Chàng sinh viên chạy "xe ôm" cứu bạn bị bạo bệnh

ANTĐ - Phan Ngọc Quý là một thanh niên nhỏ nhắn, da sạm đen vì mưa nắng, nhưng ánh mắt lúc nào cũng cương quyết. Với chiếc xe máy cũ, cả thời gian qua, Quý ngược xuôi trên những con đường, ngõ phố Thủ đô Hà Nội, bất chấp mưa gió, đêm hôm để chạy “xe ôm” hay vận chuyển hàng thuê. Đến cuối ngày, Quý lại gom chút tiền kiếm được mang vào Bệnh viện Bạch Mai cho người bạn thân đang hôn mê trên giường bệnh. Đó là câu chuyện bình dị, đầy cảm xúc và nhân văn về tình bạn đẹp của những con người còn rất trẻ.

Chàng sinh viên chạy "xe ôm" cứu bạn bị bạo bệnh ảnh 1

Không bao giờ mất hy vọng

Ngày 29 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trong khi các gia đình đang chuẩn bị sum vầy với bữa cơm cuối năm thì người bạn thân của Phan Ngọc Quý là Phùng Thiều Lam đang khỏe mạnh bỗng đau đầu dữ dội, sốt cao, buồn nôn và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Do bệnh tình quá nặng, Phùng Thiều Lam được gia đình chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai.

Các bác sĩ chẩn đoán Lam bị sốt siêu vi viêm cơ tim - căn bệnh hiếm gặp ở Việt Nam. Việc điều trị ban đầu bệnh nhân phải mua những máy móc, thiết bị đặc biệt chuyên dụng lên đến cả vài trăm triệu đồng… Khi biết để duy trì sự sống cho Lam, chi phí điều trị trong những ngày tháng tới có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày, Quý cảm thấy bản thân mình bất lực, mắt cay nhòe nước. Về đến ký túc xá, Quý cứ luẩn quẩn trong đầu câu hỏi làm sao, bằng cách nào đây để giúp đỡ bạn.

Quý nghĩ mãi… rồi tự vấn: Không bao giờ được mất hy vọng. Gần nửa đêm, câu chuyện trên mạng xã hội Facebook, dòng trạng thái của Phan Ngọc Quý (Nickname Kẹo Đắng), sinh viên năm cuối trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thu hút hàng nghìn bình luận và được hàng nghìn người chia sẻ. Quý bắt đầu với số điện thoại của mình và mấy câu ngắn gọn: “Tôi đang rất cần tiền. Ngày mai và ngày kia, thứ bảy và chủ nhật, tôi sẽ chạy “xe ôm” để dành số tiền đó ủng hộ bạn tôi. Nếu các bạn cần đi đâu hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ lấy rất rẻ”.

Kèm theo đó, Quý đưa thêm thông tin về người bạn gái học cùng thời cấp III của mình là Phùng Thiều Lam (SN 1993), sinh viên năm thứ ba, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đang chơi vơi giành giật giữa sự sống và cái chết bởi căn bệnh viêm cơ tim. “Gia đình Phùng Thiều Lam đã khánh kiệt. Tôi sẽ không cầu xin sự giúp đỡ của bất kỳ ai, vì các bạn cũng là sinh viên như tôi làm gì có tiền, chỉ có lao động chân chính mới tạo ra giá trị.

Bởi vậy các bạn hãy giúp tôi chia sẻ thông tin này, để có thêm nhiều người biết đến và tôi sẽ có nhiều tiền hơn để ủng hộ cho bạn ấy. Tôi sẽ làm việc mọi thời điểm kể cả 1-2h sáng nếu các bạn cần. Tôi sẽ lấy rẻ, rất rẻ, các bạn hãy gọi cho tôi”, Phan Ngọc Quý kêu gọi trên Facebook. Và chỉ một thời gian ngắn sau, dòng thông tin của Quý đã có hiệu quả. Từ 4h sáng, đã có người gọi điện cho Quý để chuyển hàng…

Chàng sinh viên chạy "xe ôm" cứu bạn bị bạo bệnh ảnh 2

Còn có rất nhiều người tốt

Phan Ngọc Quý sinh năm 1993, quê ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, hiện đang học năm thứ năm, khoa Sinh học thực phẩm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Quý và Lam là bạn thân thời cấp III ở tỉnh Nghệ An. Gia đình Quý cũng không khá giả gì. Quý học giỏi và thi đỗ đại học Bách Khoa, nhưng vẫn thường xuyên đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Cũng như Quý, Lam là cô gái rất ham học, từng học 2 năm chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Vinh, nhưng vì đam mê vẽ từ nhỏ, Lam lại tiếp tục với ước mơ khi thi đỗ trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Cuộc đời chẳng ai biết trước được điều gì, không ai ngờ bỗng dưng một ngày tai họa lại đổ xuống đầu cô sinh viên này. 

