2 chị em mồ côi dắt tay nhau vào giảng đường

ANTĐ - Tuổi thơ của hai chị em Nguyễn Thùy Dương (SN 1992) và Nguyễn Xuân Tùng (SN 1993), quê ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng là một góc cạnh cuộc sống với những mảnh ghép đầy nước mắt. Khi người chị lên 9, cậu em lên 8 tuổi thì mẹ bỏ nhà đi biệt tích; bi kịch chưa chịu buông tha gia đình nhỏ ấy khi liền sau đó người cha - chỗ dựa còn lại của hai chị em cũng qua đời. Hoàn cảnh của ông bà quá nghèo đến mức cực chẳng đã phải đưa cả Dương lẫn Tùng vào làng trẻ mồ côi. Năm tháng rồi cũng qua, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai cho đến ngày hai chị em lần lượt bước chân vào giảng đường đại học với không một đồng xu dính túi. Thế rồi, tất cả thử thách rồi cũng qua!... 
2 chị em mồ côi dắt tay nhau vào giảng đường ảnh 1

Vượt qua nghịch cảnh từ châm ngôn sống

 

Trong quán cà phê vỉa hè buổi chiều muộn, Nguyễn Thùy Dương nhiều lần nhắc đi nhắc lại câu nói “Tất cả thử thách rồi sẽ qua” - bởi câu châm ngôn trong sách vở này bấy lâu nay đã trở thành phương châm sống để hai chị em Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Xuân Tùng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Hay nói, hay cười, nhưng cứ nghe ai nhắc đến tuổi thơ, nhắc đến gia đình là Nguyễn Thùy Dương lại rưng rưng như muốn khóc... Tuổi thơ của hai chị em cũng giống như bao đứa trẻ khác khi có một gia đình trọn vẹn đủ cả mẹ lẫn cha; thế nhưng vào một buổi chiều năm Nguyễn Thùy Dương lên 9 tuổi thì mẹ em bỗng dưng bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt.

“Không thấy mẹ về, cả nhà đổ xô đi tìm suốt cả một tuần lễ mà không thấy. Thời điểm đó em nghe loáng thoáng nhiều người đồn đoán bảo rằng mẹ em đã sang Trung Quốc, nhưng đến nay đã mười mấy năm mà vẫn không có tin tức gì của mẹ. Sau khi mẹ bỏ đi được 1 năm thì cha ốm vì bệnh gan và nhớ thương mẹ nên cũng qua đời”, Nguyễn Thùy Dương ngậm ngùi kể lại.

Bão tố ập đến gia đình nhỏ quá nhanh, bỗng chốc hai đứa trẻ thành bơ vơ, côi cút giữa dòng đời, ông bà nội ngoại đều đã già yếu lại quá nghèo khó nên không đủ sức nuôi nấng, chăm sóc cho các cháu. Không còn cách nào khác, họ buộc phải đưa hai chị em Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Xuân Tùng vào Làng trẻ mồ côi Hoa Phượng, TP Hải Phòng.

Nguyễn Thùy Dương chia sẻ: “Ngày đó tuy còn nhỏ nhưng em hiểu hết, thương ông bà lắm, là con là cháu của mình cả mà bắt buộc phải cho vào làng trẻ khiến ông bà buồn và day dứt nhiều. Khuôn mặt nhăn nhúm, khóc không ra nước mắt của ông bà ngày tiễn hai chị em đi còn ám ảnh em cho đến bây giờ”. Lớn lên trong làng trẻ, đi học cùng các bạn ở trường phổ thông, đã rất nhiều lần về nhà hai chị em chỉ biết ôm mặt khóc nức nở vì tự ti, vì bị tổn thương, chạnh lòng bởi không có một gia đình theo đúng nghĩa.

“Nhưng ngày đó hai chị em em tự nhủ với nhau rằng không bao giờ được khóc trước mặt người khác. Và nhìn  xung quanh chúng em còn có rất nhiều bạn khác còn có hoàn cảnh đáng thương hơn, có bạn còn bị tật nguyền, có bạn bị bỏ rơi ngoài đường… Nghĩ lại tuy vắng mẹ mất cha nhưng vẫn còn lành lặn, biết cha mẹ mình là ai, chính điều đó khiến chúng em thấy mình còn may mắn hơn nhiều người”, Nguyễn Thùy Dương kể lại.

Và những giọt nước mắt tủi thân ấy đã không làm hai chị em Thùy Dương - Xuân Tùng gục ngã. Ngược lại, những đau xót, tủi hờn đã tiếp thêm nghị lực để hai đứa trẻ quyết tâm học tập thật tốt. Tất cả các năm học phổ thông, hai chị em Thùy Dương - Xuân Tùng đều được xếp loại học lực khá, giỏi.

Kỷ niệm mà Nguyễn Thùy Dương nhớ nhất trong những năm tháng sống trong Làng trẻ mồ côi Hoa Phượng là lần được vào vai chính trong bộ phim “Mụ Lẫm” (Đạo diễn Văn Lượng - Xưởng phim Truyền hình Hải Phòng). “Lần đó, đoàn làm phim vào Làng trẻ của chúng em tìm diễn viên vào vai Gừng Bé. Rất nhiều các bạn đã được thử vai, đến lượt mình, em đã nhập vai “y như thật”. Nhất là cảnh Gừng Bé đi ăn mày khiến em nhớ đến gia đình, nhớ mẹ cha, nghĩ đến hoàn cảnh của mình mà cứ thế nước mắt tuôn trào chứ không cần phải “diễn”, Nguyễn Thùy Dương nhớ lại. 

