Lật tẩy thủ đoạn của loại tội phạm… không bao giờ giáp mặt nạn nhân (4):

Quan trọng là nâng cao ý thức bảo mật của mỗi người

ANTD.VN - Trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, tội phạm lợi dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, có yếu tố xuyên quốc gia. Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội đã chủ động thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa hữu hiệu. 

Với vai trò chủ công trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao -  CATP Hà Nội đã khái quát tình hình tội phạm hiện nay, đồng thời đưa ra các giải pháp, nhằm đảm bảo tình hình ANCT và TTATXH.

PV: Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có những diễn biến phức tạp, tinh vi. Đại tá có thể đánh giá khái quát đang “nóng” ở lĩnh vực nào?

Đại tá Lê Hồng Sơn: Qua nghiên cứu thực tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên ở các lĩnh vực như an ninh, an toàn mạng, thông tin, truyền thông, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng điện tử… Cụ thể là một số hành vi sau: các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… sử dụng hình thức VoIP gọi điện cho nạn nhân thông báo đang liên quan đến vụ án nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, và yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra sau đó chiếm đoạt. 

Hành vi các đối tượng là kết bạn làm quen người Việt Nam, giả gửi quà tặng có giá trị (trang sức, tiền mặt…) sau đó tiếp tục giả làm nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp phí nhận quà rồi chiếm đoạt. Bên cạnh đó, cũng đang “nóng” tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách thực hiện hành vi hack (chiếm quyền sử dụng) các tài khoản trên trang mạng xã hội hoặc tạo lập tài khoản có giao diện giống tài khoản người thân của bị hại. 

Trong lĩnh vực thẻ ngân hàng và thanh toán điện tử, có hiện tượng trộm cắp thông tin thẻ ngân hàng để làm thẻ giả rút tiền tại các máy ATM, trả tiền mua hàng, khách sạn... Ngoài ra, một số đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, sử dụng các thiết bị chuyên dụng làm thẻ tín dụng giả; tấn công vào hệ cơ sở dữ liệu của ngân hàng để đánh cắp thông tin, sử dụng phần mềm gián điệp, khai thác lỗ hổng của hệ thống giao dịch ngân hàng...

Theo Đại tá, đâu là khó khăn trong việc đấu tranh với loại tội phạm này?

Trong quá trình đấu tranh, lực lượng cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã gặp một số khó khăn như: thông tin về đối tượng thường là thông tin giả nên việc xác minh gặp nhiều trở ngại. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao còn thiếu và không đồng bộ; chứng cứ điện tử và trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, phân tích, phục hồi, giám định loại chứng cứ này chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường ở nước ngoài hoặc hoạt động ở khu vực biên giới, sau khi thực hiện xong hành vi phạm tội thì trốn về nước. Việc phối hợp với Công an nước bạn kết quả chưa cao. Tài sản sau khi chiếm đoạt các đối tượng thường chuyển qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn cho việc truy nguyên, xác định đối tượng.

Trong một số vụ việc cơ quan Công an kịp thời phong tỏa tài khoản của đối tượng để hạn chế thiệt hại cho người bị hại, tuy nhiên việc hoàn trả lại số tiền bị lừa đảo cho bị hại gặp nhiều khó khăn do phía ngân hàng yêu cầu các thủ tục tố tụng hình sự, nhưng theo luật chưa đủ căn cứ để ra quyết định.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, đơn vị sẽ triển khai công tác gì trong thời gian tới?

Mới đây, đồng chí Giám đốc CATP đã ký ban hành Kế hoạch số 181, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông để hoạt động phạm tội. Công an thành phố nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã quán triệt và xây dựng biện pháp cụ thể triển khai Kế hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng này. Cơ bản vẫn là làm tốt công tác nắm tình hình, công tác điều tra cơ bản. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhằm cảnh báo, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao, đồng thời nâng cao ý thức bảo mật của người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi dùng các dịch vụ trên mạng Internet.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài ngành như ngân hàng, các nhà mạng, viễn thông, cung cấp dịch vụ internet, lực lượng Thanh tra chuyên ngành (Sở VH-TT&DL, Sở Thông tin và truyền thông, Cục Thuế). Đồng thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần bảo đảm giữ gìn an ninh chính tri, TTATXH trên địa bàn Thủ đô.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ chủ động tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc CATP, UBND thành phố, Bộ Công an đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, kinh phí phục vụ công tác trong tình hình mới. Thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn (trong và ngoài nước) cho CBCS để nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ.

Trân trọng cảm ơn Đại tá!