông sẵn sàng khám chữa bệnh miễn phí.