Lật tẩy thủ đoạn của loại tội phạm không bao giờ… giáp mặt nạn nhân (2):

Trộm tài khoản Facebook để "diễn" các trò lừa đảo

ANTD.VN - Đánh cắp tài khoản Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách gửi tin nhắn mời chủ nhân đến nhận “phần thưởng”, “nhận quà”, mua thẻ cào… hoặc trớ trêu hơn là kết hôn “chồng Tây”… dù không mới, dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy. 

Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng zalo, facebook bị Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao bắt giữ

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát  PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội, trộm tài khoản Facebook hay thông qua các trang mạng xã hội, làm quen, kết thân rồi chiếm đoạt tài sản, đang là hiện tượng “nóng”.

Trò “nhờ mua hộ thẻ cào”

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa chuyển hồ sơ, đối tượng liên quan trong 2 vụ trộm tài khoản Facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại, chiếm đoạt tài sản tới Công an Đà Nẵng và Công an Quảng Trị để điều tra, xử lý về tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 226b Bộ luật Hình sự. 

Theo tài liệu của cơ quan CSĐT, hai đối tượng Phạm Văn Khanh (21 tuổi),  trú tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng và Võ Đình Tuấn (23 tuổi), quê Hải Lăng, Quảng Trị, sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng đã đánh cắp tài khoản Facebook cá nhân của anh Hà Xuân Chung, quê quán huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Sau đó, chúng dùng tài khoản này để chat với nick “Truong Ha Van”, anh ruột của anh Chung, nhờ mua hộ 23 thẻ cào điện thoại trị giá 6,6 triệu đồng, với lý do để kinh doanh tại Nhật Bản. Nghĩ rằng em mình nhờ thật, anh Trường đã gửi ngay. Sau khi hết giờ làm việc, anh Trường trực tiếp gọi điện thoại mới biết em trai đã bị đối tượng lừa đảo, trộm nick Facebook chiếm đoạt tài sản. 

Chiếm đoạt được 23 thẻ cào, Tuấn đã dùng 1 thẻ nạp tiền vào điện thoại cá nhân, còn lại  22 thẻ trị giá 6,5 triệu đồng nạp vào tài khoản mở tại Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao, quy đổi sang Rik - loại tiền ảo sử dụng trong mua bán game - rồi bán cho các đại lý thu mua tiền Rik để rút tiền mặt.

Không bị tội phạm đánh cắp tài khoản Facebook tinh vi như trên, nhưng chị Nguyễn Thị Na (26 tuổi), trú tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội lại “dính bẫy” một cách chủ quan. Thông qua mạng xã hội, chị Na quen biết với một nick name là “Sơn đô la” và được anh này cho biết đang sinh sống ở… trời Tây. Trên trang cá nhân, Sơn thường khoe những hình ảnh cơ ngơi sang trọng, ảnh du lịch nay đây mai đó, tiêu tiền như… ném đi cùng những lời đường mật đã khiến chị Na chưa từng gặp mặt nhưng đã nhận lời… yêu. 

Khi cá đã cắn câu, Sơn nói đang muốn nhanh chóng thu xếp về Việt Nam tổ chức đám cưới với chị Na. Cùng với đó, Sơn sẽ gửi tặng quà giá trị cho cô gái trẻ. Vài ngày sau đó, chị Na nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là bạn thân của Sơn, vừa bay từ               Australia về và mang theo món quà giá trị do Sơn gửi.

Tuy nhiên, anh ta đang bị giữ tại Sân bay Tân Sơn Nhất do trị giá quà lớn, và cần tiền để “nộp phí thuế hải quan”. Không chút nghi ngờ, chi Na đã thực hiện các yêu cầu chuyển 50 triệu đồng vào số tài khoản bạn của “chồng tương lai” hướng dẫn. Số tiền chuyển xong cũng là lúc mọi liên lạc bị… tắt ngấm. Chờ dài cổ nửa tháng nhưng chị Na vẫn không thấy quà về đến địa chỉ người nhận, lúc ấy mới té ngửa biết mình đã bị lừa. 

