2 lần bị tuyên án tử hình
Trong giới giang hồ miền Nam những năm sau giải phóng, Phước “tám ngón” là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Ngoài sự hung hãn, manh động sẵn sàng nổ súng giết người và chống trả lại cơ quan công an khi bị truy bắt, có 2 điều ở Phước khiến người ta luôn nhớ đến y như một tên tội phạm đặc biệt. Thứ nhất, trong lịch sử phòng chống tội phạm Việt Nam thời hiện đại, Phước “tám ngón” là tên tội phạm đầu tiên và duy nhất cho đến tận bây giờ đào thoát được khỏi trại giam Chí Hòa. Thứ 2, Phước “tám ngón” là tên tội phạm 2 lần bị tòa tuyên án tử hình trong 2 phiên tòa diễn ra cách nhau gần 2 năm.
Phước “tám ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1971 trong một gia đình nghèo ở Dĩ An, Thuận An tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương). Giới giang hồ đã thêu dệt rất nhiều chuyện lỳ kỳ xung quanh biệt danh và cuộc sống giang hồ của Phước “tám ngón”. Nào là chuyện chỉ vì giận cha Phước trói người cha già rồi thả xuống giếng cho đến khi ông bất tỉnh vì sợ, rồi đến chuyện biệt danh “tám ngón” là do trong một lần ăn nhậu với bạn bè, do bị mẹ la mắng, Phước đã chặt phăng 2 ngón tay của mình để… dằn mặt bà. Chuyện hấp dẫn nhất trong giới giang hồ là việc Phước xách súng tới nhà bố mẹ vợ thay đồ sính lễ để xin dâu. Chẳng ai biết có bao nhiều phần trăm sự thật trong những câu chuyện ấy. Tuy nhiên, có một điều không thể sai về Phước, đó là y đã biết đến mùi cơm tù từ năm 17 tuổi. Theo hồ sơ, thì năm 1988, Phước bị Tòa án nhân dân quận Gò Vấp (TP. HCM) tuyên án 36 tháng tù về tội trộm cắp. Ra tù, Phước tiếp tục bị Công an TP HCM bắt rồi đưa đi cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, với máu giang hồ luôn chảy trong huyết quản, Phước đâu có chịu cảnh tù túng. Hắn trốn trại, mua vũ khí, tập hợp đàn em rồi thành lập băng cướp.
Đầu những năm 90, băng cướp của Phước “tám ngón” liên tục gây ra những vụ cướp bóc vô cùng manh động. Phước nổi tiếng về độ hung hãn, hắn luôn sử dụng súng AK cưa nòng và để cướp tài sản và bắn chết nạn nhân nếu có ý định chống cự. Thời kỳ cao điểm nhất, chỉ trong vòng nửa tháng, Phước và đồng bọn đã liên tiếp gây ra 2 vụ cướp, một vụ trộm và bắn chết một nạn nhân tại Thủ Đức (TP HCM). Phải mất hơn 1 năm lập chuyên án, Công an TP HCM thời điểm đó mới bắt được Phước “tám ngón”, triệt phá băng cướp gieo rắc nỗi kinh hoàng này. Ngày 24-6-1994, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên án tử hình Phước “tám ngón” về các tội giết người và cướp tài sản. Nhưng chỉ sau 8 tháng bị giam giữ tại phòng biệt giam Trại giam Chí Hòa, Phước “tám ngón” đã vượt ngục thành công. Hắn tiếp tục mua vũ khí, thành lập băng nhóm và gây ra những vụ cướp của giết người đặc biệt nghiêm trọng.
Gần 200 ngày sau khi Phước trốn thoát, Công an TP HCM mới bắt lại được y. Ngày 29-4-1996, 13 bị cáo trong băng cướp của Phước “tám ngón” bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM. Với hàng loạt tội ác đã gây ra, Nguyễn Hữu Thành tức Phước “tám ngón” tiếp tục lĩnh án tử hình lần thứ 2.
Toàn cảnh trại giam Chí Hòa
Trại giam bất khả đào tẩu
Trở lại với cuộc vượt ngục của Phước “tám ngón”. Nói đây là một cuộc vượt ngục “vô tiền khoáng hậu”, bởi Phước “tám ngón” đã thoát khỏi nhà tù được coi là “bất khả đào tẩu” của Việt Nam. Trong lịch sử tồn tại 70 năm của Trại giam Chí Hòa (còn gọi là khám Chí Hòa được chính quyền thực dân Pháp xây dựng tại Sài Gòn từ năm 1943) chỉ ghi nhận có 2 cuộc vượt ngục thành công, mà mỗi cuộc vượt ngục cách nhau tận 50 năm. Cuộc vượt ngục lần thứ nhất là vào ngày 9-3-1945, lợi dụng việc Nhật đảo chính Pháp, những cán bộ cộng sản bị Pháp giam giữ tại đây đã tổ chức cướp trại và giải thoát cho các tù nhân. Và cuộc vượt ngục thứ 2 sau đúng 50 năm chính là của Phước “tám ngón”.