Những ngày qua, Phan Ngọc Quý tranh thủ vừa học, vừa chạy “xe ôm” và chở hàng để có thêm thu nhập giúp bạn chạy chữa. Chỉ trong 2 ngày đầu, Quý đã đi rất nhiều nơi. Thậm chí, có ngày, cậu chạy “xe ôm” tới 2-3h sáng vì chưa làm hết đơn hàng yêu cầu.

Phan Ngọc Quý chia sẻ: “Trong ngày đầu tiên em kiếm được 445.000 đồng từ việc chạy “xe ôm” và chở hàng. Sau khi chia sẻ thông tin, nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng, số tiền tăng lên 7,2 triệu đồng. Đến ngày thứ sáu tất tả ngược xuôi Quý đã nhận quyên góp được hơn 18 triệu đồng để giúp cho người bạn của mình.

Từ thời khắc câu chuyện của Quý được chia sẻ rộng rãi, cuộc sống của Quý luôn gắn liền với chiếc điện thoại di động và pin dự phòng bởi hầu như lúc nào cũng có cuộc gọi hoặc tin nhắn ủng hộ Lam. Ngồi trước mặt chúng tôi, Phan Ngọc Quý mở chiếc máy điện thoại, chỉ vào danh bạ, hàng loạt họ tên được Quý đánh dấu 2 ký tự đầu tiên là “TT”. “Em lưu giữ toàn bộ những số điện thoại gọi đến ủng hộ. TT đó là chữ viết tắt của “từ thiện”.

Em muốn lưu lại để sau này khi có cơ hội Lam còn biết, đã rất nhiều người bên bạn, ủng hộ bạn cả vật chất, tinh thần với mong muốn Lam sẽ vượt qua bạo bệnh”. Quý một mực nói với chúng tôi rằng không muốn lên báo vì em nghĩ gặp hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ làm như em, thậm chí làm tốt hơn em.

Em cũng không muốn đi xin sự thương cảm mà muốn tự tay mình làm ra tiền để giúp đỡ bạn. “Cuộc sống còn có rất nhiều người tốt. Không phải dễ dàng khi một người lạ sẵn sàng gọi điện cho một người lạ để ủng hộ tiền như thế. Em nợ ơn họ rất nhiều”, Phan Ngọc Quý chia sẻ. 

Sự tử tế đến từ những điều giản dị 

Quý nói với chúng tôi rằng, đến thời điểm này do những cuộc điện thoại và sự ủng hộ nhiều đến mức mỗi ngày có cả trăm cuộc điện thoại hỗ trợ tiền cho Lam khiến em không kịp hồi âm hết. Nhiều lúc em vừa ăn, vừa học, vừa đi, vừa nhắn tin, vừa trả lời điện thoại. Sau vài ngày quay cuồng liên tục với việc chạy “xe ôm”, thậm chí em phải xin nghỉ một số tiết học để chạy hết yêu cầu chạy xe. Em nhận thấy không đủ sức và thời gian nên tạm hoãn công việc chạy “xe ôm”, ship hàng để tới các địa chỉ hảo tâm, nhận tiền cho Lam.

Phan Ngọc Quý quyết định không chạy “xe ôm” nữa,  mọi sự ủng hộ cho Lam sẽ được chuyển ủng hộ trực tiếp, còn Quý sẽ chỉ lo đi nhận ủng hộ từ những địa chỉ ở gần trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Với Quý, đã qua những giấc ngủ vội 5, 10 phút, đã hết những tất bật giữa phố đông, những đêm lạnh vắng người…; còn với Lam, tình hình sức khỏe chưa thể nói trước điều gì.

Nhưng với Phan Ngọc Quý, với tình cảm và những nỗ lực không mệt mỏi của mình, em luôn khẳng định người bạn của mình sẽ tỉnh lại, sẽ khỏe mạnh, sẽ tiếp tục những ước mơ còn dang dở, đó là niềm tin chẳng gì lay chuyển được. Chàng sinh viên Phan Ngọc Quý đang đi nốt những ngày tháng trên giảng đường để hoàn thành tâm nguyện của cậu học trò nghèo xứ Nghệ, nhưng những gì em đã và đang làm viết lên một điều giản dị về tình bạn đáng trân trọng và đẹp biết bao!