2 chị em mồ côi dắt tay nhau vào giảng đường ảnh 2

“Lội ngược dòng” ngoạn mục

Chỉ biết học và học, thế rồi Nguyễn Thùy Dương đủ 18 tuổi. Độ tuổi đó đồng nghĩa với việc hết lớp 12, cũng là thời điểm cô gái không còn thuộc “biên chế” của Làng trẻ mồ côi Hoa Phượng nữa mà phải tự quyết định lấy tương lai của mình. Nguyễn Thùy Dương đã có suy nghĩ quyết tâm thay đổi số phận của mình bằng con đường thi vào đại học. “Nghĩ là vậy, nhưng thi không đỗ đại học cũng khổ, còn đỗ đại học thì biết sống bằng gì, chi phí đâu mà đi học bởi trước đây không phải lo đến cơm ăn áo mặc, giờ lại phải lo liệu tất cả mọi thứ trong khi không có một đồng tiền nào trong người?”, Nguyễn Thùy Dương kể lại. Vậy mà với suy nghĩ “khó khăn nào cũng có cách giải quyết”, Nguyễn Thùy Dương vẫn quyết tâm đi thi đại học và đỗ vào khoa Tâm lý học quản trị nhân sự, trường Đại học Văn Hiến.

Chuyện kinh phí ăn học thì cô gái Nguyễn Thùy Dương tự giải quyết bằng cách đi “vận động tài trợ”. Đầy quyết tâm, Thùy Dương cho biết: “Em sẵn sàng đi xin nhưng em không xin không mà luôn để những người giúp mình thấy được sự cố gắng, nỗ lực của bản thân em. Để họ thấy đầu tư vào con người không bao giờ lo lỗ, thấy sự giúp đỡ của mình sẽ được trả công xứng đáng. Tất nhiên cũng có nhiều lần, trong người không một đồng và những lúc như vậy thì mẹ nuôi ở làng trẻ lại giúp đỡ em. Thật may mắn khi mẹ nuôi vẫn quan tâm, tháng nào cũng gửi vào cho ít bánh đa. Thế là dẫu có hết tiền thì vẫn có bánh đa - muối vừng sống qua ngày. Em cũng ăn chay nữa. Có khi ăn chay cả tháng cũng được. Ăn chay vừa tốt cho sức khỏe lại vừa đỡ... tốn tiền”.

Cô chị Nguyễn Thùy Dương bước chân vào giảng đường đại học được 1 năm thì cậu em trai Nguyễn Xuân Tùng cũng đến tuổi 18 và được Làng trẻ mồ côi Hoa Phượng “bàn giao” về địa phương. Giống như chị gái mình, Nguyễn Xuân Tùng đã làm hồ sơ dự thi đại học và đỗ vào một trường đại học ở Hải Phòng. Nhưng cả chị lẫn em đều không thể gồng gánh cho nhau, không có tiền nên Nguyễn Xuân Tùng buộc phải nghỉ học ở nhà một năm đi làm kiếm tiền.

Không bỏ giấc mơ học tập, kỳ thi đại học tiếp theo, Nguyễn Xuân Tùng lại nộp hồ sơ dự thi và trúng tuyển vào khoa Kế toán - Kiểm toán, trường Đại học Dân lập Hải Phòng. “Khi biết điểm, biết là mình đã đỗ, lẽ ra em phải vui mừng nhưng nỗi lo cũ lại bủa vây, và không điều gì khác ngoài câu hỏi với chính bản thân mình: Nếu đi học thì lấy tiền đâu mà đóng học phí? Thế rồi ông bà thương em quá đã phải dành dụm, còn chút thóc nào là bán đi lấy tiền cho em nhập học - Nguyễn Xuân Tùng kể lại.  

Trước những khó khăn của cuộc sống, hai chị em Nguyễn Thùy Dương - Nguyễn Xuân Tùng vẫn thường xuyên động viên nhau yên tâm, mọi chuyện đều sẽ có cách giải quyết, chỉ cần mình có niềm tin và sự cố gắng, nỗ lực. Ước mơ của Nguyễn Thùy Dương là học thật giỏi. Lý do Nguyễn Thùy Dương chọn ngành Tâm lý học là: “Vì em muốn tìm hiểu về những kỹ năng sống, hiểu tâm lý của con người. Trong đó đặc biệt là những người gặp phải nghịch cảnh đáng thương để mình có thể động viên, chia sẻ, lấy những trải nghiệm của bản thân giúp họ vượt qua được những khó khăn, lấy lại niềm tin và không gục ngã”.

Hiện tại cuộc sống của hai chị em Thùy Dương - Xuân Tùng dẫu vẫn gặp rất nhiều khó khăn nhưng mọi chuyện dần ổn hơn như đúng kim chỉ nam: “Tất cả thử thách rồi sẽ qua”. Ông bà ngày một già yếu, cô bác thì không có đủ điều kiện lo cho các cháu, hai chị em Thùy Dương - Xuân Tùng đã đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống, học tập.

Trước lúc chia tay, Nguyễn Thùy Dương bộc bạch với chúng tôi rằng: “Chúng em rất muốn vươn lên bằng cách học thật giỏi để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, đạt được điều mình mơ ước và có thể giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh tương tự trong tương lai”. Chúng tôi tin, với nỗ lực, niềm tin, khát vọng vươn lên, rồi thử thách sẽ qua và các em sẽ làm được!