"Soi" tội danh đối tượng truy đuổi, dọa chém khiến nạn nhân ngã xe tử vong

ANTD.VN -  Sau khi bị chém, T. vẫn tiếp tục chở H. bỏ chạy. P. tiếp tục cầm hung khí trên tay nhờ Nguyễn Tấn K. đuổi theo đánh tiếp. T. tiếp tục cho xe chạy thêm khoảng 50m thì bị ngã xuống mương nước tử vong. 

Khoảng 20h30 ngày 27-10, Võ Thành P. (SN 1993) đến quán nước giải khát mua thuốc lá thì gặp Phạm Văn H. (SN 1994) và Lâm Mạnh T. (SN 1995) đang ngồi uống nước trong quán. Khi P. đang chờ lấy thuốc thì H. và T. ra đứng cạnh xe máy của H. nhìn vào quán. P. nhìn về phía T., thì H nói: “Nhìn cái gì?” và hai bên xảy ra cãi vã. Lúc này Lâm Mạnh T. đấm vào mặt P. nên P. bỏ chạy về nhà cách đó khoảng 50m lấy 1 dao tự chế cán bằng sắt dài khoảng 50cm, mũi nhọn, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng để chặn đường H. và T. Khi H. và T. chạy qua vị trí P. đứng thì P. vung dao chém trúng tay T. làm đứt gân tay.

Sau khi bị chém, T. vẫn tiếp tục chở H. bỏ chạy. P. tiếp tục cầm hung khí trên tay nhờ Nguyễn Tấn K. đuổi theo đánh tiếp. T. nói với K.: “Mày chở tao chạy theo mấy thằng đó, tao chém chết nó luôn”. K. quay đầu xe chở P. chạy đuổi theo H. và T. khoảng 2km thì bắt kịp xe của H. Lúc này P. ngồi trên yên xe vung dao chém vào vùng phía sau lưng H., sau đó P. tiếp tục đứng lên gác chân sau xe vung dao chém tiếp 3 lần vào vùng phía sau lưng H. Lâm Mạnh T. tiếp tục cho xe chạy thêm khoảng 50m thì bị ngã xuống mương nước. Sau đó K. chở P. đi về nhà. Phạm Văn H. được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi kết luận H. chết do bị gãy đốt sống cổ, chấn thương sọ não.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này Võ Thành P. đã phạm tội gì?

"Soi" tội danh đối tượng truy đuổi, dọa chém khiến nạn nhân ngã xe tử vong ảnh 1(Ảnh minh họa)

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người 

Trong vụ việc này hành vi của Võ Thành P. và Nguyễn Tấn K. là cố ý phạm tội đến cùng nhằm tước đoạt tính mạng của Phạm Văn H. Cụ thể Võ Thành P. và Nguyễn Tấn K. đã sử dụng xe mô tô, dao tự chế rượt đuổi và chém H. Khi ngồi trên xe máy của K., P. đã nói với K: “Mày chở tao chạy theo mấy thằng đó, tao chém chết nó luôn”, điều đó cho thấy ý chí của P. là muốn giết H. Sau câu nói đó khi K. đuổi kịp xe của H., P. đã chém H. liên tiếp nhiều lần từ phía sau và tôi cho rằng đây là nguyên nhân khiến xe đổ và sau đó H. chết sau khi được đưa đi bệnh viện. Do đó, hành vi này của P. và K. đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Tuấn Hải (Lê Chân - Hải Phòng)

Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người

Hành vi của Võ Thành P. dùng dao tự chế chém người không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng làm Phạm Văn H. chết. Mặc dù hành vi chém người của Võ Thành P. là quyết liệt nhưng hung khí sử dụng không có độ sắc nên không gây thương tích nặng cho Phạm Văn H. Việc Phạm Văn H. tử vong là do vết thương từ vụ ngã xe do Lâm Mạnh T. điều khiển, đồng nghĩa với việc hành vi chém người của P. không trực tiếp gây tử vong cho bị hại. Do đó, Nguyễn Tuấn K. và Võ Thành P. không phạm tội giết người mà chỉ phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự. 

Nguyễn Hồng Hà (Đông Hà - Quảng Trị)

Phạm tội cố ý gây thương tích 

Trước hết, cần xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Phạm Văn H. vì đây là cơ sở quan trọng để xác định tội danh của Võ Thành P. và Nguyễn Tấn K. Kết quả khám nghiệm tử thi kết luận Phạm Văn H. chết do bị gãy đốt sống cổ, chấn thương sọ não, tức là hậu quả của việc tai nạn giao thông, chứ không phải hậu quả của việc P. chém gây thương tích dẫn đến chết người. Thương tích dẫn đến chết người trước hết phải là thương tích nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích này, tức là giữa cái chết của nạn nhân và thương tích mà người phạm tội gây ra cho nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả và hậu quả chết người là ngoài ý muốn của người phạm tội. Tuy rằng hành vi chém người của Võ Thành P. là quyết liệt nhưng thương tích gây ra cho H. không dẫn đến chết người. H. tử vong do vết thương từ vụ ngã xe do Lâm Mạnh T. điều khiển, tức hành vi chém người của P. không trực tiếp gây tử vong cho bị hại. Do đó theo tôi Võ Thành P. chỉ phạm tội cố ý gây thương tích.

