Súng, lựu đạn... giả bán tràn lan trên thị trường

ANTĐ - Với giá dao động từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng là bất kỳ ai cũng có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi từ hình súng, lựu đạn đến các viên đạn đơn, đạn đôi, đạn ba được rao bán tràn lan trên thị trường. Sản phẩm này có thể mua trực tiếp ngoài thị trường đến việc đặt hàng qua mạng Internet. Số lượng muốn bao nhiêu cũng  được cung ứng đầy đủ.

Tiêu hủy đồ chơi bạo lực

Biến tướng của đồ chơi

Qua khảo sát, tìm hiểu của chúng tôi tại con phố tập trung bán nhiều đồ chơi cho trẻ em - Lương Văn Can, Hà Nội - thì được biết: đây là những sản phẩm đồ chơi “độc”, phục vụ nhu cầu, sở thích của thanh thiếu niên chứ không nhắm vào số đông trẻ em. Những sản phẩm này được trá hình dưới những chiếc bật lửa gas có hình súng K54, colt xoay, lựu đạn, dao găm bấm với nhiều kích cỡ khác nhau có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Lần theo một trong rất nhiều những shops kinh doanh mặt hàng này trên mạng, chúng tôi liên lạc được với một “nhánh” cung cấp những chiếc bật lửa có đầy đủ các thương hiệu, kiểu dáng “độc - lạ”. Người cung ứng sản phẩm còn “đính kèm” thêm những hộp nguyên liệu chứa gas, xăng để phục vụ nhu cầu người chơi. Mua bán thoải mái, dễ dàng.

Với nền công nghệ tiên tiến, xuất hiện ngày một nhiều các loại đồ chơi bạo lực được sản xuất đến mức tinh xảo được “du nhập” bất hợp pháp vào nước ta. Thế nên súng ống, gươm đao, lựu đạn, đạn dược được làm y như thật với tỉ lệ 1/1 thì không chỉ còn là đồ chơi nguy hại mà còn bị bọn tội phạm sử dụng để gây án.

Theo quy định thì loại đồ chơi nguy hiểm này đã bị cấm song trên thực tế thì thị trường vẫn có bán và cung cấp đủ theo nhu cầu. Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết theo Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định danh mục hàng cấm nhập khẩu, trong đó có đồ chơi trẻ em có ảnh hưởng xấu đến giáo dục nhân cách, đến trật tự an toàn xã hội; và Quyết định số 464 của Bộ Nội vụ ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm trong đó có các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn.

Hiện nay cơ quan quản lý thị trường vẫn mở những đợt truy quét, thu giữ loại hàng cấm này nhưng trước lợi nhuận lớn trong kinh doanh mang lại, tình trạng buôn bán các loại vật dụng nguy hại nói trên vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. 

Những vụ án từ súng đồ chơi

Ngay trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có không ít những vụ án mà đối tượng dùng súng, dao găm giả để đi cướp. Điển hình là vụ đối tượng liều lĩnh cầm súng vào đe dọa chủ cửa hàng quần áo ở 38 Hàng Gà, Hà Nội, sau khi bị phát hiện dùng súng giả, đối tượng lập tức rút dao bấm trong người ra khống chế và cướp hàng chục triệu đồng cùng tư trang rồi bỏ chạy bằng xe máy.

 Chưa có một thống kê cụ thể nhưng có rất nhiều những vụ việc đã xảy ra được lực lượng công an điều tra, cơ quan truyền thông đăng tải từ thiếu nợ lô đề, mang súng giả, súng nhựa đi cướp tiệm vàng, cướp xe ôm, taxi…; kể cả các đối tượng cũng sử dụng những thứ vũ khí giả này để thị uy và cướp ma túy, tiền, thuốc lắc của chính những đối tượng khác. Chính từ những diễn biến này mà rất nhiều những người dân đã đặt câu hỏi: “Mang súng giả đi cướp thì phạm tội gì?” đến các diễn đàn giải đáp pháp luật của các văn phòng luật sư trên cả nước, và câu trả lời được giải đáp là: “Cướp bằng súng giả vẫn bị tội như cướp bằng súng thật”. 

Câu chuyện của chị Hoàng Thị Giang, ở xóm 12, thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội đã bị một tên cướp đầu đội mũ, đeo khẩu trang che kín mặt, tay mang găng tay cầm 1 khẩu súng ngắn hung hãn gí vào đầu khống chế để cướp tiền. Đến khi bị khống chế thì phát hiện ra khẩu súng mà tên cướp dùng trong tay chỉ là súng… nhựa. 

Thực tế, ngoài những loại súng giả thực chất là đồ chơi bán cho trẻ em không có tác dụng gì, thì một số vụ cướp mà đối tượng bị khống chế, cơ quan chức năng còn phát hiện một loại súng đồ chơi mà vẫn bắn được đạn với tỉ lệ sát thương nhẹ. Loại súng này được sản xuất với kích thước, hình dáng không khác gì súng thật, có đạn nhựa, hộp tiếp đạn và khi bắn ở khoảng cách gần có khả năng gây sát thương cho người và động vật.

