Bài học thú vị từ việc "thử ngồi tù" và "thăm...ma" ở nhà tù Melbourne

ANTĐ - Nhà tù cũ của Melbourne là một trong những di tích tôi đã tới thăm và để lại nhiều ấn tượng. Nó là cơ hội để tôi tìm hiểu một góc của lịch sử Melbourne, đặc biệt là sự phát triển của hệ thống tư pháp. Di tích này hiện nay thuộc về Cơ quan quản lý di sản bang Victoria. Nhà tù thường xuyên mở cửa đón khách, kể cả ban đêm, và được đánh giá là một trong những điểm đến không nên bỏ qua với cả du khách quốc tế và địa phương. 

Dây thừng treo cổ  là một trong những hiện vật lưu giữ ở nhà tù Melbourne

Phòng giam đầu tiên của nhà tù được xây dựng năm 1845, như là một sự đối phó của chính quyền với những mâu thuẫn dẫn đến bạo lực giữa thổ dân và người da trắng. Nhà tù được mở rộng năm 1859 vì số lượng phạm nhân tăng lên một cách nhanh chóng do việc khai thác vàng. Những phòng giam mới được thiết kế để có thêm không gian, sự lưu thông không khí, và nơi tập thể dục cho tù nhân. Phạm nhân nam và nữ được giam ở những khu riêng biệt.

Các nhà bảo tồn đã cố gắng để khách tham quan có thể hình dung sự vận hành và cuộc sống ở nhà tù theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả sự tương tác với nhân viên bảo tồn thông qua kịch nghệ. Những phòng giam được giữ nguyên dạng.

Các dụng cụ để giam giữ và hành hình tù nhân, như còng tay, dây treo cổ, cũng được giữ nguyên. Rất nhiều bảng thông tin được trưng bày cạnh các hiện vật, trong các phòng giam để giải thích về các hiện vật này hoặc quy trình sử dụng chúng.

Khi vào đây tham quan khách du lịch sẽ được xem một vở kịch ngắn về cuộc đời và cái chết của Ned Kelly. Ned Kelly là một tội phạm đã từng bị giam giữ và hành quyết tại nhà tù này. Nhưng cái chết của Ned Kelly cũng trở thành một biểu tượng cho giá trị của nước Australia: sự độc lập, công lý và tự do cho những con người vô tội.

Ned Kelly đã đi vào lịch sử nước Australia, trở thành anh hùng, và là nguồn cảm hứng sáng tác trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Vở kịch ngắn, do một diễn viên chuyên nghiệp thực hiện, vừa có tác dụng giải trí cho khách tham quan, vừa giúp họ hiểu thêm về lịch sử một cách hiệu quả.

Sau khi xem kịch, khách tham quan được tham gia một hoạt động khác là đóng vai tù nhân. Họ bị một nhân viên bảo tồn (đóng vai cảnh sát – với tất cả quyền uy của mình) khám xét, bắt trả lời các câu hỏi, hướng dẫn các quy định trong tù, bị tạm giam một phút trong phòng giam, cấm nói chuyện, thăm nơi tập thể dục của phạm nhân v.v.

Tất cả những việc này nhằm giúp khách tham quan hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ phạm luật và bị bắt giam.

Cuối thế kỷ 18 cũng là thời gian mà ngành nghiên cứu não bộ (phrenology) phát triển. Ngành học này có thể được coi là tiền thân của môn tâm lý học tội phạm và khoa học thần kinh. Hai người Áo đã phát minh ra học thuyết chia não người thành 35 vùng khác nhau, mỗi vùng quyết định một khả năng tư duy, xúc cảm, hành vi.

Mục đích cơ bản của học thuyết này là để tiên đoán tội phạm. Phrenology đã được ứng dụng ngay tại nhà tù Melbourne vào thế kỷ 19. Sau khi các phạm nhân bị treo cổ, người ta làm khuôn thạch cao của các hộp sọ để nghiên cứu. Một số khuôn này được trưng bày tại nhà tù. Người nghiên cứu hộp sọ của Ned Kelly đã kết luận rằng cấu tạo hộp sọ cho thấy anh ta được sinh ra để trở thành tội phạm.

Khuôn thạch cao hộp sọ của các phạm nhân sau khi bị hành quyết

Tại thời điểm của thế kỷ 19, hành quyết phạm nhân bằng cách treo cổ được coi là một công việc đặc biệt. Người ta thậm chí cho rằng treo cổ là một “nghệ thuật”. Tác giả Charles Duff từng viết một cuốn sách mô tả tỉ mỉ kỹ thuật treo cổ (A Handbook on Hanging).

Theo đó, việc treo cổ được coi là thành công khi nó làm cho phạm nhân chết ngay lập tức, không đau đớn, và không để lại thương tích trên cổ. Để đạt được kết quả này, người ta tính toán độ dài của dây thừng tương ứng với chiều cao và cân nặng của người bị hành quyết. Tuy nhiên, sự tính toán này cũng có những sai sót nhất định.

Phạm nhân nữ bị đối xử khác với phạm nhân nam, do chịu ảnh hưởng nặng của việc phân chia giới tính trong xã hội Anh quốc.

Chuẩn mực xã hội thời đó quy định phụ nữ là những người thụ động, yếu đuối, sinh ra để chăm sóc và hy sinh cho người khác. Để hấp dẫn sự chú ý của công chúng, báo chí thường đưa tin phụ nữ phạm tội lên trang nhất và mô tả họ như những người đàn ông với bộ dạng thô thiển, xấu xí.

Mặc dù nghèo đói và mang thai ngoài ý muốn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hành vi cùng cực của phụ nữ như nạo thai trái phép hoặc bỏ con, nhà cầm quyền đã từ chối tìm hiểu các nguyên nhân kinh tế-xã hội này.

Chuyến thăm nhà tù trong nửa ngày đã mở mang tri thức về lịch sử tư pháp hình sự Australia. Nó giúp người viết hiểu hơn về việc nhà cầm quyền đã sử dụng các nghiên cứu cho mục đích cai quản như thế nào, điều kiện kinh tế-xã hội, sự bất bình đẳng về quyền lực dẫn đến tội phạm ra sao.

Các thông tin và hiện vật cũng giúp người viết hình dung tốt hơn những nguyên tắc cơ bản và cách thức vận hành của hệ thống tư pháp hình sự. Quan trọng hơn, các thông tin lịch sử giúp người viết nhận thức rõ sự tiến bộ mà hệ thống đã đạt được với thời gian.

Hình phạt tử hình đã bị loại bỏ, và tư pháp hình sự Australia ngày nay nhân đạo hơn so với chính nó ở thế kỷ 19.

Cách thức nhà tù được bảo tồn và sử dụng để giáo dục công chúng về lịch sử. Ngoài những chuyến thăm thông thường vào ban ngày, ban quản lý còn thiết kế những chuyến thăm ma (ghost tour) ban đêm dành cho những khách thích cảm giác mạnh.

Khuôn viên ngoài trời của nhà tù cũng được cho thuê để tổ chức đám cưới hoặc các sự kiện. Cách làm này cho thấy một di tích, khi được sử dụng tốt, có thể vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa đạt được mục đích giáo dục cộng đồng.

Lịch sử có thể là những bài học thú vị thay vì những trang sách đầy thông tin xơ cứng và chán ngắt. Cuộc sống mới có thể được tạo dựng trong cái vỏ của một di tích cũ.