"Nổ" có quan hệ, lừa đảo "chạy" việc, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng

ANTD.VN - Luôn “nổ” có quan hệ với các quan chức cấp cao ở nhiều ngành, có thể xin việc, “chạy” biên chế ở nhiều lĩnh vực, Nguyễn Phương Sơn, 52 tuổi, trú ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã lừa đảo hơn 10 nạn nhân, chiếm đoạt gần 2  tỷ đồng.

Bản cam kết “chạy” việc

Vụ việc bắt đầu từ đơn trình báo của ông Minh, trú ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông Minh có con gái vừa tốt nghiệp trường đại học y, đang có nhu cầu xin việc làm. Nguyễn Phương Sơn nói có quan hệ trong ngành y tế, có thể “chạy” xin việc cho con gái ông Minh vào làm điều dưỡng tại bệnh viện E Hà Nội. Giá mà Nguyễn Phương Sơn đưa ra là 300 triệu đồng/suất, và phải đặt cọc trước 200 triệu đồng. Sau khi được nhận vào làm, con gái ông Minh phải có thời gian học việc. Khi nào vào được biên chế, ông Minh phải đưa nốt 100 triệu đồng còn lại.

Ngày 24-9-2015, ông Minh cùng con gái mang 200 triệu đồng cùng bộ hồ sơ xin việc đến nhà giao cho Sơn. Đối tượng nhận tiền và hồ sơ. Để tạo lòng tin, Sơn soạn thảo sẵn một bản biên nhận có tên là “Cam kết hợp đồng công việc”, trong đó ghi rõ tên hai bên A và B. Bên A là người nhờ xin việc, bên B là Nguyễn Phương Sơn. Bản cam kết có nội dung chi tiết từ quy trình thanh toán tiền “chạy” việc và quyền lợi, nghĩa vụ của đôi bên. Trong trường hợp không xin được việc, bên Sơn có trách nhiệm trả lại kinh phí cho bên nhờ xin việc trong vòng 15 ngày… Thậm chí, bản cam kết còn có bên làm chứng ký.

Đối tượng Nguyễn Phương Sơn

Quá tin tưởng vào những lời hứa “chắc như đinh đóng cột” của Sơn, riêng gia đình ông Minh đã nhờ Sơn 3 trường hợp “chạy” vào làm các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên từ khi nhận tiền đến nay, Sơn cứ khất lần và không xin được việc như cam kết ban đầu.

Một mánh, lừa hàng chục người

Cũng bằng những lời nói ngon ngọt và tạo lòng tin đối với các nạn nhân, từ tháng 4-2015 đến tháng 6-2017, Sơn đã nhận tiền xin việc cho rất nhiều trường hợp. Mỗi một trường hợp, Sơn thường nhận khoảng 200-400 triệu đồng. Đến thời hạn giao hẹn nhưng chưa có việc làm, nhiều người đến gặp Sơn đòi tiền lại nhưng đối tượng “làm lơ” và các nạn nhân chỉ còn biết làm đơn trình báo cơ quan Công an.

Đến nay, Cơ quan CSĐT CAH Thường Tín đã nhận được hàng chục đơn trình báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Phương Sơn.

Đại tá Đỗ Đức Cường, Trưởng CAH Thường Tín cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của các nạn nhân, Công an huyện đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ, qua đó phát hiện từ tháng 4-2015 đến tháng 6-2017, Nguyễn Phương Sơn đã nhận hồ sơ xin việc làm và tiền đặt cọc của hơn 10 người với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Cho đến nay, Cơ quan CSĐT CAH Thường Tín vẫn đang nhận được nhiều đơn thư tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Phương Sơn.

Một trang trong bản cam kết công việc mà Nguyễn Phương Sơn soạn thảo để lấy lòng tin từ các nạn nhân

Với những chứng cứ thu thập được, ngày 27-6-2017, Cơ quan CSĐT Công huyện Thường Tín đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên sau khi lừa đảo nhiều người, Sơn bỏ trốn khỏi địa phương nên đơn vị đã ra quyết định truy nã đối tượng này. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 8-8, Cơ quan CSĐT CAH Thường Tín đã bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Phương Sơn.

Tại cơ quan điều tra, Sơn khai nhận, y không hành động một mình mà đường dây của Sơn còn 4 đối tượng khác. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ những đối tượng còn lại có liên quan.

Theo Đại tá Đỗ Đức Cường, chiêu trò lừa đảo bằng hình thức xin việc làm của các đối tượng không mới, tuy nhiên vì tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đang ngày càng gia tăng, nhu cầu người xin việc cao nên đã tạo điều kiện để các đối tượng xấu có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo.

“Qua vụ án, Công an huyện Thường Tín cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và quy trình tuyển dụng của các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước không tổ chức tuyển dụng, thi tuyển qua một cá nhân nào, mà công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, vì vậy, Cơ quan CSĐT CAH Thường Tín cũng khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu xin việc làm thì nên liên lạc trực tiếp đến cơ quan nhà nước tuyển dụng”, Đại tá Đỗ Đức Cường khuyến cáo.

Trong thời gian tới, CAH Thường Tín sẽ phối hợp với các địa phương trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo “chạy việc”; khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tránh sập bẫy của kẻ lừa đảo...