Sự thật về người đàn bà chuyên "bỏ bùa" để chiếm đoạt tài sản

ANTĐ - Ngày 2-10, Phan Ngọc Phượng (SN 1970, ở quận 7, TP.HCM, tạm trú huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bị các thành viên của CLB Săn bắt cướp TP.HCM bắt giữ khi đang lừa đảo tại một cửa hàng bán sữa trên đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp. Ít ai biết người đàn bà 45 tuổi này, trong những năm qua là nỗi “khiếp sợ” đối với nhiều cửa hàng, đặc biệt là các cửa hàng ĐTDĐ ở TP.HCM và Bình Dương với chiêu lừa đảo mà nhiều người tin là có... bùa. 

Sự thật về người đàn bà chuyên "bỏ bùa" để chiếm đoạt tài sản ảnh 1Tang vật thu giữ trong túi xách của bà Phượng có 2 con dao

Người đàn bà bí ẩn 

Anh Lâm Hiếu Long - đội trưởng CLB Săn bắt cướp TP.HCM kể, một tháng trước, anh nhận được thông tin trên mạng xã hội về một người phụ nữ (sau này mới biết là Phan Ngọc Phượng) đã lấy trộm ĐTDĐ iPhone 6 ở một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, quận 10 (TP.HCM). Chủ cửa hàng đã chia sẻ đoạn clip từ camera bảo vệ liên quan đến hành vi của Phượng. Ngay sau đó anh Long đã xin phép chủ cửa hàng chia sẻ lại đoạn clip này trên trang facebook chung của CLB nhằm giúp cho nhiều người tăng cường cảnh giác.

Ngay sau đó có nhiều người gọi điện thoại cho anh Long thông báo đã từng bị Phượng lừa đảo. Hầu hết trong số họ là nhân viên, quản lý và chủ của các cửa hàng ĐTDĐ ở TP.HCM, và một số cơ sở buôn bán các mặt hàng khác. Đặc biệt có nhiều trường hợp qua xem clip xác nhận việc đã bị Phượng lừa đảo từ nhiều năm trước. Những nhân viên tại các cửa hàng từng bị lừa đảo đều cho rằng bị Phượng bỏ bùa khi gây án. Một thời gian sau đó, một nhân viên tại cửa hàng ở Bình Dương gọi điện cho anh Long thông báo, Phượng đang xuất hiện tại đây và có ý định tiếp tục gây án.

Sự thật về người đàn bà chuyên "bỏ bùa" để chiếm đoạt tài sản ảnh 2

Anh Long yêu cầu nhân viên trên tìm mọi cách giữ chân Phượng để anh có mặt tìm hiểu thông tin, nhưng người này đã không thực hiện được. Trong thời gian này có rất nhiều người đã liên hệ với anh Long để chia sẻ về việc bị người đàn bà bí ẩn lừa, chiếm đoạt tài sản. Họ đã chia sẻ các clip từ camera an ninh ở các cửa hàng ghi nhận lại được nhân dạng của Phượng. Thậm chí lực lượng công an ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Bến Tre cũng liên hệ với anh Long để chia sẻ thông tin về Phượng.

Theo lời kể của anh Long, vào sáng 1-10 có một người liên hệ qua điện thoại với anh thông báo Phượng hiện đang có mặt ở Bến Tre. Ngay trưa cùng ngày, anh Long cùng 2 thành viên trong CLB và 2 người chủ các cửa hàng ĐTDĐ từng là nạn nhân của Phượng đã di chuyển bằng ô tô xuống Bến Tre. Ban đầu mục đích của nhóm chỉ là để nhận diện, ghi lại nhân dạng, quy luật hoạt động của người này rồi... ra về, chờ thời cơ thích hợp sẽ bắt giữ hành vi phạm tội quả tang.

