Vì sao kẻ đâm người rồi cố thủ trong nhà anh trai phải buông dao, hạ xô xăng?

ANTD.VN -   Ngày 13-5, thông tin vụ đối tượng dùng dao đâm người rồi vào nhà cố thủ bằng xô xăng vẫn “nóng” tại phố Ngỗ Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa (Hà Nội). Nhiều người tò mò muốn biết vì sao Nguyễn Ánh Hùng (SN 1970), đối tượng có 6 tiền án lại chịu buông da, hạ xô xăng, ngoan ngoãn theo lực lượng công an về trụ sở…

Nhằm chuyển tải tới bạn đọc diễn biến mới nhất và những điều còn chưa biết về vụ án này, PV Báo ANTĐ đã tìm hiểu và được biết 5 giờ đấu trí căng thẳng giữa lực lượng CAQ Đống Đa, trực tiếp là Thượng tá Đỗ Xuân Tiến, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CAQ với đối tượng đã có bề dày “thành tích” bất hảo, có khoảng thời gian “bóc lịch” trong trại giam tới gần 30 năm.

Đối tượng Hùng

5 giờ cân não

Theo thông tin chúng tôi cập nhật được, nạn nhân của Nguyễn Ánh Hùng là anh Phạm Văn Minh, ở ngách 21 phố Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa được các Bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu kịp thời, nay đã qua cơn nguy kịch và đang được chăm sóc tích cực.

Như Báo ANTĐ đã thông tin, khoảng 13h ngày 12-5, anh Minh phát hiện một người đàn ông lạ vai khoác túi xách từ trong nhà mình đi ra đã hỏi và giữ lại để làm rõ, liền bị đối phương dùng dao nhọn đâm 5 nhát gây thương tích nặng. Sau đó, kẻ gây án được xác định là Nguyễn Ánh Hùng, hiện đang tạm trú tại phường 7, TP Vũng Tàu đã chạy về nhà người anh trại tại ngõ 28 phố Ngô Sỹ Liên cố thủ bằng dao và xô xăng được lấy ra từ bình xăng xe máy. Trong thời gian này, Hùng liên tục đe dọa sẽ châm lửa đốt nhà và tự sát nếu ai có ý định tiếp cận đối tượng. Lúc này, trong nhà ngoài Hùng còn có người anh trai và chị dâu đối tượng.

CAQ Đống Đa đưa Hùng vào xe ô tô về trụ sở để làm rõ

Trước tình hình phức tạp trên, Ban chỉ huy CAQ Đống Đa, trực tiếp là Thượng tá Đỗ Xuân Tiến, Phó trưởng CAQ đã tới hiện trường, chỉ huy lực lượng CSHS và CAP Văn Miếu cùng các đơn vị chức năng khác xử lý vụ việc. Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề điều tra hình sự, cộng với bản lĩnh của một người chỉ huy đã được thử thách, tôi luyện qua nhiều môi trường công tác phòng chống tội phạm hình sự, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến đã dùng lý lẽ, tình cảm nhẹ nhàng thuyết phục, động viên, tác động vào tâm lý của Nguyễn Ánh Hùng để đối tượng dịu bớt căng thẳng, không manh động chống đối lực lượng làm nhiệm vụ và gây hại đến những người xung quanh.

Mặt khác, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến đã chỉ đạo lực lượng CSHS - CAQ Đống Đa khẩn trương phối hợp với CAP Văn Miếu tìm hiểu về lai lịch, nhân thân Nguyễn Ánh Hùng, nắm được đối tượng từng có 6 tiền án, trong đó có tiền án “Giết người” và thời gian Hùng phải thụ án là 20 năm tù từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Ngoài ra, Hùng còn phải chấp hành hình phạt tù của 5 lần phạm tội khác với các tội danh “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”.

Sau khi có trong tay tóm tắt chuỗi “thành tích” bất hảo của Hùng, bằng kinh nghiệm của mình, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến đã phân tích tâm lý tội phạm và xác định đây là đối tượng vào tù ra tội nhiều lần nên rất ngoan cố, lì lợm, khó thuyết phục. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm đến cùng, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến đã vận động gia đình, người thân của Hùng tác động thêm bằng tình cảm để dần cảm hóa đối tượng.

