Vì sao người Việt Nam hay mất thông tin tài khoản ngân hàng?

ANTD.VN - Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), không ít người Việt Nam bị lộ các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng vì các nguyên nhân chủ quan.

Người Việt chưa có ý thức về bảo mật thông tin cá nhân

Liên quan đến cuộc tấn công của mã độc WannaCry ngày 12-5 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa ra các nguyên nhân khiến người tiêu dùng Việt Nam dễ bị lộ lọt thông tin, trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công đòi tiền chuộc như trên.

Cơ quan này cho biết, với vụ việc nhiều tài khoản thẻ hoặc tài khoản ngân hàng bị mất tiền không rõ nguyên nhân trong thời gian gần đây, một trong những cách thức để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc tài khoản bị rút tiền là khách hàng thực hiện là đăng ký dịch vụ thông báo biến động tài khoản qua tin nhắn điện thoại.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng, mặc dù để số tiền lớn trong tài khoản nhưng không đăng ký sử dụng dịch vụ trên. Vì vậy, khi có các giao dịch phát sinh trái phép, người tiêu dùng không được thông báo, không biết nên không kịp liên hệ để ngân hàng tạm khóa tài khoản.

Hiện nay, sự phát triển của công nghệ điện thoại thông minh và sự phổ cập của Internet đã đơn giản hóa và tạo thuận lợi tối đa cho các dịch vụ giao dịch trực tuyến. Một trong các dịch vụ đó là việc thực hiện các giao dịch tài chính trên các ứng dụng di động của ngân hàng được cài đặt trên điện thoại. Các chuyên gia mặc dù đã cảnh báo về tính bảo mật yếu của mạng wifi công cộng nhưng thực tế vẫn có nhiều người tiêu dùng thực hiện các giao dịch tài chính thông qua các wifi công cộng tại quán café, tại sân bay, tại điểm truy cập Internet ở ngoài hàng…

Nhiều trường hợp như vậy đã bị đánh cắp thông tin tài khoản, bị mất mật khẩu và bị lợi dụng để thực hiện các giao dịch trái phép trên tài khoản của người tiêu dùng.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, nhiều người có thói quen chụp các hình ảnh có thông tin cá nhân hoặc thông tin giao dịch để chia sẻ với bạn bè, chẳng hạn như chia sẻ ảnh vé máy bay.

Các chuyên gia cho hay, chỉ cần sử dụng phần mềm đơn giản có thể đọc được những thông tin lưu giữ trên mã vạch của vé máy bay, ví dụ: họ tên hành khách, lịch sử bay, tình trạng đặt chỗ, một số trường hợp có thể truy cập được thông tin tài khoản mà hành khách sử dụng để giao dịch…

Những thông tin này nếu bị lợi dụng có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhiều người vẫn thực hiện theo hướng dẫn từ một kẻ không đáng tin cậy, giả làm đại diện ngân hàng với thông điệp cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật và yêu cầu gọi điện đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí.

Sau đó, chúng sẽ yêu cầu được cấp tài khoản và mật khẩu để xác nhận. Trong nhiều trường hợp, với việc giả danh là cơ quan công an đang điều tra một vụ án, đối tượng lừa đảo rất dễ dàng hướng dẫn người tiêu dùng chuyển tiền trực tiếp vào một tài khoản được chỉ định để phục vụ cho việc xem xét điều tra.

Theo các chuyên gia, dữ liệu giờ đây mới là nguồn tài nguyên quý giá nhất chứ không phải dầu mỏ. Sự phát triển của các công ty, tập đoàn lớn như Google, Facebook, Amazon là minh chứng cụ thể cho thấy việc khai thác và quản lý dữ liệu người tiêu dùng mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho các tổ chức, công ty.

"Với một giá trị được định hình và là thứ tài sản quý giá đối với nhiều doanh nghiệp như vậy, bản thân người tiêu dùng cần phải có sự thay đổi trong việc chia sẻ và sử dụng thông tin của mình, đặc biệt trong thời kỳ kỹ thuật số, khi một thông tin chia sẻ trên Facebook có thể sẽ được tiếp tục chia sẻ tới hàng nghìn phương tiện truyền thông khác"- đại diện Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo.