Vì sao mạng xã hội vẫn là mảnh đất màu mỡ để tội phạm lợi dụng?

ANTD.VN - Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trong đó có facebook đã đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, facebook cũng chính là mảnh đất màu mỡ để cho kẻ xấu hoạt động tội phạm...

Lợi dụng sự mất cảnh giác của người dùng mạng xã hội, nhiều đối tượng xấu coi đây là mảnh đất màu mỡ để thực hiện hành vi phạm tội

Thời gian qua nhiều đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội (facebook) đã bị bắt giữ và xử lý. Thế nhưng, trước sự thờ ơ, lơ là và sự mất cảnh giác của nhiều người khiến cho câu chuyện lừa đảo qua mạng xã hội vẫn còn xảy ra.

Kẻ giấu mặt

Câu chuyện xảy ra mới đây tại địa bàn phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội tiếp tục rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai thờ ơ, bỏ ngoài tai những cảnh báo tuyên truyền  của cơ quan chức năng về hoạt động tội phạm thời công nghệ.

Vào khoảng 10h ngày 18-12-2017, chị Đỗ Thị T. (SN 1994, ở ngõ 81, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình) nhận được tin nhắn qua mạng facebook mang nick name của em ruột là Đỗ Thu H (hiện chị H đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản).

Qua tin nhắn, chị T nhận được lời đề nghị của em gái, yêu cầu chị T chuyển gấp cho số tiền 60 triệu đồng vào số tài khoản 0201000687xxx mang tên “TRUONG CONG TRUNG” tại Ngân hàng V. chi nhánh Hà Tĩnh.

Dù chưa biết sự việc như thế nào nhưng chị T vội vàng chuyển 21 triệu đồng qua ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại của mình. Còn 39 triệu đồng sau đó cũng được chị T nhờ bạn là chị Tô Thị Q chuyển vào tài khoản mà T vừa chuyển trước đó.

Sau khi chuyển đủ 60 triệu đồng cho em gái mình, chị T lúc này mới quay sang liên lạc với em gái bằng điện thoại và được biết tài khoản facebook của H mới bị hack. Lúc này chị T mới “ngã ngửa” mình vừa bị lừa. Ngay sau đó, chị T đến CAP Thành Công trình báo vụ việc.

Trong một diễn biến khác, dù chưa đến mức mất tiền nhưng việc bị các chủ hàng đòi tiền thậm chí cả đe dọa đã khiến cho bà Nguyễn Thành Đ (ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Theo đơn trình báo của bà Nguyễn Thành Đ tại cơ quan công an, sáng 13-12-2017, tài khoản facebook mang tên “Thành Đ Nguyễn” của bà bị kẻ xấu hack. Sau đó, đối tượng đã dùng tài khoản này để giao dịch, đặt mua hàng qua mạng, thẻ điện thoại...

Sau đó, bà Đ đã liên tục bị các chủ hàng gọi điện thoại yêu cầu thanh toán tiền, gây cho bà Đ nỗi hoang mang và mất thời gian trả lời, giải thích. Thậm chí, bà Đ còn bị một số “chủ hàng” đe dọa xử lý theo “luật rừng” hoặc trình báo cơ quan công an xử lý vì cho rằng bà Đ lừa đảo.

Hạn chế đưa thông tin lên mạng

Những năm gần đây, mạng facebook đang được nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin dùng và lựa chọn nhiều hơn, không chỉ còn ở phạm vi cá nhân, nhiều công ty hay tổ chức cũng chọn đây làm nơi giao lưu, quảng bá các sản phẩm của mình đến công chúng.

Tuy nhiên, cũng chính bởi sự phát triển mạnh mẽ của nó cũng kéo theo không ít phiền toái cho người sử dụng, với những chiêu trò đơn giản dựa trên thói quen hay nhu cầu của người dùng. Dù chưa đầy một phút, tài khoản của người dùng có thể bị xâm nhập và gây không ít phiền phức cho người thân, bạn bè xung quanh. Những câu chuyện “thật như bịa” này có lẽ vẫn còn tiếp diễn nếu người dùng luôn chủ quan, mất cảnh giác.

Chỉ cần ngồi một chỗ, kẻ phạm tội giấu mặt có thể ra tay lừa đảo đối với những người nhẹ dạ cả tin

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, phương thức thủ đoạn của loại tội phạm trên mạng xã hội facebook và Internet ngày càng tinh vi và khó lường. Vì vậy, người dùng mạng xã hội hãy tỉnh táo, cẩn thận để tự bảo vệ bản thân trước các rủi ro trên mạng xã hội.

“Khi người dùng mạng xã hội nhận được tin nhắn với các hành vi giả danh bạn bè, người thân để nhờ nạp thẻ điện thoại, chuyển tiền, vay tiền... thì cần kiểm tra lại bằng cách gọi điện thoại hỏi trước để xác thực thông tin. Đặc biệt, người dùng không nên bấm vào những đường link lạ, các website lạ không rõ nguồn gốc để phòng chống virus, ngăn chặn virus xâm nhập vào các thiết bị của mình”, chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội khuyến cáo.

Trung tá Tạ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Ba Đình chia sẻ, hiện nay, Internet, cũng như các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo... được xem là mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm công nghệ cao sử dụng khả năng công nghệ thông tin để kiếm lợi bất chính. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cũng rất đa dạng và tinh vi. Do vậy đòi hỏi người sử dụng Internet và mạng xã hội cần đề cao cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình.

Có thể thấy, chỉ cần một cú nhấp chuột, người dùng có thể thể hiện bản thân, với những chia sẻ hình ảnh, video, cập nhật thường xuyên các hoạt động và suy nghĩ của bản thân. Cũng chính vì sự liên kết cộng đồng rộng rãi, nhanh chóng này, nhiều đối tượng đã sử dụng facebook như một công cụ phạm tội lừa đảo, trộm cắp…

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, người dùng mạng xã hội không nên đưa thông tin cá nhân lên mạng. Việc này chẳng khác nào đưa cuộc đời của bạn cho người khác tùy nghi sử dụng. Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội cũng không nên đăng địa chỉ nơi ở, số điện thoại, tên đầy đủ và ngày sinh, thông tin về số tài khoản, số thẻ tín dụng và mật khẩu tài khoản cá nhân của của mình. Việc này rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng để phạm tội và cũng cần hạn chế nhận lời kết bạn của người lạ trên mạng, để tránh sự phiền phức”, Trung tá Tạ Thanh Bình khuyến cáo.