Ô tô "bốc hơi" vì muôn kiểu chủ quan

ANTĐ - Mất trộm ô tô giờ đã không còn là chuyện lạ, kẻ trộm thấy có cơ hội là sẵn sàng lấy đi  từ dòng xe “cà tàng” đến phương tiện hàng tỷ đồng. Có chăng sự “lạ” là ý thức mất cảnh giác đáng trách của chủ xe, luôn nghĩ rằng ô tô thường khó bị mất.

Hai anh em Quý, Thương và tang vật 1 vụ trộm cắp xe ô tô

Mất từ ngoài đường đến trong sân

Ly kỳ và thời sự nhất là vụ “nẫng” chiếc xe tải khá mới của anh Nguyễn Viết Bắc (SN 1977, trú tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) xảy ra sáng 23-7 tại ở khu vực cổng chợ thôn Vàng, xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội. Chiếc xe đời mới, ngoài khóa điện điều khiển từ xa, anh Bắc còn có thói quen (mà không ít chủ xe ô tô mắc phải) là cắm yên vị 1 chìa khóa ở ổ điện. Mở cửa lên xuống xe chỉ việc nhấn điều khiển từ xa, rồi cứ thế xoay chìa khi đã ngồi ở ghế lái. 

Thói quen này chỉ “tiện” ở nơi có người trông giữ, còn khi đã để ở khu chợ thôn Vàng không ai trông giữ, chiếc xe tải đã lọt vào tầm ngắm của anh em ruột Lê Đình Quý (SN 1985 - có 1 tiền án về tội chống người thi hành công vụ) và Lê Đình Thương (SN 1994), cùng quê quán xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, hiện ở trọ trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Nhà Quý, Thương cũng có chiếc xe tải làm dịch vụ chở thuê hàng nên 2 anh em đều lái được ô tô. Nhiều lần qua lại địa bàn Cổ Bi, 2 đối tượng phát hiện sơ hở của chủ xe, chìa vẫn cắm mà lại không có người trông giữ, nên máu tham nổi lên. Khoảng 10h ngày 23-7, Quý - Thương đèo nhau bằng xe máy đến vị trí xe đỗ. Quan sát xung quanh không có ai, Quý dùng gạch đập vỡ kính, nổ máy phóng chạy, còn Thương bám theo.

Đến khu vực vắng người, 2 đối tượng dừng xe, tháo biển số xe vứt đi và dán đề can biển số mới (đã chuẩn bị trước) vào xe. Xong xuôi, Quý điều khiển chiếc xe gian theo đường hướng cầu Đông Trù sang huyện Sóc Sơn. Đến đoạn đường gần sân bay Nội Bài, do chạy với tốc độ cao nên chiếc xe tải đã bị CSGT phát hiện, ra hiệu lệnh dừng xe. Bỏ chạy quãng đường dài bất thành, Quý buộc phải vứt lại xe trốn thoát.

Hành vi và hành trình trốn chạy của Quý có thể đã trót lọt, nếu đối tượng không chơi “nước cờ” tưởng cao, nhưng lại rất… thấp. Đó là trong khi lấy xe và bỏ chạy, Quý gọi cho anh Bắc theo số điện thoại ghi trên thành xe tải, rằng xe đang bị tai nạn ở Hải Dương, nhằm đánh lạc hướng sự truy đuổi, tìm kiếm của khổ chủ. Và cuộc điện thoại ấy chính là một trong những manh mối quan trọng giúp CQĐT CAH Gia Lâm phá án 2 ngày sau đó, bằng việc bắt giữ Lê Đình Quý, Lê Đình Thương.

Một vụ trộm xe ô tô khác từng gây “nóng” dư luận, xảy ra ngay giữa trung tâm phố cổ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Chủ xe là anh Lê Văn Minh, trú ở quận Long Biên, trước khi khóa cửa đã cẩn thận kéo phanh tay. Chỉ tiếc, anh Minh để xe ở nơi không có người trông giữ và trong vòng chưa đầy 15 phút sau, chiếc xe bị “hô biến”. Cảnh sát hình sự phối hợp cùng CAQ Hoàn Kiếm lập tức vào cuộc, truy được thủ phạm là Nguyễn Thành Trung, nhà ở phường Thành Công, quận Ba Đình. Người này trước là lái xe cho công ty của gia đình anh Minh, nên đã đánh chìa khóa phục vụ cho ý đồ xấu về sau.

