Chuyện người lính thông tin đi dò đường tìm nơi chôn đồng đội

ANTĐ - Kỷ niệm 41 năm đất nước thống nhất, tôi gặp ông Phùng Văn Tâm, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 2 - một trong 3 tiểu đoàn đầu tiên của Quân tăng cường Thủ đô chi viện cho chiến trường miền Nam. Nghe ông kể chuyện, tôi càng thêm thấm thía sự hy sinh âm thầm của những người anh hùng cho hòa bình đất nước. 

Chuyện người lính thông tin đi dò đường tìm nơi chôn đồng đội  ảnh 1Quân tăng cường cho chiến trường miền Nam trước cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975

Những trận chiến khốc liệt

Hình ảnh một thời chiến tranh ác liệt hiện dần lên trong ký ức của ông Phùng Văn Tâm: “Năm 1967, 18 tuổi, tôi nhập ngũ và được phiên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô do ông Lê Nam Thắng làm Tư lệnh, ông Trần Vĩ, Phó Bí thư Thành ủy làm Chính ủy. Đơn vị luyện tập tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, sau đó lên Hòa Bình.

Cuối năm 1967, đầu 1968, chúng tôi chuẩn bị vào chiến trường. Hành quân đêm đi, ngày nghỉ để đảm bảo bí mật, sau gần 2 tháng, chúng tôi đến bờ Bắc sông Bến Hải. Tôi nhận nhiệm vụ mới: làm lính thông tin truyền đạt của Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5-1968, đơn vị tôi vào chiến trường Quảng Trị. Tiểu đoàn 2 do anh Trần Trừu làm Tiểu đoàn trưởng, được trên giao tác chiến ở vùng Cửa Việt. Nhưng anh cùng 2 chiến sĩ trinh sát và 2 chiến sĩ thông tin bị đứt liên lạc với đơn vị ở vòng ngoài.

Anh Ngoan, Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 thay anh Trừu chỉ huy Tiểu đoàn 2 chiến đấu với Sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Vinh Quang Thượng, Vinh Quang Hạ, Nhĩ Hạ… Trận chiến diễn ra khốc liệt. Máy bay trinh sát L19 từ trên trời chỉ điểm xung quanh cho pháo địch từ cửa biển bắn lên suốt 45 phút. Chúng rót pháo theo kiểu tọa độ, anh em bị thương vong nhiều, phải vượt tọa độ lửa, rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Hai người một cáng khênh thương binh ra vùng du kích ở bờ Nam sông Bến Hải, lúc này là vùng giải phóng của ta, thuộc huyện Gio Linh. Du kích ân cần chăm sóc anh em một ngày ở dưới hầm rồi chúng tôi vượt sông Bến Hải, sang đất Vĩnh Linh. Ra đây, anh em gặp anh Trần Trừu mới biết, anh và 2 chiến sĩ trinh sát bị mất liên lạc, phải dựa vào lùm cây dại mọc lúp xúp trên trảng cát, chịu đói, khát suốt 7 ngày liền, mới gặp được anh em.  

Chúng tôi củng cố lại đơn vị rồi chuyển ra nông trường Quyết Thắng thuộc phía tây Vĩnh Linh, gần đường 20. Nhưng mới ở được thời gian ngắn thì địch bắn cây nhiệt đới phát hiện ra ta. Chúng rải một vệt bom dài vào nông trường và xung quanh khu vực này, gây thiệt hại không nhỏ. Đơn vị rời nơi đây, tháng 6-1969 lại vào miền tây Quảng Trị. 

Đây là lần thứ hai, tôi vào “cửa tử” như địch vẫn tuyên truyền. Khe Sanh - Tà Cơn là trọng điểm ác liệt. Ngày 9-7-1968, quân ta chiếm cứ điểm Tà Cơn, giải phóng hoàn toàn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, mở thông hành lang chiến lược Bắc - Nam. Tuy thất bại phải rút khỏi Khe Sanh nhưng quân địch tập trung lực lượng phản kích điên cuồng gây cho ta nhiều khó khăn.

Đến tháng 8-1968, các đơn vị chủ lực bật ra khỏi đồng bằng nên chúng tôi bám trụ ở phía  tây Quảng Trị. Công việc của người thông tin truyền đạt miệng gắn với cán bộ Tiểu đoàn đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mỉ, nắm tin tức và tình hình ở các đại đội báo về tiểu đoàn, rồi truyền đạt mệnh lệnh trực tiếp đến các đại đội, các mũi tấn công. (Khi chuẩn bị vào trận, không bao giờ dùng thông tin vô tuyến và hữu tuyến, để chống địch dò sóng của ta). Chúng tôi quần nhau với địch suốt nửa năm, ác liệt nhất là cao điểm “300 đất - 300 đá”, giành nhau từng mỏm đồi, nhiều chiến sĩ của tiểu đoàn đã hy sinh anh dũng”.

Chuyện người lính thông tin đi dò đường tìm nơi chôn đồng đội  ảnh 2

Ông Phùng Văn Tâm ngày ấy và bây giờ

Đánh địch trên đất Lào

Ông Tâm kể tiếp: “Tháng 10-1968, đơn vị rút ra Nông Cống (Thanh Hóa) để củng cố, lấy thêm chiến sĩ mới cho đủ quân số một tiểu đoàn - trên 300 chiến sĩ. Công tác huấn luyện và tổ chức diễn tập cấp tiểu đoàn và trung đoàn được tiến hành liên tục để chuẩn bị cho chiến dịch lớn là Đường 9 - Nam Lào. Tháng 9-1970, tôi cùng một số cán bộ tiểu đoàn đi trước sang Lào để trinh sát trận địa, sau đó quay về đón anh em. 

