Vợ chồng hờ rao bán gần nửa tỷ đồng tiền giả

ANTĐ - Sau gần một ngày đeo bám đối tượng, rạng sáng 22-5, tổ công tác Đội CSHS - CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội phối hợp với Phòng 3, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an đã phát hiện, bắt quả tang cặp “vợ chồng hờ” Nguyễn Thị Xinh (SN 1960) và Trần Văn Bình (SN 1957), trú tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đang vận chuyển 484 triệu đồng tiền Việt Nam giả.

Nguyễn Thị Xinh và Trần Văn Bình cùng tang vật

Trước đó, ngày 21-5, CAQ Nam Từ Liêm và Phòng 3 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, Bộ Công an nhận được nguồn tin một đối tượng ở huyện Phúc Thọ có biểu hiện mua bán, vận chuyển tiền giả trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. CAQ Nam Từ Liêm đã chỉ đạo lực lượng CSHS phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an xác minh đối tượng này là Nguyễn Thị Xinh. Cơ quan chức năng xác định ngày 

22-5, Xinh sẽ giao dịch mua bán tiền giả với số lượng lớn tại khu vực Quốc lộ 32, địa bàn phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm. Từ cơ sở này, CAQ Nam Từ Liêm và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu đã lập kế hoạch, tập trung lực lượng để bắt đối tượng trong lúc tiến hành giao dịch tiền giả. 

Khoảng 3h30 ngày 22-5, các trinh sát phát hiện Xinh cùng chồng “hờ” là Trần Văn Bình đi xe máy đến phố Nhổn, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm. 20 phút sau, cả hai dừng lại và đi vào khu chợ hoa quả trên mặt đường 32, thuộc xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xinh xuống xe mang theo một túi dứa, còn Bình đứng ngoài cảnh giới. Đúng lúc này lực lượng công an đã ập vào kiểm tra, bắt quả tang trong túi của Xinh có 12 cọc tiền giả mệnh giá 200.000 đồng. Tổ công tác ngay sau đó cũng đã bắt giữ Trần Văn Bình. 

Tại trụ sở CAQ Nam Từ Liêm, cơ quan công an xác định trong túi dứa mà Xinh cầm vào chợ hoa quả có 2.350 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng, tương đương với 470 triệu đồng. Tiến hành khám xét nhà của Nguyễn Thị Xinh, lực lượng công an tiếp tục phát hiện và thu giữ 73 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng, tương đương 14,6 triệu đồng. Tổng số tiền giả mà Xinh có là 484,6 triệu đồng.

Bước đầu Nguyễn Thị Xinh khai nhận, ngày 10-5 Xinh đã mua 500 triệu đồng tiền giả với giá 104 triệu đồng. Sau đó, Xinh tự quảng cáo và giới thiệu với nhiều người rằng mình có tiền giả bán và một người không quen biết đã hẹn Xinh mua số tiền này với giá 225 triệu đồng. Nếu trót lọt, Xinh có thể lãi hơn 100 triệu đồng cho “phi vụ” này. Hiện Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây 11 năm, Nguyễn Thị Xinh đã từng bị TAND tỉnh Kiên Giang xử phạt 4 năm tù giam về tội “Lưu hành tiền giả”. Năm 2007, sau khi được giảm án ra tù trước thời hạn Xinh không về Hà Nội mà lên Lâm Đồng lập nghiệp. Cách đây vài năm, Xinh về huyện Phúc Thọ mở một trang trại nông nghiệp và quen biết với Trần Văn Bình, từng có tiền án về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Dù Bình chưa ly dị với vợ, nhưng Xinh và Bình vẫn sống chung với nhau như vợ chồng. Theo cơ quan công an, em gái Xinh cũng là đối tượng vận chuyển tiền giả và đang phải thi hành án vì tội danh này. 

Cách thức phân biệt tiền giả

Đề phòng hoạt động của các đối tượng mua bán, vận chuyển tiền Việt Nam giả, Báo ANTĐ xin giới thiệu một số cách thức phân biệt tiền giả phổ thông nhất:

- Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng, nếu tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền có hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh. Nếu là tiền giả sẽ không có hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy.

- Vuốt nhẹ tờ tiền sẽ thấy các chi tiết in nổi, có cảm giác nhám, ráp tại các vị trí như dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá... , còn tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp.

- Chao nghiêng tờ tiền, nếu là tiền thật sẽ thấy mực đổi màu, từ vàng đất nếu nhìn thẳng sẽ chuyển sang màu xanh nếu nhìn nghiêng. Tiền giả sẽ không có yếu tố này.