Phạm Quốc An (Đồng Đăng - Lạng Sơn)

Bình luận của luật sư

Trước hết chúng ta xét về hành vi của Võ Thành P. trong vụ việc này có thỏa mãn cấu thành tội phạm giết người hay không? 

Theo quy định của pháp luật, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Võ Thành P. đã thực hiện hành vi dùng dao chém vào người H. 4 nhát. Cụ thể: Sau khi P. vung dao chém trúng tay Lâm Mạnh T. làm đứt gân tay, T. tiếp tục chở H. chạy, Nguyễn Tấn K. chở P. đuổi theo chém tiếp vào lưng H. một nhát và đứng lên gác chân sau xe vung dao chém tiếp 3 lần  vào vùng phía sau lưng của H. và tiếp tục đuổi theo đến khi T. bị ngã xuống mương nước. P. đã liên tục chém vào người của H. và hành vi chỉ kết thúc khi xe của H. và T. bị ngã xuống mương nước. Hậu quả, H. chết.

Hành vi phạm tội và hậu quả phát sinh phải có mối quan hệ nhân quả với nhau, hành vi phạm tội phải là nguyên  nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả phát sinh. Trong tình huống này, hành vi chém người của P. không là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của H. Theo kết quả giám định tử thi thì H. chết do bị gãy đốt sống cổ, chấn thương sọ não, đó là vết thương từ vụ ngã xe do Lâm Mạnh T. điều khiển, hành vi chém người của P. không trực tiếp gây cái chết của H., mà chỉ gây thương tích trên người H. Hậu quả chết người là kết quả của chấn thương trong vụ ngã xe.

 Thứ nhất, Võ Thành P. dùng dao tự chế chém vào lưng của H. tuy có độ nguy hiểm nhưng theo chúng tôi là P. đã chém vào vị trí không phải là trọng yếu, vị trí trọng yếu là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Ngoài ra hành vi của P. không nhằm tước đoạt tính mạng của H. và khi T. và H. ngã xuống mương nước, P. đã chấm dứt hành vi của mình, không tiếp tục truy đuổi. Hành vi của P. gây ra cho H. với mục đích muốn gây thương tích, không cố ý tước đoạt sinh mạng của H. Như vậy, theo chúng tôi P. không phạm tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, chúng ta xem xét hành vi của P. thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm cố ý gây thương tích hay ở khung tăng nặng hơn là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng những thương tích hoặc tỷ lệ tổn hại sức khỏe cụ thể. Trong tình huống này, yếu tố gây thương tích thể hiện khá rõ, P. có hành vi tác động đến thân thể H. một cách trái pháp luật, chém 4 nhát vào lưng H. đã gây ra những thương tích. Hành vi của P. là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thương tích trên người H., đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104, Bộ luật Hình sự. 

Xét về yếu tố làm chết người, theo quy định tại khoản 3, Điều 104 thì phạm tội gây thương tích dẫn đến chết người là trường hợp ý thức chủ quan của người phạm tội chỉ muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân chết. Và được hiểu là từ hành vi phạm tội gây ra hậu quả thương tích cho người bị tác động và người đó bị tổn hại đến tính mạng phát sinh từ thương tích được gây ra từ hành vi trên, vì bị thương nặng nên nạn nhân chết chứ không phải vì nguyên nhân nào khác. Cụ thể, nếu H. chết do mất máu từ vết thương, hoặc nguyên nhân trực tiếp từ vết thương do P. gây ra thì trường hợp đó là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Nhưng trong trường hợp này, H. chết do vết thương từ vụ ngã xe do Lâm Mạnh T. chở, dù nguyên nhân của vụ ngã xe là do P. và K. đuổi theo H. để tiếp tục hành vi gây thương tích. T. đã bị đứt gân tay do P. chém trước đó, trong tình trạng vết thương trên tay, lại bị truy đuổi đã khiến T. đã ngã xe, tuy nhiên hành vi của P. không là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của H. Theo chúng tôi thì trường hợp này Võ Thành P. không phải là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự mà chỉ phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên để xác định chính xác hành vi của P. rơi vào khoản nào của Điều 104, Bộ luật Hình sự thì cần căn cứ vào tỷ lệ thương tật mà P. gây ra cho H .thông qua hành vi của mình.

Thứ ba, xét về yếu tố đồng phạm. Theo quy định tại Điều 20, Bộ luật Hình sự thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Khi P. nói với K.: “Mày chở tao chạy theo mấy thằng đó, tao chém chết nó luôn”, K. đã chở P. chạy đuổi theo H. và T. Ta thấy được hành vi của K. đã tiếp nhận ý chí của P., cố ý cùng thực hiện hành vi gây thương tích cho T. và H., K. là người giúp sức cho P. thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, K. cũng phạm tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)