Sau vụ án xét xử Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm: Yêu cầu đòi nhà của bị hại là trái quy định

ANTD.VN - Cách đây ít ngày, TAND TP Hà Nội đã tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga (cựu Chủ tịch HĐQT Housing Group) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng buộc bị cáo này và Công ty Housing Group phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại. 

Dự án B5 Cầu Diễn cỏ dại mọc um tùm

Theo cáo trạng vụ án này, có 501 khách hàng chưa nhận lại số tiền bị chiếm đoạt là trên 242 tỷ đồng. HĐXX quyết định Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group phải bồi thường 187 tỷ đồng, bị cáo Châu Thị Thu Nga bồi thường hơn 54 tỷ đồng. Tuy vậy, hiện vẫn còn không ít bị hại băn khoăn về phán quyết này vì cho rằng mình đã nộp tiền mua nhà thì phải được nhận nhà.

Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt

Phân tích các cơ sở pháp lý dẫn đến phán quyết trên, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy cho rằng, dù một số bị hại có mong muốn lấy nhà chứ không lấy tiền bồi thường, song đề nghị này không đúng với các quy định hiện hành. Bởi, theo Điều 28 - Bộ luật Tố tụng hình sự về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.

Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trong vụ án trên, khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Tòa án áp dụng các nguyên tắc của Luật Tố tụng hình sự và các nguyên tắc của Luật Tố tụng dân sự để giải quyết. Khoản 1 Điều 42 - Bộ luật Hình sự quy định biện pháp tư pháp về trả lại tài sản cho người bị hại nêu rõ: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.

Vì vậy, bị cáo Châu Thị Thu Nga và Công ty Housing Group có nghĩa vụ phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho các bị hại. Mặt khác, Điều 139 - BLHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Từ những căn cứ trên có thể khẳng định, việc ký kết Hợp đồng đặt cọc, Hợp đồng góp vốn, Thỏa thuận vay vốn… giữa bị cáo Châu Thị Thu Nga và các bị hại bị vô hiệu do có hành vi lừa dối. Do vậy, theo Điều 131 - Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Số tiền bị cáo Châu Thị Thu Nga và Công ty Housing Group đã chiếm đoạt của các bị hại là 242 tỷ đồng, nên khi giao dịch vô hiệu, bị cáo Nga và Công ty này phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên cho các bị cáo.

Hợp đồng góp vốn vô hiệu

Đối với trường hợp một số bị hại đề nghị Công ty Housing Group phải có trách nhiệm với họ do họ nộp tiền theo hợp đồng góp vốn và phiếu thu có dấu của công ty, luật sư Nguyễn Đào Tơ cho rằng, quan hệ pháp luật dân sự giữa Công ty Housing Group và các bị hại trong vụ án này về việc chuyển nhượng mua bán căn hộ theo dự án B5 Cầu Diễn sẽ không được thực hiện trên thực tế do Hợp đồng góp vốn giữa hai bên đã vô hiệu toàn bộ.

Khi hợp đồng vô hiệu, Công ty Housing Group có nghĩa vụ hoàn trả  những gì đã nhận cho các bị hại, cụ thể là 187 tỷ đồng (số tiền đã chiếm đoạt). Còn nếu các bị hại vẫn mong muốn nhận nhà thì sẽ phát sinh quan hệ pháp luật dân sự mới đối với chủ đầu tư mới (nếu có) chứ không được giải quyết trong vụ án này. 

Về cơ chế để đảm bảo quyền và lợi ích của bị hại sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Điều 30 - Luật Thi hành án nêu rõ, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Với quy định trên, tính từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật trong thời hạn 5 năm, người bị hại có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án lên cơ quan Thi hành án có thẩm quyền. Sau khi nộp đơn, thi hành án thụ lý đơn yêu cầu, xác minh tài sản. Nếu kết quả xác minh cho thấy bị cáo Nga còn tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan Thi hành án căn cứ vào tình tiết vụ việc để ra quyết định kê biên tài sản, bán đấu giá lấy tiền trả cho người yêu cầu thi hành án theo nội dung bản án.