Trước Phước “tám ngón”, Trại giam Chí Hòa trước đây đã từng giam giữ những tên tội phạm khét tiếng dưới chính quyền Việt Nam cộng hòa như: Đại Kathay, Điền Khắc Kim, Lâm “chín ngón”… nhưng chưa từng một ai trốn thoát. Sở dĩ Nhà tù Chí Hòa được coi như một nhà tù “bất khả đào tẩu”, bởi nó được thiết kế đặc biệt, mọi hoạt động của phạm nhân trong buồng giam đều được canh gác và giám sát chặt chẽ. Cuộc vượt ngục thành công của Phước tám ngón một phần cũng được nhờ vào rất nhiều yếu tố may mắn mà chúng tôi sắp kể ra đây cho bạn đọc.
Kế hoạch hoàn hảo
Sau khi bị tuyên án tử hình lần thứ nhất, Phước được đưa vào buồng biệt giam và giống như những tử tù khác, hắn bị còng chân bằng một cùm sắt phi 10 hình chữ U. Trong những ngày tháng sống trong buồng biệt giam, lúc nào Phước cũng nung nấu ý định trốn trại. Tuy nhiên, để trốn được trại, việc đầu tiên là phải tháo được chân ra khỏi cùm. Muốn vậy thì phải cần có dụng cụ. Nhưng trong hoàn cảnh của một tên tử tù trong phòng biệt giam thì biết lấy dụng cụ ở đâu và phải làm cách nào. Một ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu Phước, để thực hiện được ý đồ của mình, Phước bắt đầu làm quen với một số phạm nhân tự giác (chuyên được cử làm công tác dọn vệ sinh, đưa cơm… cho tử tù). Trong số các phạm nhân tự giác này, hắn quan tâm đặc biệt tới Nguyễn Văn Minh. Trong một lần Minh vào đưa cơm, Phước nói nhỏ: “mày kiếm giùm tao một lưỡi dao lam”. Minh nghe Phước nói liền trợn mắt hỏi lại: “Mày biết thứ đó là đồ cấm không, mà trong này thì mày cần gì tới thứ đó”. Phước ra vẻ điệu bộ khẩn thiết: “Tao cần để cạo râu thôi, trong này nóng nực, râu ria tùm lum, khó chịu lắm. Mà có “đi” thì cũng phải sạch sẽ chút chứ…”. Nghe Phước nói, Minh cũng mủi lòng và hứa sẽ tìm cho Phước thứ mà y cần.
May mắn đã đến với Phước “tám ngón”, chỉ 2 ngày sau Minh đã tìm được và đưa cho Phước chiếc dao lam không quên kèm theo lời dặn nhớ giấu cẩn thận đừng để cán bộ phát hiện ra. Thấy Minh dễ dãi, Phước lại tiếp tục nằn nỉ để Minh kiếm thêm cho mình một chiếc bật lửa ga. Dù chẳng biết Phước sử dụng vào mục đích gì, nhưng Minh vẫn vui vẻ nhận lời và kiếm cho Phước.
Sau khi có được lưỡi dao lam và chiếc bật lửa ga, Phước “tám ngón” khôn khéo tìm cách giấu vào lỗ hổng trong vách tường rồi dán giấy báo đè lên. Cuộc đào thoát của Phước “tám ngón” sẽ không thể thành công nếu như y không gặp được một may mắn khác. Trong một lần lợi dụng sự mất cảnh giác của cán bộ canh gác, Phước đã tháo được chiếc vòng sắt ở trên khung cửa nhà vệ sinh. Sau đó Phước cho vào cùm sắt uốn cho thẳng lại rồi tỉ mẩn ngày đêm mài nhọn một đầu. Lúc này, khi đã có đầy đủ các dụng cụ, kế hoạch vượt ngục của Phước được khởi động.
Đầu tiên là việc cưa cùm chân. Với chiếc dao lam xin được, Phước bẻ làm đôi và biến nó trở thành chiếc cưa để cưa sắt. Chiếc dao lam mỏng manh lại có thể cưa đứt được chiếc cùm sắt phi 10, chuyện nghe có vẻ hoang đường nhưng Phước đã chứng minh điều đó là có thật. Phước tỉ mẩn dùng 2 lưỡi dao lam miệt mài cưa. Vì lưỡi dao mỏng, đường cưa nhỏ, do vậy quá trình Phước cưa cùm không phát ra tiếng động nên các cán bộ quản giáo không hề hay biết. Tinh vi hơn, để tránh sự phát hiện, Phước đã luồn những sợi vải vào mạch cưa rồi dùng chiếc bật lửa xin được để đốt. Nhựa vải chảy ra phủ kín vết cưa nên nhìn từ ngoài vào không ai biết được ý đồ của Phước.
