Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm: Phần lớn bị cáo khẳng định 1.576 tỷ đồng "không phải là thiệt hại"

ANTD.VN - Tính đến nay, vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã trải qua một nửa thời gian xử án với nhiều tình huống bất ngờ.

Phần lớn các bị cáo trong nhóm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đều cho rằng không phạm tội như truy tố vì hành vi của họ chỉ là “tai nạn” nghề nghiệp và đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo giao phó. Tuy nhiên, những bị cáo này cũng thừa nhận việc chi lãi ngoài, chi lãi vượt trần là trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời cũng trái với các quy định về sổ sách tài chính, kế toán.

Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm: Phần lớn bị cáo khẳng định 1.576 tỷ đồng "không phải là thiệt hại" ảnh 1Bị cáo Lê Thị Thủy - cựu Phó TGĐ Oceanbank trả lời thẩm vấn tại phiên tòa

Chỉ biết chi tiền theo lệnh “sếp”

Bị tòa thẩm vấn hôm 31-8, cựu Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Oceanbank - Lê Thị Thu Thủy cho rằng, không thể coi số tiền hơn 1.576 tỷ đồng là thiệt hại của ngân hàng. Vì nếu không chi ra khoản đó thì Oceanbank không thể huy động được vốn để tạo ra doanh số và cũng không tạo được công ăn việc làm cho cán bộ, nhân viên. Thủy nhìn nhận hành vi của mình chỉ mang tính thụ động vì việc chi lãi ngoài diễn ra từ năm 2009 nhưng đến năm 2012, cựu Phó TGĐ Oceanbank mới biết. “Nếu như biết đó là vi phạm thì bị cáo tin từ ban lãnh đạo đến chuyên viên không ai dám thực hiện” - bị cáo Thủy trình bày.

Cùng cảnh ngộ, Nguyễn Thị Nga - cựu Kế toán trưởng Oceanbank phân trần: “Bị cáo nghĩ với những gì cáo trạng nêu là không đầy đủ. Bị cáo và các đồng nghiệp không làm gì sai với đạo đức nghề nghiệp và đạo đức con người”. Bị cáo này cho rằng mình không tham gia vào việc hoạch định chủ trương, không họp bàn và cũng không nhận chỉ đạo về việc ngân hàng chi lãi ngoài. Chỉ đến khi nhận được lệnh chi tiền của Lê Thị Thủy (Phó TGĐ), bị cáo mới biết ngân hàng đang có hoạt động chi tiền trái phép. 

Lý giải về số tiền hơn 1.576 tỷ đồng bị thất thoát, Nguyễn Thị Thu Ba - nguyên Giám đốc Khối bán lẻ Oceanbank cũng cho rằng đó là phản ứng bắt buộc của thị trường ở thời điểm hết sức khó khăn. Bởi hệ thống ngân hàng khi ấy rơi vào tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng, khiến Oceanbank phải lao vào cuộc chạy đua lãi suất. 

Cũng trong quá trình thẩm vấn, đặc biệt là đối với các câu hỏi luật sư đưa ra, phần lớn các bị cáo trong nhóm tội này đều cho rằng dưới góc độ kinh tế thì hơn 1.576 tỷ đồng không phải là thiệt hại, bởi nếu không bỏ ra khoản tiền này thì ngân hàng sẽ không thể huy động được vốn, không có lãi và thậm chí là phải “đóng cửa”. Ngược lại, khi chi tiền “chăm sóc khách hàng” thì Oceanbank đã đứng vững và có lãi. 

Hiểu một cách nôm na theo lời khai của các bị cáo là khoản tiền lãi ngoài đặc biệt lớn đang bị truy tố chính là “vốn” mà Oceanbank bỏ ra để kinh doanh. Điều này được Hà Văn Thắm lý giải thêm là theo quy định đối với tổ chức tín dụng thì vốn điều lệ của một ngân hàng không bao giờ được phép dùng để cho vay nhằm sinh lời. Do đó, nếu muốn có lợi nhuận thì ngân hàng buộc phải huy động vốn rồi cho vay. Cựu chủ tịch Oceanbank cho rằng hơn 1.576 tỷ đồng kia thực chất là tiền thu của khách hàng vay tiền, sau đó trả cho người gửi tiền và không phải là vốn điều lệ (4.000 tỷ đồng) của Oceanbank. 

Phạm tội mang tính “có tổ chức”

Nhìn nhận về quan điểm nêu trên, một số chuyên gia pháp lý đánh giá điều đó không sai về mặt kinh tế cũng như kinh doanh, bởi lợi nhuận trong kinh doanh chính là lấy tổng thu trừ đi tổng chi, nếu dương tiền là có lãi và ngược lại.

Nhưng cách hiểu như vậy chỉ gói gọn trong triết lý kinh doanh chung. Còn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và Oceanbank nói riêng thì luôn được đặt trong một khuôn khổ. Đó chính là Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước cùng các quy định về tài chính, kế toán liên quan. Vì thế giả sử Oceanbank luôn có lãi thì cũng mới chỉ đáp ứng được điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải tuân thủ các quy định của luật pháp. Nếu tổ chức tín dụng nào cũng chi lãi ngoài như Oceanbank, rồi nói không bị thiệt hại thì hậu quả của nền kinh tế đất nước không biết sẽ ra sao.

Phân tích rõ hơn về hành vi cố ý làm trái của Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, các chuyên gia pháp lý cho rằng đây thuộc trường hợp phạm tội mang tính đồng phạm và có tổ chức. Vì tài liệu truy tố cũng như lời khai của các bị cáo đã chỉ ra bắt đầu từ năm 2009, khi Nguyễn Xuân Sơn làm TGĐ Oceanbank thì bị cáo này và Hà Văn Thắm lập tức bàn bạc, rồi ra chủ trương chi lãi ngoài dưới hình thức “chăm sóc khách hàng”. Tiếp đến, từ chỉ đạo của Thắm, cả hệ thống Oceanbank đã thực hiện chi lãi ngoài trong suốt thời gian dài… 

Theo các chuyên gia pháp lý, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định rõ về tội phạm mang tính đồng phạm. Theo đó, “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm” (khoản 1 Điều 20). Tương tự, tội phạm có tổ chức cũng được xác định tại khoản 3, cùng điều luật. Đó chính là trường hợp đồng phạm và có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Về mặt khách quan, tội phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có phân công vai trò (đồng phạm phức tạp), có kế hoạch phạm tội chi tiết, rõ ràng hoặc tuy không có kế hoạch nhưng mỗi người đảm nhiệm một phần nhất định và chịu trách nhiệm đối với phần việc của mình.