Xét xử Châu Thị Thu Nga: Bố bị cáo cũng ở trong đoàn hội thẩm của một tòa án

ANTD.VN - Ngày 10-10, phiên xử Châu Thị Thu Nga – cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Bào chữa cho bị cáo Đoàn Thanh Thủy – cựu Quyền Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group (Công ty Housing Group) là 3 luật. Theo đó, luật sư Đặng Xuân Cường điểm lại, bản cáo trạng đã truy tố Đoàn Thanh Thủy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức cho Châu Thị Thu Nga vì đã ký vào 57 phiếu thu tiền ở phần kế toán trưởng.

Luật sư cho rằng cáo buộc bị cáo Thủy là khiên cưỡng. Bởi theo luật sư Cường để xác định có phải đồng phạm hay không thì cần xem xét kỹ lưỡng về mặt khoa học hình sự. Về mặt chủ quan, đồng phạm phải cùng thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, cùng ý chí và biết hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.

“Ở vụ án này, Thủy không phạm tội vì hành vi của bị cáo không nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo chỉ thực hiện theo đúng hợp đồng lao động, nhiệm vụ được giao và không vi phạm luật kế toán” – luật sư Cường nhìn nhận.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm ở ngày thứ bảy xét xử vụ án

Tiếp tục cho rằng thân chủ không phạm tội, luật sư Cường cho rằng hành vi ký 57 phiếu thu của bị cáo Thủy không giúp sức cho Châu Thị Thu Nga vì nó không tạo ra điều kiện thuận lợi để cựu ĐBQH phạm tội. Và việc có chữ ký của bị cáo Thủy không có ý nghĩa Công ty Housing Group có thu được tiền của khách hàng hay không.

Cũng theo lập luận của luật sư Cường, khi ký vào 57 phiếu thu, bị cáo Thủy không chung mục đích với Châu Thị Thu Nga. Bị cáo Thủy chỉ ký với vai trò là kế toán trưởng đơn thuần và là người làm công ăn lương. Bị cáo Thủy cũng không buộc phải biết thời điểm nào doanh nghiệp được phép thu tiền, bởi điều đó thuộc về ban lãnh đạo Công ty Housing Group.

Tương tự, luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng bị cáo Thủy không phải là người thực hiện hành vi lừa đảo, nếu đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và nếu đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khi đặt bút vào ký 57 phiếu thu có giá trị hơn 13 tỷ đồng thì việc tạo ra sự gian dối đã kết thúc từ trước đó.

“Việc thu tiền là ở phòng giao dịch không có mặt bị cáo Thủy. Tiền thu xong ở bộ phận thủ quỹ, sau đó chuyển qua cho bị cáo Thủy ký. Tiền đã vào két của doanh nghiệp trước đó. Chữ ký của bị cáo Thủy hoàn toàn vô nghĩa” – luật sư Tú nêu quan điểm.

Tại tòa, luật sư Dương Quang Hà cho rằng cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội

Và theo vị luật sư này, thực tế việc thẩm định hồ sơ pháp lý là việc rất khó, phức tạp. Thủy chỉ là kế toán có trình độ trung cấp nên không đủ năng lực đánh giá hồ sơ. Nên đánh giá Thủy biết và buộc phải biết tình trạng pháp lý của Dự án B5 Cầu Diễn là khiên cưỡng. Bởi vụ án khởi đầu từ năm 2015 và gần 2 năm sau bị cáo Thủy mới bị khởi tố.

Về phần mình, luật sư Dương Quang Hà nêu quan điểm, đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo Thủy vì dù với lý do gì thì những người phải ngồi tù đều rất đau khổ. “Chỉ khi không còn mảy may nghi ngờ gì về sự vô tội của các bị cáo thì mới nên kết tội họ” – luật sư Hà nhìn nhận.

Tiếp tục đưa ra quan điểm cựu Quyền Kế toán trưởng Công ty Housing Group không phạm tội, luật sư Hà cho biết, khi đọc cáo trạng vị luật sư này rất lo lắng. Và khi VKS đề nghị mức án tù giam đối với các bị cáo thì luật sư càng lo lắng hơn.

“Nếu tôi là người làm công ăn lương cho một doanh nghiệp nào đó thì tôi hoàn toàn có thể đứng trước vành móng ngựa và con tôi, cháu tôi cũng có thể bị như vậy… Bố bị cáo Thủy cũng ở trong đoàn hội thẩm nhân dân của một tòa án huyện” – luật sư Dương Quang Hà chia sẻ.

Trong khi đó, tranh luận tại phiên tòa, phần lớn các bị hại đều tỏ rõ thái độ không đồng tình với quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo và cũng không bằng lòng với quan điểm của đại diện VKS khi cho rằng buộc Châu Thị Thu Nga phải hoàn trả lại tiền cho khách hàng.

Đơn cử, trước tòa, bị hại Vũ Thị Phương Lan nói: “Tôi không đồng ý với phần cáo trạng mà VKS đưa ra là đề nghị Châu Thị Thu Nga bồi thường 348 tỷ đồng cho bị hại”. Bởi theo bị hại này, giao dịch giữa các bị hại với Công ty Housing Group có thể là thỏa thuận vay vốn, góp vốn nhưng đều hợp pháp.

Theo phân tích của bà Lan, các bị hại ký hợp đồng với pháp nhân Housing chứ không ký riêng với bị cáo Nga. Đây là vụ án hình sự xử bị cáo Nga về tội lừa đảo nên các bị hại chỉ có ý kiến về phần dân sự. Công ty Housing Group là pháp nhân vẫn tồn tại nhưng lại yêu cầu bị cáo Nga phải bồi thường là có sự nhầm lẫn về chủ thể.

“Chúng tôi quan hệ với pháp nhân không quan hệ với cá nhân, vì thế các quan điểm đưa ra tại phiên tòa là không đúng với bản chất giao dịch” – bà Vũ Phương Lan khẳng định. Nói về nguyện vọng, bị hại này cho biết bản thân bà cũng như hàng trăm người khác đều có mong muốn cháy bỏng là Dự án B5 Cầu Diễn tiếp tục được triển khai để những người đã bỏ tiền ra mua sớm có nhà ở.