Chia sẻ sự sống để cứu… người dưng

ANTĐ - Âm thầm cho đi một phần cơ thể của mình ngay khi còn sống để cứu giúp, đem lại sự sống cho người khác đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, và cũng là món quà tặng cuộc sống vô giá. Những con người có tấm lòng như vậy không nhiều trong xã hội hôm nay, hành động của họ không chỉ hồi sinh được những cuộc đời mà con lan truyền những thông điệp nhân văn cao cả. 
Chia sẻ sự sống để cứu… người dưng ảnh 1

Hiến thận cho người không quen

Đăng ký hiến tạng sau khi mất là một nghĩa cử cao đẹp nhưng đa phần mọi người vẫn e dè, ấy thế mà bà Lê Thị Thảo (56 tuổi, trú tại Thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đã tình nguyện hiến một quả thận của mình cho một người xa lạ khi vẫn còn sống. Không những thế, bà cũng đăng ký hiến toàn bộ cơ thể của mình sau khi chết những mong sẽ làm được việc thiện, hồi sinh cho những người đang đứng bên cửa tử. Một người nông dân chân chất như bà lại có tư tưởng tiến bộ như vậy làm chúng tôi thực sự ngạc nhiên. 

Kể về quá trình hiến tạng của mình, bà Thảo cho biết: Trước đây khi được nghe tuyên truyền về hiến tạng, bà cũng muốn sau này mình chết đi sẽ hiến giác mạc và toàn bộ cơ thể của mình cho khoa học. Nhưng trong một lần đi dự hội nghị tập huấn về hiến mô tạng ở Hải Phòng, đọc cuốn sách được phát, bà bị ám ảnh bởi những số phận không có cơ hội kéo dài cuộc sống vì không có nguồn tạng mà người đời tự nguyện hiến tặng. Và bà cũng được biết không phải đợi đến lúc chết mới có thể hiến mô tạng mà có thể hiến ngay khi còn sống. Thế là bà lập tức đến Ban tổ chức đăng ký hiến thận, gan và da.

Trở về nhà, tháng 12-2014, bà Thảo đã đến Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép bộ phận cơ thể người để bày tỏ tâm nguyện hiến tạng. Rồi bà phải vào Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe mình xem có đủ điều kiện để hiến thận hay không. Ở đó, bà gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, họ đang chống chọi với bệnh tật, ngấp nghé cửa tử. Mạng sống của họ sẽ được hồi sinh khi chỉ cần một ai đó hiến cho họ một quả thận hay một lá gan. Thế nhưng rất khó để tìm được một người như thế, nhiều trường hợp ngay chính anh em trong gia đình cũng không đồng ý hiến. Lúc ấy bà chỉ ước giá như mình có nhiều lá gan, nhiều quả thận hơn để cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo như thế này. 

Kể từ thời điểm đó đến thời điểm chính thức lên bàn mổ để hiến thận, bà trải qua không biết bao nhiêu xét nghiệm trong vòng suốt nửa năm trời. Mỗi lần bác sĩ gọi đến viện xét nghiệm một mình bà đi xe máy từ Bắc Ninh xuống Hà Nội, bà lại còn phải nói dối chồng con là đi làm cây cảnh ở Hoài Đức. Tháng 5-2015, ca phẫu thuật hiến, ghép thận đã được tiến hành tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Ngày lên bàn mổ cắt thận, bà không dám cho ai biết. Nhưng vì phải có người nhà ký vào giấy đăng ký tự nguyện hiến thận nên bà đành gọi cho cô con gái thứ hai xuống ký và yêu cầu con gái không được nói với ai. Thấy vợ đi mấy ngày không về, chồng bà sốt ruột gọi điện hỏi, bà lại phải nói dối là đang học trồng cây. Đến khi về, vì vết mổ chưa lành phải đi lom khom, chồng bà sinh nghi mới tra hỏi, bà đành thừa nhận. Cũng may, tuy giận vợ nhưng ông cũng không trách mắng gì nhiều. 

Không chỉ hiến thận, bà Thảo còn đăng ký hiến tất cả các bộ phận sau khi mình mất đi. Bà vui vẻ khoe rằng hễ đi đâu xa xa một tí, bà đều phải đeo chiếc thẻ này trước ngực để “nhỡ may mình có mệnh hệ gì không qua khỏi, thì có tấm thẻ này người ta biết mình hiến tạng mà lấy chứ”. Bà Thảo bảo, ban đầu bà không có ý định chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người, nhất là người nhận thận, vì không muốn họ phải hàm ơn mình. Nhưng khi chia sẻ tâm sự này với các chuyên gia của Trung tâm điều phối về ghép tạng, nhiều người bảo với bà rằng việc làm của bà là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường và nếu được chia sẻ nó sẽ lan tỏa đến mọi người, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp.