Lê Văn Tư và Cao Văn Hiếu bị TAND tỉnh Quảng Trị xét xử về hành vi sử dụng mạng Internet nhằm chiếm đoạt tài sản

Đến lừa đảo nhắn tin trúng thưởng

Đề cập về loại tội phạm này, Trung tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát  PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội phân tích: “Mặc dù các đối tượng lừa đảo không quá giỏi về công nghệ, thậm chí có một số đối tượng học vấn rất thấp, nhưng vẫn dễ dàng lừa đảo trót lọt hàng chục vụ. Nguyên nhân này xuất phát từ việc hiểu biết của nạn nhân còn hạn chế, cả tin; bị tội phạm đánh trúng lòng tham…”.

Bằng thủ đoạn nhắn tin trúng thưởng, các đối tượng Nguyễn Tùng Dương (19 tuổi), quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cùng Nguyễn Viết Anh, Đào Thanh Hà và Trần Thành Công đã dùng thủ đoạn đăng tải chương trình khuyến mãi 500% giá trị thẻ nạp của các nhà mạng viễn thông…

Đối tượng Dương khai nhận mới chỉ học hết THPT nhưng do thường xuyên lên mạng Internet và biết được nhu cầu của người tiêu dùng nên đã cùng đồng bọn tập trung tại các quán Internet trên các địa bàn Sóc Sơn; thị trấn Phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh; Hạ Long, Quảng Ninh; thị trấn Cát Bà và Kiến An, Hải Phòng để thực hiện hành vi spam thông báo tin nhắn trúng thưởng. 

Các đối tượng đã lập ra một số website giả mạo, sau đó nhắn tin trúng thưởng và khuyến mại đến tài khoản trên Facebook, đồng thời mua 80.000 tài khoản Facebook với giá 500 đồng/tài khoản (nguồn tài khoản Facebook đã bị đánh cắp) và tải đoạn mã để tự động truyền tải thông tin liên tục đến người dùng Facebook trong một thời gian ngắn rồi chỉnh sửa cho phù hợp với các website lừa đảo do mình làm ra. Đến khi bị bắt, tổng số tiền thẻ cào mà nhóm này chiếm đoạt là khoảng 463 triệu đồng.

Theo các chuyên gia mạng máy tính, việc chiếm đoạt tài khoản facebook cá nhân được các đối tượng thực hiện theo nhiều hình thức. Thứ nhất tạo keylog (trình theo dõi thao tác bàn phím) trên một số máy tính bọn chúng nhằm tới để đánh cắp thông tin, mật khẩu. Thứ hai, đối tượng nghiên cứu các thông tin sẵn có trên Facebook của các cá nhân. Hầu hết các đối tượng lợi dụng người sử dụng Facebook thường có thói quen đặt mật khẩu là số điện thoại, ngày tháng năm sinh của cá nhân hoặc những người thân trong gia đình.

Trước khi tiến hành trộm nick của ai đó, các đối tượng thường tìm hiểu những thông tin này, tìm ra mối quan hệ gia đình của họ thông qua ảnh, trạng thái, bình luận... Khi đã nắm bắt được đầy đủ các thông tin, bọn chúng sẽ lấy ảnh, đánh cắp các thông tin sẵn có để lừa đảo, mà điển hình là nhờ cào thẻ điện thoại, nạp giúp tiền điện thoại…

(Còn tiếp)

“Để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng xã hội, tin nhắn…  cơ quan công an khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác và hãy bỏ qua những tin nhắn rác, tin nhận quà… Không nên tiết lộ địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh và tên tuổi thật của bạn trên Internet cũng như các mạng xã hội. Không bấm vào các đường link lạ, những website không rõ nguồn gốc. Không trao đổi những thông tin quan trọng như mật khẩu email, thông tin tài khoản ngân hàng... qua chat. Với những trao đổi nghi ngờ lừa đảo như nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền... cần liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với người nhờ để xác thực thông tin”. 

Trung tá Phạm Đức Hà (Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội)