Vụ bé gái 10 tuổi nghi suýt bị bắt cóc có thể xử lý hình sự?

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, trưa 5-5 trên đường đi học về, cháu H.T.T.T (10 tuổi) học sinh lớp 4, trường tiểu học Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã bị một người đàn ông đi xe máy giữ lại và dùng kim tiêm vào tay. Vừa lúc đó có người nhà cháu T. đi ngang qua nên đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát. Sau sự việc trên, nhiều người dân sống tại xã Nghi Yên cho rằng, cháu T đã suýt bị bắt cóc.

Mặc dù cơ quan chức năng đang thu thập thông tin tiến hành làm rõ sự việc, song điều dư luận quan tâm hiện nay là với hành vi trên, liệu đối tượng có bị xử lý hình sự không và nếu có thì sẽ bị xử lý về tội gì?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh

Giải đáp thắc mắc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh cho rằng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120 BLHS. Theo đó, người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Vì động cơ đê hèn; Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; Để đưa ra nước ngoài; Để sử dụng vào mục đích mại dâm… thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc phạt quản chế từ 1-5 năm.

Trong trường hợp nếu cơ quan chức năng chứng minh được  đối tượng chưa bắt cóc được cháu bé vì lý do khách quan (có người nhà cháu bé đi ngang qua) thì vẫn có thể bị xử lý theo điều 18 BLHS về phạm tội chưa đạt. Điều luật này ghi rõ, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Đoạn đường nơi xảy ra vụ việc

Cũng theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu chứng minh được động cơ của đối tượng là bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản thì đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 134 BLHS. Tuy vậy, về mặt khách quan để cấu thành tội phạm này đòi hỏi người phạm tội có hành vi bắt cóc con tin và hành vi đe dọa chủ tài sản.

Theo đó, người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Đối với trẻ em…thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, mức phạt tù có thể lên tới 18 năm.