Thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em từ đủ 14 – dưới 16 tuổi

ANTD.VN - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (gọi tắt là BLHS 2015 (sửa đổi) vừa được thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1-1-2018 với nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có nội dung thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em từ đủ 14 – dưới 16 tuổi.

Nhận xét về BLHS 2015 (sửa đổi), Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, những nội dung tiến bộ nổi bật của Bộ luật này chính là các quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi-dưới 16 tuổi, xử lý hình sự đối với một số hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm “bẩn”, kinh doanh đa cấp trái phép…

Không mở rộng phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên

BLHS 2015 (sửa đổi) quy định, người từ đủ 14-dưới 16 tuổi chỉ bị xử lý hình sự đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tại 28 điều luật (quy định tại khoản 2 Điều 12).

Về nội dung này, Luật sư Lê Hồng Vân phân tích, BLHS năm 1999 chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi-dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội

Tuy nhiên, do yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, BLHS 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên ở độ tuổi này cả trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, BLHS 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi-dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, một số quy định về hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi, hiếp dâm người dưới 16 tuổi cũng đã được quy định trong BLHS 2015 (sửa đổi) nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Ngoài ra, việc bổ sung thêm tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm là rất cần thiết nhằm hạn chế tội phạm xâm hại tình dục trẻ hiện nay.

“Với những quy định này, khi BLHS 2015 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ là công cụ pháp lý để xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm cũng như các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em” – Luật sư Lê Hồng Vân nhận xét.

Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, ngoài nội dung trên, một trong những điểm mới trong BLHS 2015 (sửa đổi) là quy định xử lý hình sự với các hành vi vi phạm Luật an toàn thực phẩm. BLHS 2015 (sửa đổi) đã lựa chọn hình sự hóa một số hành vi cấm trong sản xuất thực phẩm mang tính phổ biến có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người hoặc hành vi nhập khẩu, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm an toàn, nhằm tránh xử lý hình sự quá rộng, dễ lạm dụng xử lý tràn lan nhưng cũng bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn" sẽ bị xử lý hình sự

Bên cạnh đó, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ.

Phân tích về quy định này, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có nhiều điểm mới, tiến bộ, khắc phục được những hạn chế, bất cập của quy định của BLHS năm 1999 về tội phạm này bằng cách tội phạm hóa các nhóm hành vi phạm tội mới về an toàn thực phẩm (sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật mà biết rõ là cấm sử dụng; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh để chế biến thực phẩm)…

Bên cạnh đó, điều luật đã cụ thể các quy định mang tính định tính, chung chung, không rõ ràng trong BLHS năm 1999 như “chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng; gây hậu quả rất nghiêm trọng; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” sang quy định mang tính định lượng, cụ thể, rõ ràng (gây ngộ độc cho từ 5-20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% -60%). Ngoài ra, BLHS 2015 (sửa đổi) còn quy định cụ thể, khoa học các dấu hiệu định tội, giúp phân biệt rõ tội phạm với vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Ngoài các quy định mới nêu trên, BLHS 2015 (sửa đổi) còn bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép do thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Sau khi thông qua BLHS 2015 (sửa đổi), Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành BLHS. Theo Nghị quyết này, kể từ 1-1-1-2018, BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ có hiệu lực thi hành.

“Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật, Quốc hội đã giao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp. Mong rằng với sự nghiêm túc, nỗ lực của các đơn vị có liên quan, BLHS 2015 (sửa đổi) sẽ sớm đi vào cuộc sống” – Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.