Tạo dựng doanh thu "ảo" chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

ANTD.VN - Thiết lập các hợp đồng khống, luân chuyển doanh số “ảo” lên đến hàng nghìn tỷ đồng để được xếp hạng tốt, Đạt và vợ đối tượng đã dễ dàng “qua mặt” ngân hàng và Công ty Gang thép Thái Nguyên. Bằng thủ đoạn đó, cặp vợ chồng này đã chiếm đoạt được hàng trăm tỷ đồng. 

“Qua mặt” ngân hàng bằng tiền “ảo”

Ngày 26-10, TAND TP Hà Nội đưa Nguyễn Quốc Đạt (SN 1976) và vợ đối tượng là Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1977), đều trú ở xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội ra xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan, 3 bị cáo vốn là cán bộ của Công ty Gang thép Thái Nguyên và 4 cán bộ Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Hà Nội, trong đó có Hoàng Kim Ngọc, từng giữ chức Giám đốc Phòng Giao dịch Quang Minh lần lượt bị đưa ra xem xét về các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.  

Nguyễn Quốc Đạt (đứng) cùng các bị cáo liên quan

Tài liệu truy tố cho thấy, năm 2003, Nguyễn Quốc Đạt thành lập Công ty Hồng Trang và giữ chức giám đốc, còn Nguyễn Thị Hồng Nhung (vợ Đạt) đảm nhiệm vai trò kế toán trưởng. Gần 5 năm sau, Nhung đứng tên thành lập thêm Công ty Lưỡng Thổ và kinh doanh các mặt hàng thép là chủ yếu.

Việc thành lập các pháp nhân nêu trên, thực chất chỉ để vợ chồng Đạt ký các hợp đồng mua bán thép giữa hai doanh nghiệp và luân chuyển tiền qua lại với doanh số “ảo” nhằm tạo ra dòng tiền lớn qua tài khoản ở BIDV - Chi nhánh Tây Hà Nội. Đơn cử, năm 2009, Công ty Hồng Trang chỉ có doanh thu 200 tỷ đồng nhưng ngay năm sau, con số đó tăng lên đến 1.600 tỷ đồng.

Bằng việc tạo ra doanh số “ảo”, Công ty Hồng Trang được Hội đồng tín dụng ngân hàng phê duyệt xếp hạng AA. Doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu tiên khi ký các hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng. Theo đó, tài sản đảm bảo chỉ cần từ 50%-30% giá trị là được bảo lãnh.

Lợi dụng hợp đồng mua bán thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên - Chi nhánh Hà Nội (thông qua 2 pháp nhân), thư bảo lãnh, hợp đồng tín dụng với BIDV Tây Hà Nội, Vietcombank, Đạt và vợ đối tượng đã mua rồi nhận đủ 32.984 tấn thép. Sau đó, Đạt và vợ nhanh chóng bán hết, thu tiền về nhưng lại không trả tiền mua hàng hóa. Qua đó, cặp vợ chồng giám đốc này đã chiếm đoạt 210,9 tỷ đồng.

Cán bộ tín dụng quá… dễ dãi?

Cũng theo tài liệu truy tố Nguyễn Quốc Đạt cùng các bị cáo liên quan, để xảy ra vụ án này, có phần trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên ngân hàng và Công ty Gang thép Thái Nguyên – Chi nhánh Hà Nội. Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về 7 bị cáo cùng bị truy tố trong vụ án vợ chồng Đạt.

Cụ thể, quá trình cho vay vốn và bảo lãnh thanh toán đối với Công ty Lưỡng Thổ cũng như Công ty Hồng Trang, Phòng giao dịch Quang Minh (BIDV Tây Hà Nội) đã nhận định, đánh giá xếp hạng doanh nghiệp không chính xác, phát hành thư bảo lãnh thanh toán và cho vay vượt giá trị tài sản đảm bảo.

Điển hình như việc phát hành Chứng thư bảo lãnh cho Công ty Lưỡng Thổ thực hiện hợp đồng mua bán thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên – Chi nhánh Hà Nội. Khi ấy, Giám đốc chi nhánh BIDV ký thư bảo lãnh số tiền 75 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp trị giá chỉ là 50 tỷ đồng.

Về sau, khi Công ty Lưỡng Thổ nại lý do khó khăn, Chi nhánh BIDV Tây Hà Nội tiếp tục gia hạn nợ thêm 3 lần, đồng thời còn cho phép doanh nghiệp hoán đổi tài sản đảm có giá trị thấp hơn tài sản ban đầu. Đó là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ tiết kiệm, có tổng giá trị hơn 34 tỷ đồng.

Trước, trong và sau khi cấp bảo lãnh, gia hạn bảo lãnh, các nhân viên, cán bộ của Phòng giao dịch Quang Minh cũng không kiểm soát hoạt động kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số lãnh đạo, cán bộ ngân hàng còn có hành vi đề xuất giải chấp tài sản trái quy định và cấp bảo lãnh thanh toán vượt quá giá trị tài sản đảm bảo.

Đối với nhóm cán bộ Công ty Gang thép Thái Nguyên – Chi nhánh Hà Nội thì làm giả tài liệu xin cấp hàng từ công ty với phương thức lấy các bản fax cũ. Hậu quả là chi nhánh đã bán thép cho doanh nghiệp của vợ chồng Đạt vượt quá giá trị bảo lãnh của ngân hàng, gây thất thoát số tiền 21,1 tỷ đồng.

Về số tiền hàng trăm tỷ đồng chiếm đoạt, Đạt và vợ bị cáo khai, đã dùng một phần để thanh toán nợ gốc, lãi cho ngân hàng và chi trả lương nhân viên. Ngoài ra,  các bị cáo còn dùng để trả nợ ngoài xã hội, song lại không xác định được đã trả tiền cho những ai.

Với nội tình vụ án nêu trên, sau quá trình thẩm vấn, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm xác định lại tội danh đối với Nguyễn Quốc Đạt và vợ bị cáo này. Mặt khác, tòa cũng đề nghị VKSND cùng cấp xem xét thấu đáo hơn trách nhiệm của những cán bộ BIDV trong vụ án.