Xét xử Châu Thị Thu Nga: Viện kiểm sát bác bỏ hầu hết quan điểm của luật sư

ANTD.VN - Chiều 10-10, phiên xử Châu Thị Thu Nga – cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cùng đồng phạm bước sang phần đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Tiếp tục bày tỏ quan điểm trước ý kiến tranh luận mà các luật sư nêu ra, đại diện VKS lập luận, thứ nhất là đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga. Công ty Housing chưa được cấp giấy chứng nhận là chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn cũng như giấy phép xây dựng nhưng bị cáo Nga vẫn quảng cáo, đồng thời ký hợp đồng huy động vốn đối với hàng trăm người. Điều này là trái pháp luật về xây dựng.

Cụ thể là căn cứ vào quy định của pháp luật, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi thiết kế nhà đã được phê duyệt, cấp phép và xây xong phần móng. Tuy nhiên, Công ty Housing chưa được cấp phép xây dựng nhưng bị cáo Nga vẫn thực hiện hành vi huy động vốn.

Bị cáo Nga đã ban hành nghị quyết của HĐQT cho phép tổng giám đốc huy động vốn của khách hàng, đồng thời còn lập kế hoạch vay vốn khá cụ thể. Trong các cuộc họp giao ban, vào thứ hai hàng tuần, bị cáo đều thông báo tình trạng pháp lý của Dự án B5 Cầu Diễn là đang xin phép.

Dù vậy, bị cáo vẫn phân công các bị cáo khác trong vụ án thực hiện các hành vi tiếp theo là đưa thông tin tự nhận là chủ đầu tư lên website, dựng mô hình thiết kế các tòa nhà 29-33 tầng (khoảng 1.668 căn) và tổ chức thi công cọc khoan nhồi để thể hiện Công ty Housing đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai dự án…

Đối đáp tại phiên tòa, đại diện VKS cơ bản giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng

Ngoài ra để khách tin tưởng, bị cáo Nga đã yêu cầu các nhân viên lập các hợp đồng theo mẫu để  bị cáo phê duyệt. Đó là các hợp đồng đặt cọc, vay vốn, thỏa thuận góp vốn… và tất cả đều có nội dung Công ty Housing là chủ dự án. Cùng với đó, các phiếu thu đều thể hiện nội dung nộp hoặc thu tiền để xây dựng Dự án B5 Cầu Diễn hoặc căn hộ cụ thể.

Tiếp nữa là khi khách hàng đến Công ty Housing tìm hiểu mua nhà thì các nhân viên đều cho xem mô hình, thiết kế tòa nhà đang được phê duyệt và cho xem hợp đồng để khách hàng thỏa thuận góp vốn mua căn hộ. Những hành vi đó, VKS khẳng định là bị pháp luật nghiêm cấm nhưng Nga cùng đồng phạm vẫn làm.

Cũng theo đại diện VKS, tổng số tiền mà Nga cùng đồng phạm chiếm được là hơn 377 tỷ đồng, gắn với 752 hợp đồng. Tuy nhiên, cựu ĐBQH đã hoàn trả được hơn 28 tỷ đồng và vẫn còn chiếm đoạt hơn 348 tỷ đồng.

Căn cứ vào những điều trên, VKS cho rằng Châu Thị Thu Nga cùng 9 bị cáo liên quan đều có hành vi gian dối và chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại. Còn việc cơ quan tố tụng chưa lấy được lời khai của tất cả các bị hại là vì các bị hại không đến trình báo, mặc dù đã được đăng báo rộng rãi.

Thứ hai là đối với 9 thuộc cấp của Châu Thị Thu Nga, đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở xác định bị cáo Lê Hồng Cương đã ký tiếp nhận mô hình để trưng bày, thi công cọc khoan nhồi, sử dụng một phần tiền của Công ty Housing Group thu trái pháp luật từ khách hàng. Tổng số tiền bị cáo Cương giúp sức bị cáo Nga chiếm đoạt là hơn 263 tỷ.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Trường Sơn đã ký các hợp đồng góp vốn, thi công cọc khoan nhồi cũng đều trái pháp luật nên có căn cứ xác định bị cáo này giúp sức cho bị cáo Nga chiếm đoạt hơn 270 tỷ đồng. Tiếp đến, theo cá thể hóa trách nhiệm hình sự của VKS đối với từng bị cáo thì bị cáo Nguyễn Vũ Hùng ký 34 hợp đồng, thu 28 tỷ, trong đó 3 khách hàng chỉ ký không thu tiền vì đã được một công ty nộp trước đó.

Đối với 31 hợp đồng ký với 31 khách thu 14 tỷ đồng, Công ty Housing đã trả lại được một phần và trong số hợp đồng đó có một số hợp đồng được ký lại nhưng những khách hàng cũ đều thỏa thuận với người mới là giữ nguyên số tiền mà họ đã nộp vào Công ty Housing.

Với cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Housing Phan Thanh Tuyên, VKS xác định đã ký hợp đồng thu số tiền hơn 1,6 tỷ đồng nên giữ nguyên quan điểm truy tố số tiền này. Với bị cáo Nguyễn Thị Tình và Lưu Thị Thúy có lời khai là sàn giao dịch bất động sản chưa được phép ký hợp đồng bán căn hộ với khách hàng nhưng vẫn giúp sức cho Châu Thị Thu Nga với tổng số tiền 315 tỷ đồng.

Sau cùng là đối với các bị cáo còn lại, đại diện VKS cũng vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như đã nêu tại bản cáo trạng. Về khoản tiền 157 tỷ đồng Châu Thị Thu Nga chiếm đoạt mà không chứng minh được “đầu ra”, đại diện VKS khẳng định đã tách ra thành một vụ án khác nên không có chuyện một hành vi bị xử lý 2 lần.

Đặc biệt về số tiền chiếm đoạt hơn 348 tỷ đồng, đại diện cơ quan công tố cho rằng tuy vụ án có đồng phạm, song thực tế chỉ mình Châu Thị Thu Nga hưởng lợi nên không chia theo kỷ phần bồi thường đối với tất cả các bị cáo trong vụ án mà chỉ buộc một mình cựu ĐBQH phải bồi thường cho các bị hại.