Anh Lâm Hiếu Long cho biết: “Do biết được quy luật hoạt động và cách thức gây án của Phượng nên CLB Phòng chống tội phạm quyết phải bắt quả tang hành vi phạm tội của đối tượng”. Sáng ngày 2-10 anh Long liên hệ với nguồn thông tin hỗ trợ ở Bến Tre xác định là  Phượng đang di chuyển lên TP.HCM để... kiếm ăn, lập tức nhóm hiệp sĩ của anh Long có mặt tại bến xe quận 8 để đón lõng. Đúng như tính toán của anh Long, Phượng xuất hiện tại bến xe. Dù đeo khẩu trang kín mít nhưng nhóm hiệp sĩ không mấy khó khăn để nhận dạng. Nhóm của anh Long đã đeo bám theo Phượng di chuyển bằng “xe ôm” trên đường phố.

Chân dung  Người đàn bà chuyên “bỏ bùa” 

Anh Long cùng các thành viên trong CLB đeo bám theo Phượng tới một cửa hàng bán sữa trên đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp. Ban đầu Phượng hỏi mua lượng lớn tã lót trẻ em, sau đó tiếp tục hỏi mua một số hộp sữa có giá trị khoảng 2,7 triệu đồng. Phượng yêu cầu nữ nhân viên cửa hàng theo mình về nhà gần đó lấy tiền. Đi được một đoạn, Phượng yêu cầu nhân viên quay về cửa hàng, rồi sẽ mang tiền đến thanh toán, tuy nhiên nữ nhân viên không đồng ý. Phượng lập tức yêu cầu nhân viên trên gọi điện thoại cho chủ cửa hàng. Khi người chủ vừa nghe máy, Phượng giật lấy ĐTDĐ để nói.

Không biết là Phượng đã nói gì nhưng một lúc thì tắt máy và thông báo với nữ nhân viên đi cùng là chủ cửa hàng đồng ý. Do tin tưởng nên nữ nhân viên quay lại cửa hàng. Tuy nhiên, khi  Phượng vừa định đánh bài chuồn thì bị các hiệp sĩ đường phố đã xuất hiện. Sau khi đã làm việc với cửa hàng, xác định  Phượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, các thành viên CLB hiệp sĩ đường phố liên hệ  với cơ quan công an để bàn giao Phượng cùng tang vật cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Đáng nói khi bị bắt giữ, Phượng tỏ ra bình thản và thừa nhận rất nhiều vụ lừa đảo, trộm cắp từ trước đến nay ở các tỉnh thành, trong đó chủ yếu là TP.HCM. Phượng khai, trước đây từng là một chủ hụi họ lớn tại tỉnh Bến Tre nhưng sau đó bị giật hụi, dẫn đến vỡ nợ. Ngoài ra Phượng có vay mượn một khoản tiền lớn không có khả năng chi trả, sợ bị... xử đẹp nên Phượng đã kiếm sống bằng nghề... lừa đảo, trộm cắp. 

Cứ mỗi sáng,  Phượng đón xe khách đi từ Bến Tre lên bến xe quận 8, TP.HCM. Sau đó tiếp tục đón “xe ôm” và đi bộ lòng vòng khắp các đường phố, chọn mục tiêu là các cửa hàng ĐTDĐ, tạp hóa, tiệm vàng... để dàn cảnh lừa đảo hoặc trộm cắp. Sau đó đến chiều cùng ngày, với chiến lợi phẩm đầy trong túi xách, Phượng lại đón xe về Bến Tre để tiêu thụ. Sau khi nghe tin Phượng bị bắt, hàng loạt chủ các cửa hàng khắp TP.HCM đã tìm đến cơ quan công an để tố cáo việc Phượng đã lừa đảo, trộm cắp tại cửa hàng của họ. Thậm chí những người này còn cung cấp các đoạn clip mà camera tại cửa hàng ghi nhận lại được, thấy rõ hành vi của Phượng. 

Cho đến nay từ lời khai của Phượng cũng như tường trình của nhiều người đã cho thấy, thực ra khi gây án Phượng hoàn toàn không sử dụng bùa phép như mạng xã hội lan truyền về người đàn bà bí ẩn này; thực chất đó là chiêu lừa tinh vi, đánh vào tâm lý cả tin của  người dân.

