Vụ đặt chất nổ tại trụ sở công an phường ở TP.HCM: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có thể bị tử hình

ANTD.VN -Liên quan đến vụ chế tạo, đặt, ném quả nổ tại trụ sở Công an P.12 (Q.Tân Bình, TP.HCM) vào ngày 20-6, hiện cơ quan CSĐT – Công an TP.HCM đã  khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 nghi phạm về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và 3 nghi phạm khác về tội “mua bán trái phép chất nổ”.

Hình phạt cao nhất cho kẻ khủng bố nhằm chống chính quyền

Liên quan đến tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Điều 113 BLHS 2015 (sửa đổi) quy định, người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân…, thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ tại TP.HCM ngày 20-6 (ảnh Báo Thanh niên)

Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ  1-5 năm.

Phân tích các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, về khách thể, hành vi phạm tội đã xâm phạm đến chế độ chính trị, an toàn của cộng đồng, tính mạng con người. Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan của tội này có một trong các dấu hiệu: Có hành vi  xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác; hành vi xâm phạm tính mạng người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Ngoài ra, các tình tiết tăng nặng có thể bị áp dụng đối với người phạm tội như: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội…

"Tùy từng trường hợp phạm tội, đối tượng, tính chất, mục đích phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng những quy định pháp luật phù hợp để giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội này" - Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Mua, bán trái phép chất nổ có thể bị tù chung thân

Đối với hành vi mua, bán trái phép chất nổ, Điều 305 BLHS 2015 (sửa đổi) nêu rõ, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 3-10 năm...

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên; Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn; Làm chết 3 người trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên…thì bị phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

Theo Luật sư Lê Hồng Vân, tội phạm đã xâm phạm an toàn công cộng bằng việc vi phạm các quy định của Nhà nước về chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán và quản lý các vật liệu nổ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là vật liệu nổ. Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực TNHS và đạt dộ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên. Tội phạm thể hiện ở hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các vật liệu nổ, hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi này. Nếu các hành vi được thực hiện độc lập với nhau thì người phạm tội phải chịu TNHS về từng hành vi.

Tội phạm thực hiện với lỗi cố ý, động cơ mục đích không là dấu hiệu bắt buộc. Về hình phạt, Điều 305 BLHS 2015 (sửa đổi) quy định 4 khung hình phạt từ 1-20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.