Phúc thẩm vụ án 800 tỷ đồng: Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa như thế nào?

ANTD.VN - Chiều 22-6, phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm, xoay quanh hành vi thất thoát 800 tỷ đồng tiếp diễn với phần tranh luận.

Sau phần tranh luận, bào chữa của các luật sư, tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng cũng được quyền nêu quan điểm, tự bào chữa trước bản luận tội của đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố.

“Tôi không đồng tình toàn bộ nội dung kiểm sát viên nêu vì phần lớn nội dung đó đã nêu tại tòa sơ thẩm trước đây. Đó là nhận định thiếu căn cứ, mang tính buộc tội, quy chụp, không công bằng…” – nguyên Chủ tịch PVN khởi đầu phần tự bào chữa.

Tiếp tục tranh luận, bị cáo này cho rằng, cần xem xét vụ án ở  hoàn cảnh cách đây 10 năm. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Nhà nước về 1 tập đoàn kinh tế đa ngành, PVN được đầu tư vào tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, PVN sau đó đã dừng việc thành lập ngân hàng Hồng Việt. “Hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm con người cho việc thành lập ngân hàng là hệ lụy phải giải quyết” bị cáo Thăng phân trần.

Theo bị cáo Thăng, việc xem xét vụ án phải thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự mới với nguyên tắc tìm chứng cứ, suy đoán vô tội. VKS chỉ nêu, tìm các chứng cứ buộc tội. Ví dụ trong 1 trận bóng đá không phải cứ chạm tay trong vòng cấm địa là phạt đền...

Bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch PVN tự tranh luận, bào chữa tại phiên tòa.

Việc PVN đầu tư vào Oceanbank là đúng chủ trương, đúng pháp luật được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện và ngay cả khi Chính phủ có nghị định 09 là HĐQT được quyền quyết định đầu tư vào tài chính ngân hàng không quá 20% vốn điều lệ. Như vậy, từ lần 2 trở đi PVN không phải xin phép nhưng thực tế vẫn xin phép. PVN được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan trước khi chuyển tiền đầu tư.

Về hiệu quả đầu tư, bị cáo Thăng lập luận, trước hết đã xử lý hơn 300 tỷ đồng PVN bỏ ra và đội ngũ cán bộ viên chức của ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt sang làm việc tại Oceanbank. Việc đầu tư này có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho PVN và lợi ích cho đất nước vì PVN là tập đoàn 100% vốn Nhà nước. 5 năm liên tục, từ 2009 - 2013 đều được chia cổ tức.

Như vậy, phải khẳng định đầu tư này có hiệu quả, đúng chủ trương, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan đồng ý. Đây là tiền thật chứ không phải như VKS nói là tiền ảo. “Tiền ảo bitcoin mới xuất hiện vài năm thôi, tiền này có từ 2009. Nếu là tiền ảo thì tôi đồng ý với lập luận của VKS nhưng đây là tiền thật” – bị cáo Thăng nói.

Về vấn đề thoái vốn,  nguyên Chủ tịch PVN phân trần, chính vì PVN thực hiện đề án thoái vốn nên nỗ lực đi tìm đối tác để mua cổ phần ở Oceanbank. Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng sau đó nửa tháng lại không đồng ý. “Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì PVN đã bán được, không lỗ. Đây là vấn đề thật” – bị cáo giữ  vai trò lớn nhất trong vụ án khẳng định.

Tự bào chữa, bị cáo Thăng đề nghị VKS xem xét lại vì bị cáo chuyển công tác từ tháng 8-2011. “Khi tôi chuyển công tác thì mọi việc đều tốt đẹp, lợi tức từ tiền đầu tư vào ngân hàng được chia đến năm 2013” – nguyên Chủ tịch PVN thắc mắc. Theo bị cáo Thăng, năm 2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn xếp Oceanbank là loại A; năm 2012 và 2013 là loại B. Việc này là NHNN đánh giá, không phải PVN.

Vào cuối phần tự bào chữa, nguyên Chủ tịch PVN có quan điểm “chốt” lại là thỏa thuận 6934 (góp vốn vào Oceanbank) không phải quyết định đầu tư vì nếu là quyết định nó phải ghi là quyết định. Bị cáo cho rằng ký đúng thẩm quyền, với tư cách cá nhân chủ tịch chứ không phải thay mặt HĐQT PVN. Nội dung thỏa thuận nói rõ 2 bên có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền. PVN phải báo cáo HĐQT và Thủ tướng Chính phủ…

“Trong kinh doanh, trong kinh tế thị trường phải biết chớp cơ hội. Tôi cho rằng đây là một cơ hội để giải quyết hệ lụy Hồng Việt. Việc ký không vi phạm, đây là cơ sở tôi báo cáo HĐQT và trong thỏa thuận không có điều khoản ràng buộc” – bị cáo Thăng nhận định.

Tiếp tục lập luận về chủ trương đầu tư vào ngân hàng, bị cáo Thăng nói: “Lẽ ra việc của tôi và HĐQT để xử lý hệ lụy do thay đổi chủ trương của Chính phủ phải được đánh giá cao thì lại là căn cứ buộc tội… Nếu không xử lý được Hồng Việt thì ai là người chịu trách nhiệm”?

Ngoài ra, tỏ rõ sự “không phục” quan điểm của đại diện VKS, nguyên Chủ tịch PVN còn đề cập đến nhiều nội dung liên quan, trong đó văn bản của Bộ Tài chính; việc góp vốn lần 3 vào Oceanbank và việc  NHNN mua Ngân hàng TMCP Đại Dương với giá 0 đồng.