Anh N - chủ một cửa hàng lớn tại quận 1 cho biết: sáng 19-9, Phượng xuất hiện tại cửa hàng hỏi nhân viên ở đây mua một tivi khoảng 80 triệu đồng. Phượng nói với nhân viên là quen biết với chủ cửa hàng và yêu cầu nhân viên này gọi điện. Khi được nhân viên chuyển tiếp cho nói chuyện với anh N thì Phượng khoe là người nhà của một cán bộ cảnh sát PCCC gần đó. Dù anh N không biết là ai nhưng nghĩ Phựơng cũng giống như là khách hàng  bình thường khác. Chỉ một lúc sau, nhân viên gọi lại cho anh N thông báo, người mua hàng nói việc mua tivi sẽ suy nghĩ lại, trước mắt lấy một ĐTDĐ iPhone 6 và xin giảm giá.

Anh N lại trò chuyện qua điện thoại với nữ khách hàng và qua giọng nài nỉ của người khách, anh đồng ý bớt 200 nghìn đồng. Một lúc sau, nhân viên gọi điện thoại lại cho anh N thông báo tin bị người đàn bà nói trên lừa mất chiếc ĐTDĐ iPhone 6. Sau này anh N tìm hiểu thì được biết, khi vừa lấy Iphone 6, Phượng yêu cầu nữ nhân viên tại cửa hàng theo mình về nhà lấy. Khi đến góc đường Đề Thám - Trần Hưng Đạo, quận 1, Phượng chỉ vào 2 ngôi nhà mặt tiền đóng cửa giới thiệu là nhà của mình.

Sau đó Phượng mời nữ nhân viên vào quán cà phê bên cạnh, giới thiệu là nhà cho thuê. Phượng yêu cầu nữ nhân viên ngồi tại quán để chờ chồng về lấy tiền trả. Ngay khi vừa ngồi xuống, Phượng liền mở ĐTDĐ gọi điện thoại cho anh N cố ý nói to cho nữ nhân viên nghe là “nữ nhân viên đã giao iPhone cho chị rồi nhé. Cái tivi lát giao cho chị rồi tính tiền luôn”. Sau cuộc gọi này, Phượng yêu cầu nhân viên về cửa hàng, sẽ thanh toán một lượt khi nhân viên giao tivi đến. Tuy nhiên sau đó, Phượng đã biến mất cùng chiếc điện thoại.

Trường hợp bà L - chủ cửa hàng buôn bán yến ở quận 1 cũng kể về việc bị Phượng lừa tinh vi. Khi Phượng vào cửa hàng của bà đã đóng vai Việt kiều mua nhiều loại yến khác nhau với tổng giá trị 30 triệu đồng. Sau đó với lý do không mang tiền theo, Phượng đã yêu cầu con gái bà L đi theo mình về nhà gần đó để người nhà xem hàng rồi sẽ đặt mua với số lượng lớn. Dẫn con gái bà L đi một đoạn, Phượng vào một cửa hàng ăn uống gần đó và chỉ trỏ, nói lớn tiếng.

Quay ra Phượng nói với con gái bà L rằng, đây là cửa hàng của mình. Cô bé này tưởng thật vì trực tiếp trông thấy Phượng quát tháo, chỉ trỏ nhân viên. Sau đó Phượng yêu cầu con gái bà L đưa gói yến, và nói tí nữa sẽ qua cửa hàng mua thêm rồi thanh toán một lượt rồi lừa lấy gói yến của bà L. 

Hiện Công an quận Gò Vấp, TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Ngọc Phượng để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời mở rộng điều tra, xác minh hàng loạt vụ trộm, lừa đảo do Phượng thực hiện. Một cán bộ công an cũng xác nhận, hoàn toàn không có chuyện bùa ngải gì ở đây mà  Phượng đã giăng bẫy các nạn nhân dựa vào sự... nổ và đánh vào tâm lý cả tin của họ.