Nghe lén điện thoại, những người nào sẽ bị truy tố?

ANTĐ - Mới đây đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PC50 (Công an TP Hà Nội) đã thanh tra tại Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Q Thanh Xuân, Hà Nội) và phát hiện công ty này kinh doanh phần mềm Ptracker. 

Đây là phần mềm giúp người dùng có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật - tắt 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát. Thậm chí người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài Ptracker bằng cách nhắn tin tới điện thoại này. Tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị giám sát sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên lưu lại tại máy chủ.

Tại đây, người công ty có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó. Dù khách hàng có mua phần mềm hay chỉ cài bản dùng thử của phần mềm Ptracker, thì điện thoại đều bị chiếm quyền điều khiển. Nếu khách hàng nộp tiền cho Việt Hồng, công ty này sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu đó trên máy chủ. Đến nay Công ty Việt Hồng đã thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp này gần 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo PC50, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số công ty thám tử tư, một số doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ của Công ty Việt Hồng cho một số máy của các đối tượng, của các nhân viên để theo dõi họ. 

Vấn đề là Công ty Việt Hồng và những người chịu trách nhiệm có vi phạm pháp luật không, theo tội danh nào và hình phạt ra sao?

Ý kiến bạn đọc 

Đây là hành vi vi phạm quyền con người được pháp luật bảo hộ

Bản chất của hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của nhiều người nhằm mục đích lấy thông tin riêng, lưu giữ vào máy chủ, cung cấp cho khách hàng, thu lợi, là xâm phạm một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013. 

Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Cần phải nghiêm trị để đảm bảo sự ổn định xã hội.   

Nguyễn Văn Bá (Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)


Công ty Việt Hồng đã vi phạm pháp luật

Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, nó ảnh hưởng đến đời tư người dùng điện thoại. Theo thanh tra Sở Thông tin -  Truyền thông TP Hà Nội, có rất nhiều thông tin lưu trữ tại máy chủ của Công ty Việt Hồng mang tính chất riêng tư, nhạy cảm: như thông tin giao dịch giữa người sử dụng dịch vụ điện thoại với ngân hàng, xác nhận tài khoản Facebook, Viber, các thông tin nhạy cảm về quan hệ nam nữ, giao dịch kinh doanh, thậm chí có nội dung tin nhắn tiếng nước ngoài... Nếu không phải là người thân bạn bè mà là người lạ, lọt vào tay tội phạm hoặc nếu những thông tin đó là của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn đến xã hội thì hậu quả xảy ra sẽ hết sức khôn lường. Hành vi này đã vi phạm Điều 125 BLHS về tội: “Xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”. Người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 2 năm, phạt tiền đến 20 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm. 

Chị Trần Thị Kim Dung (Đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định)


Lợi dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật

Việc sử dụng điện thoại thông minh để khai thác các tiện ích công nghệ của người tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh.Tuy nhiên, ngoài các tác động tích cực thì bản thân công nghệ hiện đại luôn có những lỗ hổng về kỹ thuật là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao sử dụng vào mục đích phạm tội mà đây là một ví dụ tiêu biểu. Theo tôi, gắn các tính năng theo dõi, nghe lén, thu thập thông tin, dữ liệu của người khác là hành vi trái pháp luật, vi phạm các quy định của Luật Công nghệ thông tin cũng như các quy định khác của pháp luật. Không xử lý hình sự vụ việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, không phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng và chống loại tội phạm công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm Điều 226a BLHS quy định về “tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác”. 

Phạm Hùng Tâm (Phường Giáp Bát, TP Hà Nội)

Người sử dụng phần mềm này để theo dõi người khác cũng vi phạm pháp luật

Những người biết rõ tính năng nghe lén, thu thập dữ liệu, kiểm soát vị trí cũng như quyền điều khiển thiết bị viễn thông nhưng vẫn mua và cài đặt để sử dụng vào mục đích của mình cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với lỗi cố ý trực tiếp. Hậu quả nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng là do các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, giám định trên cơ sở những hậu quả do hành vi cụ thể của người thực hiện hành vi. Nếu sử dụng các thông tin cá nhân để trục lợi, chiếm đoạt tài sản, cạnh tranh không lành mạnh, khống chế quyền tự do của người khác... đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên cần căn cứ vào mức độ, tính chất cũng như xác định quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại để định tội danh trong trường hợp cụ thể. 