“Tôi được biết năm 11 tuổi Hùng đã đi Trại giáo dưỡng và 17 tuổi đã gây án giết người cướp tài sản, bị Tòa án xử 20 năm tù. Đến năm 2012, sau khi thụ án xong một hình phạt khác của Tòa án, Hùng đã vào TP Vũng Tàu sinh sống với mẹ, gần đây mới ra Hà Nội chơi với người thân và sống lang thang ở khu vực phường Văn Miếu. Từ tình tiết này, chúng tôi đã xoáy sâu vào tâm lý của đối tượng từng xa gia đình nhiều năm ròng, tìm lời lẽ thuyết phục Hùng buông dao đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật, mong sớm được đoàn tụ với gia đình. Với tư cách của một người chỉ huy lực lượng đang thực thi nhiệm vụ tại hiện trường, tôi động viên đối tượng ra đầu thú sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối” - Thượng tá Đỗ Xuân Tiến cho biết.

Sau gần 5 giờ được vị chỉ huy của CAQ Đống Đa “cân não”, Nguyễn Ánh Hùng đã tự nguyện giao nộp hung khí gây án là con dao nhọn và xô đựng xăng, theo các chiến sỹ công an về trụ sở Cơ quan CSĐT - CAQ để làm rõ.

            Vận dụng tính nhân văn

Tiếp xúc với Trung tá Đặng Huy Hoàng, Trưởng CAP Văn Miếu, một trong những người tiếp cận Nguyễn Ánh Hùng và đưa đối tượng về trụ sở công an làm việc, chúng tôi được biết khoảng thời gian thuyết phục đối tượng đầu thú, lực lượng CAQ Đống Đa đã tập trung cao độ mọi biện pháp phòng ngừa, tránh để xảy ra hậu quả xấu. Theo Trung tá Đặng Huy Hoàng, trong khoảng thời gian Thượng tá Đỗ Xuân Tiến trực tiếp thương thuyết với đối tượng, CAQ Đống Đa dưới sự chỉ đạo của Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng CAQ, đã chuẩn bị mọi biện pháp ứng phó về các mặt như y tế, cứu hỏa và các biện pháp nghiệp vụ khác…

Cùng với đó, lực lượng công an đã tác động với anh trai và chị dâu của Hùng đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của đối tượng, nhằm giảm căng thẳng và “lái” dần đối tượng vào “quỹ đạo” đã được kiểm soát. Tiếp đó, Đại tá Võ Hồng Phương đã chỉ đạo lực lượng CAP Văn Miếu áp dụng biện pháp nghiệp vụ lồng ghép tính nhân văn để tìm cách tiếp cận thuyết phục đối tượng.

“Nhận mệnh lệnh của người đứng đầu CAQ Đống Đa giao, tôi và một CSKS đã vào nhà anh trai của Hùng ngay sau khi Thượng tá Đỗ Xuân Tiến thuyết phục đối tượng. Lúc đó, Nguyễn Ánh Hùng nằm trên gác xép với con dao và xô đựng xăng cùng 1 chiếc chăn bông. Tôi đã động viên Hùng xuống nhà ngồi ăn cơm với anh trai, chị dâu và nói chuyện. Chúng tôi cũng nhắc lại những lời Thượng tá Đỗ Xuân Tiến đã nói với Hùng và đến lúc này, đối tượng nhận thấy ra đầu thú thì có lợi cho mình và giao nộp cho chúng tôi dao, xô xăng” - Trung tá Đặng Huy Hoàng chia sẻ.

Ngồi cùng mâm cơm với vợ chồng người anh trai sau nhiều năm xa cách, Hùng chỉ uống 1 lon bia và nói lời xin lỗi mọi người, rồi theo Trung tá Đặng Huy Hoàng cùng người CSKV ra xe ô tô về trụ sở CAQ Đống Đa sau gần 6 giờ cố thủ trên gác xép với xô xăng và con dao nhọn.

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng CAQ Đống Đa cho biết ngoài các biện pháp nghiệp vụ được thực hiện trong đấu tranh phòng chống tội phạm, CAQ đã chủ động phân tích tâm lý tội phạm và vận dụng tối đa tính nhân văn để vận động, thuyết phục, cảm hóa đối tượng phạm tội nhận ra tội lỗi và ý thức rõ được trách nhiệm của mình trước pháp luật. “Quay đầu là bờ, còn nếu cố tình phạm pháp sẽ bị pháp luật nghiêm trị” - Đại tá Võ Hồng Phương nhấn mạnh.