Ta đã chủ động tập trung lực lượng các sư đoàn (mỗi sư đoàn có cả các tiểu đoàn xe tăng, pháo, kết hợp với bộ binh) để đón đánh trước khi địch mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” vào ngày 8-2-1971, tham vọng chặt đứt đường Hồ Chí Minh ở cả Đông và Tây Trường Sơn.

Nhận lệnh, chúng tôi vượt cửa khẩu Lao Bảo, sang chiến đấu ở phía tây Đường 9. Đơn vị cho anh em ăn Tết ở trong rừng thuộc huyện Mường Phìn, chỉ có gói thuốc lào “Độc Lập” phát cho cả tiểu đội hút và mỗi người 3 điếu thuốc lá. Thế cũng là sang lắm rồi. Tôi thì sau chuyến đi trinh sát về bị sốt rét phải đi trạm y tế của Sư đoàn. Cắt cơn sốt rét là lên đường để theo kịp anh em.

Trong 2 ngày 25 và 26-1-1971, Tiểu đoàn 2 nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 phối hợp với Quân Giải phóng Nhân dân Lào, đánh địch ở Pha Lan (Thaphalanxay). 

Đây là một trận đánh ác liệt, bởi đồn Pha Lan được con sông như hào nước bảo vệ. Thê đội 1 đảm nhiệm mũi tấn công chính, nhưng địa thế hoàn toàn bất lợi, không vượt qua được đầu cầu xông lên đồn. Thê đội 2 tiếp ứng, cũng không vào chốt được. Hỏa châu từ bốt bắn ra, bom từ trên dội xuống, 126 chiến sĩ hy sinh trên trận địa và mất tích. Lệnh trên cần thoát ra sớm, nhưng không có ai nhớ đường rừng, dẫn anh em ra nơi tập kết để lại ba lô trước khi vào trận. Tôi là lính thông tin, nhưng bí quá, thủ trưởng gọi tôi lên hỏi có nhớ đường dẫn anh em ra được không? Tôi đáp: Anh cứ đưa cho em cái la bàn. Đêm ấy, tôi dẫn anh em ra đúng nơi mà chiều hôm trước đơn vị tập kết thì đã gần sáng. Vài ngày sau, tôi lại dẫn anh Bút, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2 vào chôn cất đồng đội ở rừng. Một lực lượng khác của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, được lệnh vào đánh dứt điểm chốt Pha Lan, đã giành thắng lợi, buộc chúng phải rút chạy về Đồng Hến. 

Chúng tôi chôn cất đồng đội, vô cùng xót xa, rồi nhận lệnh đi chiến đấu để giải phóng thị trấn Đồng Hến; nhưng địch bị lực lượng khác của Sư đoàn 320 đánh bạt vía, khi chúng tôi hành quân dến nơi thì địch đã rút rồi”. 

Chuyện người lính thông tin đi dò đường tìm nơi chôn đồng đội  ảnh 3

Ông Phùng Văn Tâm cùng các chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 thăm lại Đội trưởng Nguyễn Văn Giảng ở xã Đại Đồng, Đông Anh, Hà Nội

Hy sinh và mất mát

Tháng 7-1971, đơn vị ra Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để củng cố thì ông Phùng Văn Tâm bị bệnh nặng, phải chuyển ra Thanh Hóa điều trị, chỉ còn da bọc xương tưởng không qua nổi. Sau khi hồi phục, ông được bổ sung vào Tiểu đội cối 82 của Đại đội 8 của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, đánh địch ở mặt trận Quảng Trị, vùng Bắc sông Mỹ Chánh, chống Sư đoàn Dù ngụy tái chiếm. Lúc này ông biết tin em trai Phùng Văn Niệm cũng đã vào chiến trường Quảng Trị từ tháng 4-1972. Cùng một trung đoàn, nhưng cũng không có dịp nào anh em được gặp nhau. Từ đầu năm 1973, sức khỏe yếu, nên ông được điều chuyển sang Tiểu đoàn 29 của Quân khu 4 đóng ở Vĩnh Linh,  chuyên xây dựng hầm, bệnh viện, doanh trại... Cũng đúng thời gian này, ông và gia đình nhận được tin dữ: em trai Phùng Văn Niệm hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, giấy báo tử không ghi rõ địa điểm nào. 

Tháng 6-1975, ông ra quân, trở về quê hương. Cha mẹ đã già, em trai đã hy sinh, tất cả phải gây dựng lại từ đầu. Ông lập gia đình và làm việc cho hợp tác xã nơi ông làm trước ngày đi chiến đấu. Cho đến nay, sau 4 lần tìm kiếm, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của em trai Phùng Văn Niệm.

Hàng năm, cứ đến dịp 30-4 và 27-7, những Cựu chiến binh của Tiểu đoàn 2 của Quân tăng cường Thủ đô vẫn gặp gỡ nhau, truyền cho nhau sức mạnh từ tình nghĩa đồng đội đã cùng sinh tử có nhau và truyền cho lớp trẻ biết trân trọng thành quả mà cha anh đã dùng máu xương đổi lấy. Căn nhà nhỏ thuộc làng Trích Sài cổ, nay thuộc tổ 52,  phường Bưởi, quận Tây Hồ, do các cụ để lại, nay vẫn là tổ ấm của gia đình ông và con cháu.