Kỹ sư Lê Văn Bách (Đại Học Bách khoa Hà Nội)


Bình luận của luật sư


Đây là một vụ vi phạm pháp luật có nhiều người vi phạm với vai trò khác nhau và với nhiều tội danh khác nhau. Chúng ta có thể tạm phân làm hai phía, phía Công ty Việt Hồng và những người lãnh đạo công ty, chịu trách nhiệm và những người sử dụng phần mềm này cho mục đích cá nhân cùng những người bị cài đặt trái phép phần mềm trên điện thoại của mình. 

Về phía Công ty Việt Hồng, qua tình tiết vụ án, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của rất nhiều người để chiếm quyền điều khiển và can thiệp vào chức năng của máy điện thoại (điều khiển từ xa: tắt/bật 3G, tắt/ bật Wifi, bật/tắt chức năng ghi âm, chụp ảnh, quay video...) lấy cắp thông tin riêng để lưu giữ tại máy chủ. Mục đích của việc làm trên là cung cấp cho khách hàng các thông tin riêng của người khác để thu lợi bất chính. Hoạt động này gây ảnh hưởng đến an toàn, bí mật thông tin riêng của người sử dụng điện thoại, làm mất an ninh, trật tự xã hội. Công ty Việt Hồng và những người chịu trách nhiệm sẽ bị truy tố theo Điều 125 BLHS. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, với nội dung: Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Những người nào sẽ bị truy tố? Vụ việc xảy ra tại pháp nhân Công ty TNHH thì những người nào tham gia thực hiện, quản lý điều hành hoạt động truy cập bất hợp pháp vào điện thoại của người khác đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể các các thành viên HĐQT nếu đồng tình việc làm của công ty thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Nhưng đó mới là hành vi chiếm đoạt thông tin, sử dụng thông tin bị chiếm đoạt để phạm tội cũng sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Nếu quá trình điều tra xác định được người nào dùng các thông tin lấy cắp được trên điện thoại nhằm mục đích để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác... nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và xác định thiệt hại đã xảy ra thì sẽ bị xử lý tương ứng theo điều 226b BLHS về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. 
Nếu xác định được việc dùng phần mềm truy cập bất hợp pháp vào điện thoại người khác để thu thập trái phép thông tin liên quan đến an ninh quốc gia hoặc bí mật Nhà nước để nhằm mục đích làm gián điệp thì có thể bị xử lý về tội “Cố ý hay vô ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 BLHS hoặc tội “Gián điệp” theo Điều 80 BLHS có khung hình phạt từ tù giam đến cao nhất là tử hình. 

Còn phía những người vô tình hoặc cố ý sử dụng phần mềm Ptracker do Công ty Việt Hồng kinh doanh? Theo tôi, thì chỉ những người bị cài đặt trái phép hoặc bị lừa dối do nhà cung cấp phần mềm cung cấp thông tin sai lệch về các chức năng của sản phẩm, dịch vụ dẫn đến việc cài đặt thì mới không bị xử lý, còn đối với những người cố ý mua, tải phần mềm, sử dụng phần mềm với đúng các tính năng mà các cơ quan quản lý về thông tin truyền thông nêu trên thì cần phải điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Với những người bị cài đặt phần mềm bất hợp pháp để chiếm đoạt thông tin, phải xác định họ là người bị hại. Các bị hại cần thiết phải có đơn trình báo để làm căn cứ xử lý theo qui định của pháp luật.

Các cá nhân mua phần mềm bất hợp pháp của công ty nhằm mục đích truy cập trái phép điện thoại của người khác thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Nếu người nào dùng các thông tin cá nhân lấy cắp được trên điện thoại do công ty lấy được nhằm mục đích để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác... nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý tương ứng theo Điều 226 BLHS: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, với nội dung:
Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm. 

Nếu người nào mà dùng phần mềm truy cập bất hợp pháp vào điện thoại người khác để theo dõi, nghe trộm điện thoại, tin nhắn, lấy cắp dữ liệu cá nhân... nhằm mục đích gián điệp thì sẽ bị xử lý tương ứng với khách thể xâm hại là Điều 80 BLHS: Tội làm gián điệp. Nếu sử dụng các thông tin chiếm đoạt được để phạm tội khác, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào bản chất các hành vi phạm tội để định tội danh. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)