Cuộc vượt ngục có một không hai
Đêm ngày 26-3-1995, sau 5 ngày miệt mài cưa cùm, cuối cùng chỉ bằng chiếc dao lam Phước cũng đã cưa đứt thanh sắt phi 10 và rút được chân ra khỏi chiếc cùm. Lúc này thanh sắt mà Phước mài nhọn bắt đầu phát huy tác dụng. Phước dùng thanh sắt này khoét vách tường khu gần nhà vệ sinh thành một lỗ hổng vừa một người chui qua. Do khu vực này tường ẩm thấp, nên Phước tiến hành khá dễ dàng. Để đánh lừa cán bộ quản giáo, những viên gạch lấy ra được, Phước đều xếp lên bệ xi măng rồi phủ chăn lên cho giống như hình người đang nằm ngủ. Xong xuôi mọi việc, hắn từ từ bò qua lỗ hổng để trốn ra ngoài. Tìm đường mò được lên mái nhà, Phước dùng quần áo và khăn bện thành một sợi dây buộc vào cột rồi đu xuống mặt đất. Đang leo xuống thì bất ngờ chiếc dây bị đứt, Phước ngã nhào xuống đất. Với một người bình thường, nếu ngã ở độ cao lớn như vậy, chắc chắn đã gặp phải chấn thương nặng. Nhưng một lần nữa, may mắn lại mỉm cười với tên tử tù này. Sau gần một tiếng nằm bất động, thì Phước dần hồi tỉnh lại. Tuy bị chấn thương chân và cột sống (sau này khi đi chữa chạy ở ngoài Phước mới biết) nhưng hắn vẫn cố lết tới cột điện rồi trèo qua khu tập thể gia đình cán bộ quản giáo của trại. Với sự khôn ngoan, láu cá của một kẻ lưu manh chuyên nghiệp, Phước “tám ngón” đã tìm cách thoát ra khỏi trại giam Chí Hòa một cách ngoạn mục.
Ra được đến khu tập thể của trại, Phước ăn trộm bộ quần áo cảnh phục đang phơi ngoài sân mặc vào người, hắn “mượn” thêm đôi dép, dắt chiếc xe đạp rồi đàng hoàng đi ra bằng đường cổng chính. Nén đau đi qua bốt gác, Phước bảo anh cảnh vệ trại giam mở cổng để hắn ra ngoài uống café sớm. Không hề nghi ngờ, người này mở cổng cho Phước ra và không quên kèm theo vài câu bông đùa. Lúc đó là sáng ngày 27-3-1995, tên tử tù nguy hiểm đàng hoàng đạp xe lẫn vào dòng người trên đường và mất hút khỏi trại giam.
Lại tiếp tục đi cướp
Sau khi thoát khỏi trại, việc đầu tiên Phước nghĩ đến là bán ngay chiếc xe đạp để lấy tiền rồi sau đó về nhà gặp vợ xin tiền bỏ trốn tập hợp đồng bọn tiếp tục đi cướp. Trong suốt 7 tháng lẩn trốn, để tránh sự truy lùng gắt gao của lực lượng công an TP HCM và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) y lang bạt qua khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ rồi lại mò lên Tây Nguyên. Mỗi địa điểm đi qua, băng cướp của Phước đều dùng súng AK gây ra các vụ cướp nguy hiểm, đặc biệt là nhắm vào các tiệm vàng. Đêm 15-8-1995, Phước đã bắn chết một người và bắn bị thương một người để cướp chiếc xe máy Angel. Với sự ma lanh của mình, Phước có thừa thủ đoạn để đối phó với lực lượng công an truy bắt. Tuy nhiên tên tướng cướp này lại bị bắt một cách hết sức tình cờ.
Đêm ngày 1-10-1995, vì hết tiền tiêu y đơn thương độc mã mò vào một gia đình ở Buôn Ma Thuột để trộm đồ. Không may cho hắn, trong lúc đang hành sự thì bị gia chủ phát hiện. Mặc dù mang súng theo người nhưng trước sự dũng cảm và mưu trí của người chủ nhà y đã bị bắt giữ. Bị tuyên án tử hình lần thứ 2, Phước “tám ngón” đã không còn cơ hội để trốn thoát. Gần 2 năm sau ngày bị tuyên án tử hình lần thứ 2, Nguyễn Hữu Thành tức Phước “tám ngón” đã bị thi hành án tử hình ở pháp trường Long Bình (quận 9, TP.HCM), kết thúc cuộc đời của một tên tướng cướp khét tiếng.