Chuyện ghi tại “siêu thị” ma túy

ANTĐ - Nắng cuối thu đã nhạt dần, hành trình của chúng tôi đến Mộc Châu lần này thật đặc biệt đó là cùng với  Cục cảnh sát Truy nã tội phạm (C52) của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm trong một chuyến công tác tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu -  một xã được biết đến là một điểm nóng của tỉnh Sơn La về tình hình buôn bán ma túy và sử dụng vũ khí trái phép.

Đại tá nguyễn Dĩnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiếp nhận đối tượng ra đầu thú

Đột nhập Lóng Luông

Xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu được coi là “siêu thị” ma túy của khu vực Tây Bắc. Xã Lóng Luông có 11 bản gồm 1.051 hộ với gần 5.300 nhân khẩu. Tình hình ANTT rất phức tạp khi có đến 35 đối tượng truy nã đang sinh sống trên địa bàn: 31 đối tượng là người dân tộc Mông, 4 đối tượng là người Kinh. Nổi cộm nhất là các bản Co Tăng, Pa Kha, Lóng Xá, Lóng Luông và Tà Dê. Các đối tượng truy nã liều lĩnh đều nằm trên 5 bản này. Buôn ma túy và sử dụng vũ khí  trái phép đã trở thành đặc sản, thành chuyện thường ngày ở bản. Trẻ em sẵn sàng bỏ cả học để làm “liên lạc viên” cho bố mẹ, người thân. Thấy chúng tôi là người lạ xuất hiện, lớp học vơi đi quá nửa để chạy về cảnh báo với những đại gia ma túy - bố mẹ chúng. Nhiều đại gia trong các vụ án tại Pà Cò, Hang Kia của tỉnh Hòa Bình cũng có nguyên quán Lóng Luông.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an một tổ công tác đặc biệt của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm và Công an tỉnh Sơn La (tổ 135) đã đến Lóng Luông vận động các đối tượng ra đầu thú. Chiến lược đặc biệt này được giao cho tổ công tác gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Thượng tá Nguyễn Xuân Hiến - Phó trưởng phòng PC52 tỉnh Sơn La làm tổ trưởng. Thời gian đầu tiếp cận địa bàn thật sự khó khăn, nguy hiểm đối với tổ công tác bởi các đối tượng biết rằng, nếu bị bắt thì họ không thể tránh khỏi những án phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật. Các đối tượng sẵn sàng chống trả đến cùng khi bị phát hiện. Triết lý sống “chết hay là dựa cột” dường như đã ngấm vào suy nghĩcủa những người dân nơi đây.

Hành trình vận động

Trước khi tiến vào Lóng Luông, trinh sát của tổ công tác đã có cả một thời gian dài ở cùng bà con dân bản. Qua thời gian này, các chiến sĩ đã nắm được đối tượng truy nã trên địa bàn xã Lóng Luông được trang bị vũ khí rất hiện đại: từ súng ngắn K54, K59; súng tiểu liên AK… cho đến lựu đạn. Hầu hết các đối tượng này đã được đồng bọn cung cấp khi tham gia buôn bán ma túy với số lượng lớn. Sự liều lĩnh, tinh quái của đối tượng chính là mối hiểm nguy cho những chiến sĩ “mũi nhọn”. Với sự linh hoạt, khôn khéo các trinh sát của tổ công tác 135 đã thực hiện những biện pháp nghiệp vụ để tiếp cận địa bàn bằng cách “đi đường vòng”.

Đó là cách tiếp cận với người thân của đối tượng, những người có tiếng nói trong gia đình, dòng họ, bản làng để từ đó tác động đến từng đối tượng. Từ những cuộc nói chuyện vui đến những lời đề nghị, giải thích và thuyết phục họ để họ hiểu được sự đặc cách, khoan hồng của  pháp luật. Những lời thuyết phục  tưởng chừng như không đủ sức lay động những đối tượng sẵn sàng xả súng đối đầu với công an, vậy mà trong vòng gần 20 ngày, các anh đã vận động được 10 đối tượng nguy hiểm ra đầu thú. Cả 10 đối tượng này đều phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đã lẩn trốn nhiều năm nay.

