Chuyện chưa kể của người đi tìm gốm cổ

ANTĐ - Gốm cổ trong dòng chảy phát triển, quá trình tìm kiếm và cả những câu chuyện thật giả  có một sức hút lạ kỳ với người yêu gốm. Là một trong những chuyên gia đầu ngành về gốm và cổ vật, TS Nguyễn Đình Chiến – nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã chia sẻ những quan điểm về gốm trong dòng chảy đương đại thông qua những chuyến thực địa của ông trong nhiều năm lặn lộn, trải nghề.

Chuyện chưa kể của người đi tìm gốm cổ ảnh 1TS Nguyễn Đình Chiến (giữa) - trong một lần đi khai quật tàu đắm tại Châu Thuận Biển, Bình Sơn, Quảng Ngãi

Báu vật nằm dưới biển sâu 

Trực tiếp tham gia nhiều cuộc khai quật khảo cổ dưới nước, TS Nguyễn Đình Chiến kể, khi khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), các chuyên gia đã phát hiện khoảng 240.000 hiện vật trên con tàu này, trong đó chủ yếu là gốm Việt Nam. Việc tìm thấy số lượng lớn đồ gốm Việt xuất khẩu trên tàu Cù Lao Chàm là đặc biệt hiếm. Bên cạnh các gốm hoa lam rất đẹp, các chuyên gia đã phát hiện các kỹ thuật rất mới, đó là vàng kim kết hợp vẽ nhiều lần trên men qua lần nung thứ hai. Cách tạo hình trên những cổ vật được khai quật có nhiều biểu hiện giống đồ gốm thế kỷ 15. Tuy nhiên, chi phí để đưa con tàu từ độ sâu 72m lên mặt đất phải lên tới hàng triệu USD và đây cũng là thách thức thực sự cho các nhà khảo cổ. 

Ngoài tàu Cù Lao Chàm, TS Nguyễn Đình Chiến cũng chia sẻ câu chuyện khá thú vị khi chỉ đạo khai quật tàu cổ ở Bình Thuận. Trong một lần khai quật, một chuyên gia người Úc phát hiện được rất nhiều lớp đĩa xếp chồng ở dưới đáy biển, nhưng đã định bỏ đi vì không có giá trị về mặt kinh tế. Tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu thợ lặn vớt hết số đĩa này lên. Quả thực, khi một thương nhân người Pháp mua lại, ông này đã phân loại và xử lý, phát hiện được một lượng đĩa gốm sứ thời Minh, có thể tận dụng rất tốt làm đồ gia dụng. TS Nguyễn Đình Chiến cho biết, vấn đề đặt ra chúng ta chưa hiểu rõ hết giá trị của gốm. Nhiều khi, chúng ta chỉ coi trọng tính nghệ thuật mà quên đi gốm vốn được làm ra để phục vụ cuộc sống. Nếu không có sự can thiệp của thương nhân người Pháp thì số đồ gốm này đã bị bỏ phí một cách đáng tiếc.  

Giả cổ lại thịnh hành 

“Trình độ làm giả cổ ở Việt Nam khiến tôi ngạc nhiên” – đó là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Chiến sau nhiều năm nghiên cứu về gốm cổ. Khi đi giám định một vụ buôn bán trái phép ở TP.HCM, ông có gặp một lô hàng đĩa gốm sứ hoa lam. Lô hàng này được làm giả theo chính những mẫu gốm thuộc thời Minh ở tàu cổ Bình Thuận. Điều bất ngờ ở chỗ, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì họ làm giống đến 80-90%. Đối với gốm cổ, khi chế tác nghệ nhân đặt lên cát để kê nên các sản phẩm đều có đặc tính là phần đáy dính chặt cát. Tuy nhiên, người làm giả lại chỉ dùng… keo 502 để gắn cát vào. Truy ra thì biết lô hàng này xuất xứ ở một lò gốm ở Bắc Giang, nghệ nhân này đã cất công sang các lò gốm ở Trung Quốc để mang nguyên liệu và học tập kỹ thuật làm gốm tại đó. Từ hoa văn cho đến màu sắc men thì hoàn toàn giống bản gốc, khiến những ai trông thấy đều ngạc nhiên. 

Theo nhận định của TS Nguyễn Đình Chiến, thì ngay tại Bát Tràng – trung tâm gốm của cả miền Bắc, cũng có những món đồ giả cổ theo phong cách thế kỷ 17 rất tinh xảo. Điều này cho thấy xu thế làm giả cổ ở Việt Nam đang dần trở nên thịnh hành và đạt đến trình độ tương đối cao. Thay vì sản xuất ra một sản phẩm mới, các nghệ nhân lại chú trọng vào việc làm giả cổ vì bỏ ra ít vốn, nhưng thu lời cao hơn. Việc này cho thấy một xu thế của công nghiệp gốm đang ngày càng bám sát nhu cầu thị trường, nhưng nó cũng bộc lộ một mặt trái. Đó là sự sáng tạo đang dần bị bào mòn – TS Nguyễn Đình Chiến cho biết.