Quan niệm lỗi thời "yêu cho roi cho vọt": Đánh vào mông cũng gây tổn hại tâm thần

ANTD.VN -Một số phụ huynh quan niệm “yêu cho roi cho vọt”, song tìm cách "an toàn" là đánh vào mông, chân, tay con... Tuy vậy, những hành động này vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với trẻ.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ bị chính những người thân trong gia đình bạo hành với thương tích trên khắp cơ thể. Khi được phát hiện, hầu hết những trẻ này đều có tâm lý lo sợ, hoảng loạn, lảng tránh những người xung quanh.

Thực tế một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đập có chỉ số IQ trung bình thấp hơn, kém linh hoạt hơn so với những trẻ không bị bạo hành. Đánh vào mông cũng được cho là có liên quan tới tính hiếu chiến, hành vi chống đối xã hội, các rắc rối về sức khoẻ tâm thần, khó khăn trong nhận thức.

"Việc coi đánh đập, bạo hành trẻ là biện pháp dạy dỗ, giáo dục không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe của trẻ mà còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của chúng, gây tổn thương về tinh thần. Một số trẻ bị đánh đập thường xuyên có biểu hiệu nổi loạn, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Với trẻ nhút nhát, giáo dục bằng bạo lực sẽ khiến trẻ trở nên thiếu tự tin, thậm chí trầm cảm" - Tiến sỹ Tâm lý, bác sỹ Hoàng cẩm Tú nhận định.

Bạo hành gây tổn thương về sức khỏe, tâm lý đối với trẻ

Không ít phụ huynh đang có thói quen đánh vào mông trẻ mà không biết vệc làm này khá nguy hiểm. Nó có thể gây tụ máu quanh hông trẻ, cản trở máu lưu thông, thậm chí gây viêm da hoại tử. Nếu bị tác động bên ngoài quá mạnh, mao mạch ở khu vực này dễ bị chảy máu gây tổn thương các cơ quan khác.

Cũng theo TS-BS Hoàng Cẩm Tú, mô não nằm trong khoang sọ của hộp sọ, qua lỗ magnum kết nối với cột sống con người. Nếu bị tác động quá mạnh vào mông, lực này có thể được truyền qua cột sống atlanto-chẩm doanh, gây ra các biến dạng tổng thể của hộp sọ, hại cho thân não. Do vậy, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh vào mông sau này có thể dễ mắc các bệnh về tâm thần.

Ngoài đánh vào mông, một số phụ huynh còn véo tai trẻ khi trẻ bất hợp tác. Việc làm này có khả năng gây tổn thương sụn tai trẻ, gây nhiễm trùng hoặc tụ máu. Có thể nói, đòn roi không hiệu quả trong việc khiến trẻ nghe lời. Một đứa trẻ thường xuyên bị đòi roi dễ tức giận và có mong muốn trả thù. Nghiêm trọng hơn, trừng phạt bằng đòn roi làm rạn nứt sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái, nó khiến trẻ hình thành nhận thức sai lầm rằng “sức mạnh luôn đúng”, bất cứ ai có thể làm tổn thương những người yếu hơn mình...