Chia sẻ sự sống để cứu… người dưng ảnh 2

Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp

Cũng giống như trường hợp bà Thảo là tấm lòng cao cả của thầy Thích Đạo Cảnh (hiện tu tại Hoài Đức, Hà Nội). Dù mang trong mình căn bệnh u gan nhưng thầy vẫn sẵn lòng hiến đi một quả thận cho một bệnh nhân suy thận. Thầy Thích Đạo Cảnh kể, trước đây khi đang tu tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh thì thấy sức khỏe yếu, thầy xin sư trụ trì về Hà Nội khám bệnh và phát hiện bị ung thư gan giai đoạn 2.

Sau khi điều trị bệnh ổn định, và cũng biết tại Bệnh viện Việt Đức có đặt trụ sở của Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người, thầy đã đến đây tìm hiểu thông tin rồi làm đơn hiến tạng. Sau nhiều lần làm xét nghiệm, kết quả cuối cùng cho thấy, quả thận của thầy hoàn toàn khỏe mạnh và được chấp nhận cho ghép. Quả thận của thầy đã cứu được một mạng sống, mà đến nay thầy cũng không biết họ là ai, và người được nhận tạng cũng không hề hay biết thông tin gì về thầy. Thầy Thích Đạo Cảnh tâm sự: Được chia sẻ một phần sự sống của mình với người khác là điều mãn nguyện rồi, tôi cho đi thì không nhận lại. Nếu để người ta biết rồi phải hàm ơn thì cái phúc của mình sẽ giảm đi một nửa…

Ngay cả những người thân của thầy và các nhà sư khác ở chùa cũng không được biết việc thầy đi hiến thận. Đến tận khi thầy bị tai nạn, bị gãy xương sườn phải đắp bột, các sư trong chùa mới biết. Thầy bảo nếu nhân duyên còn, thầy vẫn muốn hiến tặng các bộ phận cơ thể khác cho những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ được ghép mô, tạng. Thầy cũng đã làm đơn hiến các bộ phận khác trên cơ thể mình sau khi mất, và hiến xác cho y học.

Tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đặt tại Bệnh viện Việt Đức, 40 Tràng Thi) có rất nhiều câu chuyện cảm động như bà Thảo hay  thầy Thích Đạo Cảnh. Có cô gái trẻ bị ung thư giai đoạn cuối, vì biết không qua khỏi nên đã tình nguyện hiến 2 giác mạc của mình sau khi qua đời. Hay một gia đình có tới 7 người cùng làm đơn hiến tạng… Nhiều người dù được học hành không cao, thậm chí có người là dân “xã hội” nhưng khi nhắc đến chuyện hiến tạng cứu người họ lại vô cùng thoải mái đồng ý hiến tạng. Đến nay cả nước đã có khoảng trên 1.000 thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não được phát hành. Con số không phải là nhiều, nhưng với nghĩa cử cao đẹp của những người tình nguyện hiến tạng được lan truyền, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ có ngày càng nhiều những bệnh nhân được cứu sống nhờ tạng hiến.

Vẫn vướng rào cản tâm lý

Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, với các trang thiết bị, cơ sở vật chất đều sẵn sàng. Khó khăn nhất hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt chính là sự khan hiếm nguồn tạng hiến. Tính đến hết tháng 9-2015 cả nước mới có khoảng 1.200 ca ghép thận; 48 người ghép gan, 13 ca ghép tim; 1 ca ghép đồng thời thận - tụy và ghép giác mạc là hơn 1.400 ca. Thực tế nhu cầu người chờ ghép hiện đang ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm cả nước có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não. Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), con số này cũng xấp xỉ 1.000… Đây là nguồn mô, tạng cứu sinh cho nhiều người chờ ánh sáng và chờ chết. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau, trong đó có vấn đề về nhận thức, quan niệm tâm linh, nhiều trường hợp chết não đã không được gia đình đồng ý hiến tặng tạng.

Có một thực tế là không ít những người đồng ý hiến tạng đang vấp phải định kiến và ánh nhìn không mấy thiện cảm của xã hội. Như trường hợp bà Lê Thị Thảo trong câu chuyện nói trên, khi thông tin bà hiến thận được nhiều người biết đến, không ít người đã xì xào rằng bà đi bán thận lấy mấy trăm triệu. Hay có trường hợp một người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào cậu con trai. Nhưng không may, người con ấy gặp tai nạn giao thông rồi qua đời. Người mẹ già đã nén nỗi đau để hiến tạng con cứu người mà không nhận lại sự trợ giúp nào. Thế nhưng nghĩa cử của bà lại bị không ít người dèm pha, người ta bảo rằng bà bán mô tạng của con để lấy tiền sinh sống. Phải mất nhiều năm sống trong ánh nhìn không thiện cảm của mọi người, câu chuyện của bà mới được cảm thông, chia sẻ…

Đó là những rào cản vô hình khiến nhiều người cần nguồn tạng hiến mà không được đáp ứng, dù nguồn tạng của người chết não thì đang bị lãng phí. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, việc hiến tạng sau khi chết não được mặc định đối với hầu hết công dân, trừ khi họ chủ động không đồng ý hiến tạng.