Phúc thẩm vụ án 800 tỉ đồng: Bị cáo Đinh La Thăng nói mình không có tội

ANTD.VN - Ngày 23-6, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm, xoay quanh hành vi gây thất thoát 800 tỉ đồng chuyển sang phần nghị án kéo dài.

Không kiềm chế được lòng tham

Trước khi HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào chiều 26-6 tới đây, nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng và đồng phạm lần lượt được nói lời sau cùng.

Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng chậm rãi, trong suốt 35 năm công tác, tôi luôn nỗ lực cố gắng, phấn đấu rèn luyện, hành động quyết liệt vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Khi làm Chủ tịch HĐQT/HĐTV, tôi luôn nỗ lực đưa PVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, hàng đầu của đất nước, là đầu tàu kinh tế của đất nước, có nhiều đóng góp, trở thành điểm sáng, chứng minh vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản thân không có tội.

Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, việc góp vốn đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) là giải pháp tình thế cho sự thay đổi chính sách của Chính phủ. Để xử lý hệ lụy, PVN tìm đối tác đầu tư và Oceanbank và đã được đồng ý nên việc đầu tư đó của PVN là đúng chủ trương, đúng pháp luật và hiện đã được khẳng định.

Vào cuối phần lời nói sau cùng của mình, nguyên Chủ tịch PVN cho rằng bản thân chuyển công tác từ tháng 8-2011 và việc bảo toàn đồng vốn khi đó đã hoàn thành. Sau này, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, PVN xin thoái vốn, lúc đầu Chính phủ đồng ý nhưng sau đó lại không đồng ý.

“Vì vậy, tôi đề nghị HĐXX xem xét giải quyết vụ án công tâm, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Bản thân tôi dù làm việc gì cũng tôn trọng pháp luật, không bao giờ cố ý làm trái... Do đó, tôi khẳng định mình không có tội” – nguyên Chủ tịch PVN nói.

Đến lượt mình, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán,  kiểm toán PVN) khẩn khoản, bị cáo có 37 năm công tác trong ngành dầu khí, có một số cống hiến nhất định. Trong thời gian bị bắt, bị cáo rất ăn năn, hối cải. Việc phạm tội của bị cáo, một phần do yếu kém về mặt chuyên môn, tin tưởng cấp dưới và phục tùng cấp trên.

“Bị cáo thấy thật xấu hổ khi không kiềm chế được lòng tham để nhận tiền bất chính, đi ngược lại truyền thống của gia đình… Bị cáo mong tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức án phù hợp, giúp bị cáo sớm được trở về với gia đình để chữa bệnh” – nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán, kiểm toán PVN thỉnh cầu.

Đối với 4 bị cáo tiếp theo là Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức và Nguyễn Xuân Thắng (đều nguyên Thành viên HĐTV PVN) cũng lần lượt nói lời sau cùng với mong muốn HĐXX phúc thẩm xem xét tính chất, mức độ phạm tội để giảm nhẹ hình phạt so với bản án sơ thẩm hoặc phán xét công bằng, khách quan đối với các bị cáo.

Cố ý làm trái… là không oan

Ngay trước đó, đối đáp trước các quan điểm, ý kiến của các luật sư cũng như các bị cáo, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố khẳng định: “Chúng tôi không quy chụp cho các bị cáo Đinh La Thăng. Tội Cố ý làm trái, trước tiên phải đi vào hành vi phạm tội của các bị cáo, rồi mới đến hậu quả gây ra”.

Nguyên Chủ tịch PVN và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm.

Đánh giá cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhìn nhận, về hành vi của các bị cáo ở lần góp vốn thứ 1 là bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận 6934 nhưng không có ý kiến của các thành viên HĐTV. Tiếp đến, ngày 1-10-2008, bị cáo ký Nghị quyết 7289 về tham gia góp vốn vào Oceanbank 400 tỉ đồng trước ngày xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ 1 ngày.

Ở lần góp vốn thứ 2, bị cáo Đinh La Thăng đã ủy quyền cho bị cáo Vũ Khánh Trường ký nghị quyết cho phép góp vốn và đề nghị Thủ tướng cho phép tăng vốn. Sau đó, Văn phòng Chính phủ mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Tổng hợp ý kiến này cho thấy, bị cáo Thăng không thông qua HĐQT, không họp và ra nghị quyết khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tương tự, ở lần góp vốn thứ 3 vào Oceanbank, bị cáo Thăng nói có đi công tác nên không biết.

Tuy nhiên theo lời khai của các nhân chứng, dự thảo nghị quyết  góp vốn lần này có chuyển trực tiếp cho Chủ tịch PVN. Như vậy, bị cáo Đinh La Thăng có biết sự việc.  Do đó, việc quy kết bị cáo này phạm tội “Cố ý làm trái…” là không oan.

Đối với Ninh Văn Quỳnh, VKS đánh giá, trong suốt 3 lần góp vốn, bị cáo này đã trình, chỉ đạo và tham mưu cho ban tài chính kế toán để từ đó cho ra nhiều văn bản và để HĐQT ký văn bản quyết định chuyển tiền góp vốn. Như vậy, bị cáo Ninh Văn Quỳnh đồng phạm trong tội “Cố ý làm trái…” là không oan.

Với tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, từ năm 2009 đến năm 2013, bị cáo Quỳnh là kế toán trưởng đã nhận 20 tỉ đồng chi lãi ngoài từ Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, nguyên Phó TGD PVN).

Trong phiên xử, bị cáo Sơn khai đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh hơn 180 tỉ đồng. “Nếu bị cáo Quỳnh không phải là người có chức vụ, quyền hạn thì Sơn sẽ không chuyển tiền cho Quỳnh. Ở tội này, bị cáo phạm tội là không oan” – KVS khẳng định.

Ngoài ra, theo VKS việc mua 0 đồng Oceanbank của Ngân hàng Nhà nước là đúng quy định của pháp luật. Tiền của PVN là có thực, số tiền chuyển đi và nhận về là có thật nhưng theo kết luận, lãi của Oceanbank là không có thật.

“Các bị cáo kháng cáo không có kháng cáo kêu oan. Nếu có tình tiết giảm nhẹ và áp dụng các điều kiện có lợi cho các bị cáo thì đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng” – đại diện VKS nói.