Buồn vui chuyện làm PR, quảng bá sách

ANTĐ - Để cạnh tranh giữa thị trường với vô vàn đầu sách, tên sách, để tiếp cận với độc giả càng nhanh càng tốt, nhà văn thường nhờ các đơn vị xuất bản, hoặc tự đứng ra làm PR quảng bá sách của mình. Cũng từ đây, những chiêu trò, thủ thuật được tung ra đủ cả, chỉ cốt sao bán được thật nhiều sách. 

Buồn vui chuyện làm PR, quảng bá sách ảnh 1Nhiều nhà xuất bản sử dụng vô số thủ thuật cạnh tranh để tiếp cận độc giả

Câu khách bằng người nổi tiếng

Đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, một tác phẩm nổi tiếng nhờ vào sự đánh giá, công nhận của công chúng, được bạn đọc truyền tai, “kháo” nhau vì ngưỡng mộ, vì tâm đắc, mà mua về đọc. Đơn cử, trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cứ mỗi lần ra mắt một tác phẩm là không ít bạn đọc ở mọi lứa tuổi kiên nhẫn xếp hàng mua sách để được ký tặng thì đây có lẽ là của hiếm trong làng văn. Sách muốn được nhiều bạn đọc biết đến, bán chạy trên thị trường, nhất thiết phải trải qua “công đoạn PR”. Và đã thành thông lệ, cứ mỗi khi có tác phẩm mới, việc đầu tiên các đơn vị xuất bản là tổ chức các buổi giới thiệu sách, tọa đàm với sự có mặt của đông đảo phóng viên và điều không thể thiếu được là sự hiện diện của những nhà văn, nhà phê bình có tiếng. 

Chính bởi vậy, giới nhà văn cũng có nhiều tên tuổi được người trong nghề quảng bá xuất bản gọi đùa là những nhà… giới thiệu sách chuyên nghiệp. Họ còn mách nhau cụ thể, cứ phải có nhà văn A, B, C thì mới ra chất… giới thiệu sách. Cũng bởi sự xuất hiện với tần suất dày đặc của một số tên tuổi quen như vậy, nhiều người thắc mắc, không biết thời gian đâu mà họ đọc cho kịp từng ấy tác phẩm, nữa là đọc thật kỹ, thật chậm để phân định rạch ròi cái hay cái dở của nhà văn. Mà đã mang tiếng giới thiệu sách, thì đương nhiên phải làm cho độc giả cảm thấy hứng thú, muốn mua, muốn đọc tác phẩm ấy. Bởi vậy, ít nhà phê bình nào thẳng thắn chỉ ra mọi điều “chưa được” của cuốn sách. 

Nếu không mời mọc trực tiếp được những tên tuổi tham gia giới thiệu sách rình rang, thì nhiều cây bút, nhất là những cây bút chưa nổi chọn cách mời bằng được những bậc tiền bối  trong làng văn chấp bút cho lời đề tựa, lời bạt, bình cho cuốn sách. Thế mới có chuyện, nhiều tác giả dành ra đến… đôi ba chục trang sách, chỉ để trích dẫn nguyên những lời hay ý đẹp về đứa con tinh thần của mình. Họ muốn định hướng cho người đọc rằng, sự thẩm định của những người trong nghề được coi là thước đo đáng tin cậy, giúp cho việc đánh giá, quyết định chọn hay không chọn mua một tác phẩm.

Thế nhưng, cũng cần nhắc lại rằng, sách hay  dở thế nào còn tùy thuộc cảm quan, thị hiếu của người đọc. Lẽ đương nhiên, tác phẩm đối với người này chưa chắc đã “hợp gu” nhưng người khác lại có thể cho là được. Đấy là chưa kể, không phải ai cũng tin chắc những lời hay, ý đẹp mào đầu cuốn sách thật chuyên nghiệp kia là thật. Độc giả cũng biết chứ, có thể do… thân tình, cả nể mà những bậc tiền bối trong làng văn sá gì chuyện đứng tên viết đôi dòng giới thiệu giúp thế thôi. 

Xin đừng quảng bá quá đà 

Nói đến quảng bá giới thiệu sách, bên cạnh tọa đàm, ký tặng  đã được cho là công đoạn không thể thiếu, thì nhiều tác giả chọn cách lôi kéo bạn đọc với đủ kiểu độc đáo và sáng tạo. Có đủ cách để tặng quà độc giả, nhẹ nhàng thì tặng dấu sách, tấm postcard (thiếp) được đặt hàng từ những họa sỹ tên tuổi thiết kế, “sang” hơn thì cả phiếu giảm giá, vé xem phim, áo phông, cốc, sổ, bút… Còn rầm rộ hơn thì kết hợp trình diễn thơ với nhạc, biểu diễn kịch mô phỏng truyện... mà một số nhà văn nữ cũng đã từng tiên phong. Đó là chưa kể đến con đường ngắn nhất, nhưng cực kỳ hiệu quả, đó là câu kéo người đọc trên mạng xã hội. 

Nhiều nhà văn trẻ đã sử dụng trang cá nhân trên mạng xã hội là kênh tiếp cận độc giả, từ việc tung ra những đoạn giới thiệu cho đến kết nối các đầu mối phân phối sách, các phương thức ưu đãi đến tận tay độc giả. Những cây viết khéo léo thì nhờ báo chí đưa đẩy thông tin, tạo càng nhiều tranh luận càng tốt, theo cái gọi là có scandal thì mới nổi tiếng. 

Không bằng những con đường chính thống, không bằng đường thẳng, nhiều tác phẩm sau một đêm bỗng chốc nổi lên như cồn chỉ vì một chi tiết gây tranh cãi. Câu chuyện thực hư cuốn “Xách ba lô lên và đi” của tác giả Huyền Chip có phải sản phẩm của đánh bóng tên tuổi hay không vẫn còn để ngỏ. Chỉ biết, sau khi những tình tiết vô lý đến không ngờ trong phần 2 cuốn sách được đem ra tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn thì phần 1 cuốn sách này cũng “bán đắt như tôm tươi”, được người đọc khắp nơi lùng sục, săn tìm. Hay nữ nhà văn Trang Hạ cũng đã từng bị hồ nghi quảng bá quá đà khi cô làm dậy sóng cộng đồng mạng bởi phát ngôn “gây sốc” đúng vào thời điểm tác phẩm “Tình nhân không bao giờ cưới” xuất hiện trên thị trường sách.  

Nói như nhà văn Dương Thụy - tác giả của nhiều tác phẩm được ưa thích như “Oxford thương yêu”, “Bồ câu chung mái vòm”, “Cung đường vàng nắng”, sách nhiều khi không cần làm PR vẫn bán được, đơn giản nhờ độc giả. Độc giả quen thì cứ “canh” có sách mới là mua. Độc giả mới thì có thể biết đến qua một phương pháp marketing vô cùng “cổ lỗ” nhưng cực kỳ hiệu quả đó là truyền miệng từ người này qua người khác. Suy cho cùng, chính độc giả là những người làm PR, quảng bá và tiếp thị sách nhiệt tình và hiệu quả nhất. Vậy thì, cần gì bày đặt nhiều chiêu trò PR cho sách cho rối cả lên?