Theo ghi nhận của phóng viên, địa bàn thường xảy ra mất trộm phụ tùng ô tô, hay ô tô là các khu đô thị còn vắng người ở. Lật lại hồ sơ vụ trộm chiếc xe ô tô Mercedes xảy ra tại nhà ông Nguyễn Quang Thắng, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cách đây không lâu, có thể thấy rõ sự liều lĩnh và manh động của các đối tượng gây án.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, CQĐT phát hiện cửa sổ bếp bị phá và đây là lối đột nhập của bọn gian. Có thể ý đồ của kẻ trộm chỉ là lấy tài sản gọn nhẹ, nhưng vì nhận thấy chiếc Mercedes C250 để trong sân vẫn cắm nguyên chìa khóa nên chúng đã “nẫng” chiếc xe này. Trước khi bỏ đi, kẻ gian đã chốt chặt cánh cửa chính từ phía ngoài, nhằm ngăn người bên trong thoát ra. 

Trộm ô tô thì làm được gì?

Câu hỏi này từng tương đối… đúng, nhưng đó là thời điểm cỡ chục năm trước, khi ô tô chưa quá nhiều như bây giờ và thủ đoạn, tính chất của tội phạm trộm cắp, tiêu thụ chưa tinh quái như bây giờ. Trinh sát hình sự CAH Gia Lâm nhìn nhận, trong vụ trộm xe ô tô tải hôm 23-7, tuy anh em Quý - Thương còn đang loanh quanh về động cơ gây án, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ mang tài sản phi pháp ra tỉnh ngoài, tìm đến những đầu mối làm giấy tờ giả, từ đó tái sử dụng hoặc bán.

Tình huống này được đưa ra, bởi chiếc xe tải của anh Bắc còn mới, nếu được “chế” bộ giấy tờ giả, nó sẽ dễ dàng tiêu thụ với mức giá không quá cao. Trường hợp kẻ gian liều, chỉ cần thay đổi chút ngoại hình của xe, giữ lại sử dụng và trong trường hợp bị kiểm tra, chúng sẽ bỏ của chạy lấy người hoặc nghĩ ra vô số lý do chối tội.

Một đường đi khác của những chiếc ô tô gian là bị đem cắm ở hiệu cầm đồ (với phương tiện mà chủ xe vô tình để toàn bộ giấy tờ trên xe) hoặc được đem đến những xưởng cơ khí, tháo rời phụ tùng, linh kiện bán với giá… đồng nát. Theo khảo sát, những xưởng cơ khí này hoạt động khá nhiều ở các vùng ven đô hay các tỉnh, thành phố giáp ranh Hà Nội. Chỉ cần chủ cơ sở hám lời, kẻ gian sẽ có cơ hội thực hiện trót lọt hành vi phạm tội.

Trước diễn biến của tội phạm trộm cắp ô tô, lực lượng Công an các địa phương, trong đó có Công an Hà Nội đã và đang tích cực vào cuộc. Quy mô nhất là chiến dịch phối hợp hiệu quả giữa Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Thanh Hóa. Qua khai thác các đối tượng phạm tội, CQĐT làm rõ nhóm tội phạm trên chuyên nhằm vào những chiếc ô tô đỗ ở ven đường, không người trông giữ để phá cửa, vào trong đấu dây công tắc điện lấy trộm xe. Ngoài phân công cảnh giới, nhóm này còn sẵn sàng công cụ hỗ trợ như dao, bình xịt hơi cay, xà cầy… nhằm tấn công những ai có ý định ngăn cản. 

“Việc lấy trộm 1 chiếc xe ô tô không khó hơn nhiều so với xe máy. Nhiều chủ xe đang hết sức chủ quan, để xe nơi không có người trông giữ, thậm chí qua đêm. Tội phạm trộm cắp đang có xu hướng “nhắm” đến tài sản đắt tiền này”, chỉ huy Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, nêu rõ và khuyến cáo, cần để xe ở nơi có người trông giữ; còn với các hộ gia đình, phải gia cố hệ thống cửa ra vào, camera, chuông báo động; lưu ý không để giấy tờ xe trên xe…