Về việc phát hiện container nghi chứa lá khát cực độc tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng:

Vận chuyển, mua bán lá khát số lượng lớn có thể bị tử hình

ANTD.VN - Vừa qua, Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện container nghi chứa lá khát – loại ma tuý thảo mộc độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần và 1 container chứa shisha tại bãi lưu hàng hóa của cảng Tân Vũ, song doanh nghiệp có tên trên vận đơn lại có công văn gửi hải quan từ chối tiếp nhận lô hàng.

Liên quan đến sự việc này, Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh – Giám đốc Công ty Luật Việt Kim cho rằng, nếu bên nhận hàng trong vận đơn từ chối nhận hàng, các cơ quan có thẩm quyền cần tìm kiếm thêm thông tin và bằng chứng khác để xác định chủ sở hữu lô hàng, từ đó, xác định trách nhiệm của chủ sở hữu.

Cần xác định chủ sở hữu lô hàng

Cũng theo Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, thương mại quốc tế và vận tải hàng hóa quốc tế là một hoạt động khá phức tạp với với vai trò của rất nhiều bên tham gia, trong đó vận đơn là văn bản thể hiện mối quan hệ cũng như vai trò của các bên với nhau và đối với hàng hóa.

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh – Giám đốc Công ty Luật Việt Kim

Một vận đơn thông thường sẽ có tên của bên vận chuyển, bên giao hàng và bên nhận hàng (trừ trường hợp vận đơn vô danh, vận đơn theo lệnh), một số trường hợp có thêm tên của bên được thông báo hàng đến cảng (Notify Partes). Về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp có tên trong vận đơn, đối với trường hợp hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì trách nhiệm của các bên có ghi tên trong vận đơn như sau:

Bên vận chuyển (Shipper) có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa đến cảng, tính hợp pháp của hàng hóa được bên giao hàng chịu trách nhiệm và mặc nhiên cam kết khi ký hợp đồng vận chuyển. Trường hợp shipper biết rõ hàng hóa đó là hàng cấm (vận chuyển, tàng trữ, lưu hành) thì bên này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Bên giao hàng thông thường là chủ sở hữu của lô hàng (ít nhất đến trước thời điểm giao hàng cho shipper – trừ trường hợp được thuê để đứng tên giao hàng). Do đó, bên này sẽ là bên hiểu rõ nhất về hàng hóa và sẽ là bên có trách nhiệm trước cơ quan nhà nước về tính hợp pháp của lô hàng.

Trong trường hợp bên nhận hàng trong vận đơn từ chối nhận hàng, nếu chỉ căn cứ vào vận đơn, thì cơ quan Nhà nước không thể quy kết trách nhiệm cho bên nhận hàng được. Trong trường hợp này, các đơn vị có thẩm quyền cần tìm kiếm thêm thông tin và bằng chứng khác để xác định chủ sở hữu lô hàng, từ đó, xác định trách nhiệm của chủ sở hữu.

Đối với hàng hóa bỏ lại cảng, theo quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan có quyền kiểm xác minh nhằm xác định chính xác hàng hóa là hàng cấm, hàng trái phép hay không. Từ đó sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với hàng hóa thuộc diện hàng cấm nhập khẩu thì cơ quan Hải quan xác định chính xác tình trạng và loại hàng hóa cấm để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý như lực lượng phòng chống ma túy, cơ quan phòng chống buôn lậu…. Với hàng hóa không thuộc hàng cấm nhập khẩu, thì cơ quan Hải quan sẽ làm thủ tục thông báo hàng tồn đọng nhằm tìm kiếm chủ hàng đến nhận, trường hợp vẫn không có người đến nhận, hàng hóa sẽ được xác lập quyền sở hữu cho nhà nước.

Nghiêm cấm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh nhận định, về các lô hàng nghi lá khát, shisha phát hiện ở cảng Tân Vũ, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy. Trường hợp có phép chủ yếu là hoạt động nhập khẩu vì mục đích nghiên cứu hoặc mục đích y tế sức khỏe và được các bộ ngành chấp thuận với quy trình quản lý rất chặt chẽ.

Lực lượng chức năng kiểm đến tang vật tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng)

Do vậy, đối với lô hàng nghi là lá khát trên, việc xác định được chính xác doanh nghiệp nhập khẩu sẽ là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ doanh nghiệp và người có liên quan. Tội danh có thể bị  truy cứu trong trường hợp này sẽ là “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” theo Điều 194 của BLHS hiện hành. Nếu lô hàng  nghi lá khát này có số lượng lớn, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự  theo Điều 194 với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Đối với shisha, theo quy định, mặt hàng này khi nhập khẩu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất và các quy định khác có liên quan. Đây là mặt hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ. Nếu đơn vị nhập khẩu lô hàng này không có bất cứ hồ sơ hay giấy phép nhập khẩu nào có thể bị coi là hành vi buôn lậu. Khi đó, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 153 BLHS hiện hành nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Trường hợp có người đến nhận hàng với đầy đủ các giấy tờ đủ điều kiện nhập khẩu, thì người đó hoặc doanh nghiệp đó có quyền làm các thủ tục thông quan, nhưng phải chịu phạt hành chính và thanh toán các khoản chi phí quản lý, lưu trữ tại kho hải quan.