Trong đó, riêng ngày 13-10 có 3 đối tượng đặc biệt nguy hiểm ra đầu thú. Đó là Sồng A Giàng, SN 1984, Sồng A Khúa và Tráng A Chứ, SN 1973, cùng trú tại bản Co Tang, xã Lóng Luông. Sồng A Giàng có 2 lệnh truy nã đặc biệt của Cục CSĐT tội phạm về ma túy và Công an Hà Nội về tội mua bán trái phép chất ma túy từ năm 2007. Sồng A Khúa là chú ruột của Giàng, cũng bị bắt khi đang vận chuyển 2 bánh heroin và đã lẩn trốn nhiều năm nay. Còn Tráng A Chứ là em rể của Giàng bị bắt khi đang cất 1 bánh heroin tại nhà. Bản thân Chứ cũng có em trai là Tráng A Cở đã bị thi hành án tử hình về tội ma túy tại Bắc Giang cách đây vài năm. Cả 3 đối tượng đều hứa sẽ vận động người thân, bạn bè trót phạm lỗi lầm cùng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Nghe tin có Đại tá Nguyễn Dĩnh - Cục trưởng Cục C52 lên thăm hỏi, động viên các gia đình và đối tượng đã ra đầu thú như là một động thái tiếp thêm niềm tin cho các đối tượng khác đến gặp chính quyền xin được hưởng khoan hồng. Thêm một hành động thiết thực nữa là các y, bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện 19-8 lên khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào tại xã Lóng Luông càng làm tăng thêm niềm tin cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Sau khi những đối tượng đầu tiên ra đầu thú, tổ công tác 135 đã coi họ là một nguồn vận động hiệu quả. Bởi, bản thân các đối tượng đều biết tội của mình nên xác định “quay đầu” lại là một quyết định đúng đắn, là một cơ hội để làm lại cuộc đời. Theo Đại tá Nguyễn Dĩnh - Cục trưởng Cục C52, các đối tượng có lệnh truy nã còn lại đều đã biết được chính sách khoan hồng này. Việc kêu gọi họ ra đầu thú chỉ là vấn đề thời gian.

Mỗi đối tượng ra đầu thú là một lần anh em trinh sát 135 đã phát khổ vì rượu. Khi được mời đến nhà uống rượu, tức là đối tượng đã đồng ý gặp mặt trinh sát và ra đầu thú. Lúc này đối tượng rất muốn nghe cán bộ, chiến sĩ của tổ công tác nói rõ về sự khoan hồng của Chính phủ dành cho họ. Thiếu tá Đồng Ngọc Hà cho biết: “Trong tổ công tác có những anh em bị huyết áp cao và đau dạ dày nhưng nếu muốn tiếp cận được với họ thì mình phải hiểu phong tục của họ. Có những lần tiếp xúc, vận động đối tượng ra đầu thú thành công, về đến chỗ ở là nôn thốc nôn tháo, ốm đến mấy ngày”.

Ngày mới bắt đầu

Nếu như các đối tượng truy nã trước kia luôn phải sống cuộc sống chui lủi trong bóng tối, luôn phải  lẩn tránh, không dám gặp người của chính quyền địa phương cũng như công an thì sau khi ra đầu thú, họ như trút được gánh nặng mà bấy lâu nay do thiếu hiểu biết pháp luật mà họ đã phạm tội. Không những thế, được các chiến sĩ công an vận động, thuyết phục họ hiểu hơn chính sách của pháp luật và thức tỉnh để thấy rằng mình phải làm gì để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Sồng A Giàng cho hay: “Đêm nằm ngủ nghe tiếng cành cây gãy ngoài vườn, nghe tiếng chó sủa cũng giật mình, chỉ sợ có cán bộ vào vây bắt. Thèm ăn bát mỳ ngoài phố cũng không dám đi. Giờ ra đầu thú, ngủ cảm thấy ngon giấc không bị giật mình như trước. Em chỉ mong sao sớm trả được hết nợ pháp luật để được hưởng cuộc sống tự do”. Còn đối tượng Tính A Sua sinh năm 1969, người đầu tiên ra đầu thú giờ cũng vun vén gia đình, thể hiện trách nhiệm của người chồng, người cha bằng cách hàng ngày đi làm nương, rẫy để trồng sắn, ngô.

Chia tay tổ công tác 135, câu nói vui của Trung tá Dương Đình Lập: “Cứ cái đà này, anh em chúng tôi sắp thất nghiệp rồi” đã ám ảnh tôi suốt chặng đường dài. Nhìn vẻ đẹp của Lóng Luông ít ai nghĩ đó lại là “cái rốn” ma túy của vùng Tây Bắc. Lúc này Lóng Luông đang bớt chao đảo bởi những đối tượng truy nã đang ra đầu thú ngày một nhiều thêm. Chúng tôi rời Lóng Luông cũng là lúc bình minh vừa hé. Vẻ đẹp thanh bình của Lóng Luông đang dần về với những nếp nhà ám khói. Rồi đây, trên nương trên rẫy của Lóng Luông lại có thêm những người chồng, người cha gánh vác việc nhà. Một ngày mới lại bắt đầu ở Lóng Luông.

Trong lúc ngồi viết bài  này, tôi đã nhận được 1 tin vui nữa từ Lóng Luông gửi về: có thêm 3 đối tượng nữa ra đầu thú là Tráng A Khai và Tráng A Chồng, Hò A Chư.