Các đối tượng thường mua loại hung khí… giả này về để thực hiện hành vi bắt cóc con tin, tống tiền đòi tiền chuộc. Và trong những hoàn cảnh bị đe dọa, khống chế, hầu hết bị hại đều rơi vào trạng thái bất ngờ, hoảng hốt nên ít ai có thể phân biệt được súng giả hay súng thật. Đánh vào tâm lý đó, cộng thêm việc mua bán thứ đồ chơi nguy hiểm bị cấm một cách dễ dàng nên các đối tượng thường “lựa chọn” phương án này để thực hiện hành vi phạm tội, nếu có “biến” các đối tượng mới sử dụng hung khí thật mang theo khống chế nạn nhân nhằm thực hiện bằng được động cơ đã vạch sẵn từ trước…

Ngăn chặn mối nguy hiểm thật

Tuy không bày bán công khai, dễ để lọt vào tầm ngắm như những sản phẩm đồ chơi thông thường, nhưng trên các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Lương Văn Can, khu vực chợ Đồng Xuân… vẫn có thể tìm thấy những đồ chơi bạo lực nằm trong danh sách cấm như súng ống, dao kiếm, lựu đạn, những thứ vũ khí được trang bị giống trong các trò game online tại đây. Để đối phó với cơ quan công an và lực lượng quản lý thị trường, những loại súng bán đạn nhựa cứng, súng chiếu tia laze, lựu đạn, súng ngắn, súng trường, các khẩu M16, AK47, M700… được làm y như thật đều sẵn có để bán “chui” nếu khách hàng gợi ý hỏi mua.  

Không phải đến giờ các cơ quan chức năng mới lo ngại rằng những hung khí giả được làm y như thật này rất dễ bị các đối tượng xấu sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội; nhưng để “khai tử” và làm “sạch” thị trường thì lại là một câu chuyện không dễ. Đồ chơi bạo lực thường được nhập lậu và đưa vào thị trường Hà Nội bằng cách trà trộn trong các lô hàng buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới như Tân Thanh, Móng Cái... Các đối tượng buôn lậu thường “đánh hàng” về các tỉnh giáp ranh Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh… sau đó mới “chia hàng” và đưa vào tiêu thụ trong nội thành.

Trong khi đó các chủ hộ kinh doanh, buôn bán những mặt hàng này thường có thủ đoạn quảng cáo trên những trang rao vặt miễn phí trên Internet, người mua sẽ liên lạc qua nhiều sim điện thoại rác rồi được rao hàng tận nơi để đối phó với các cơ quan chức năng.

Thực tế, hàng năm lực lượng Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch và mở đợt cao điểm nhằm vào các “ổ” buôn bán hàng lậu trong đó có sản phẩm đồ chơi bạo lực song bằng nhiều con đường, bằng nhiều thủ đoạn, đồ chơi bạo lực vẫn có mặt ở Việt Nam.

Thực tế hàng năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đều yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chủ động nắm bắt tình hình thị trường, đặc biệt là kiểm tra trên các tuyến đường lưu thông và tại các kho hàng, cửa hàng phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh đồ chơi nhập lậu, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồ chơi chưa được chứng nhận hợp quy, không có tem hợp quy.

Đặc biệt thời điểm trước dịp Tết Trung thu khoảng một vài tháng là các đối tượng đã tuồn hàng về “ém” sẵn chờ thời cơ tung ra thị trường nên công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu này luôn được thực hiện mang tính “dài hơi” chứ không phải theo kỳ cuộc. 

Tuy nhiên, trên thị trường loại đồ chơi này vẫn tồn tại. Điều nguy hiểm hiện nay là  mục đích sử đồ chơi không còn mang ý nghĩa để chơi mà đã trở thành phương tiện để các đối tượng lợi dụng sử dụng như hung khí thật để gây án. Và các vụ án đã xảy ra cũng nguy hiểm không khác gì trong tay đối tượng có súng thật. Trong khi đó súng đồ chơi lại được sản xuất chẳng khác gì súng thật. Và một diễn biến mới của tội phạm sử dụng phương thức bán loại hàng hóa này qua mạng tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Đây là điều các cơ quan chức năng cần lưu ý để có những phương án đấu tranh phòng ngừa đối với việc kinh doanh hàng cấm này.

Trước nỗi lo hung khí giả, mối nguy hiểm thật, cộng thêm đồ chơi bạo lực vẫn tràn vào thị trường đòi hỏi các lực lượng chức năng như cơ quan Quản lý thị trường, đặc biệt là chính quyền, công an các địa phương ngoài việc kiểm tra, quản lý chặt chẽ, xử phạt mạnh tay thì cũng cần triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh cam kết không buôn bán, tàng trữ các loại đồ chơi bạo lực nhằm phòng ngừa tội phạm sử dụng đồ chơi bạo lực gây án. Song điều quan trọng nhất vẫn là phải “chặt đứt” các đường dây buôn lậu đồ chơi bạo lực ngay từ gốc.