Ngăn chặn hàng "bẩn", hàng lậu cuối năm

ANTD.VN - Theo quy luật, cứ từ 20 tháng 11 đến trước mùng 10 tháng 12 âm lịch, các loại hàng hóa từ biên giới, trong đó không ít hàng lậu, hàng giả, thực phẩm “bẩn” sẽ tràn về các tỉnh, thành phố. Dồn dập các vụ việc bị phát hiện, xử lý trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian gần đây đã minh chứng điều này.

Đủ các mặt hàng lậu, “bẩn” bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý trong thời gian qua

Mặt hàng nào sẽ “nóng”?

Mối quan tâm, băn khoăn lớn nhất của các lực lượng thực thi pháp luật tại những địa bàn sâu trong nội địa như Hà Nội, đó là những nẻo đường để hàng hóa “có vấn đề” qua biên giới về xuôi vẫn quá dễ dãi.

Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương là những địa phương được tội phạm buôn lậu chọn làm điểm tập kết, trung chuyển lớn, từ đó xé nhỏ, tìm cách thẩm lậu đến những thành phố lớn, gần thì Hà Nội, xa là miền Trung và xa nữa là các tỉnh phía Nam.

“Rất khó để tóm được xe hàng lớn vi phạm, cỡ chục tấn trở lên bởi chủ hàng bây giờ tinh vi hơn nhiều; họ xé lẻ để vừa dễ di chuyển, vừa đỡ… thiệt hại hơn nếu bị giữ cả xe hàng”, một trinh sát kỳ cựu của Quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ.

Nếu điểm danh các mặt hàng “nóng” dịp này đầu tiên phải kể đến thuốc lá ngoại nhập lậu. Từ các tỉnh biên giới, thuốc lá được chuyển vào sâu nội địa chủ yếu bằng xe khách. Trên các trục đường, những bao hàng đựng thuốc lá được chằng buộc kín mít, sẽ được thả xuống rất nhanh.

Chỉ trong chớp nhoáng, chủ hàng nhận rồi chở thẳng về nhà kho cất giấu, tìm nơi tiêu thụ. Vụ việc Đội QLTT số 12 phối hợp cùng CSKT, CAQ Thanh Xuân ập bắt, thu giữ hơn 6.000 bao thuốc lá nhập lậu tại kho hàng ở tổ 6 Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, hôm 30-11 vừa qua là ví dụ điển hình.

Hay gần đây nhất là chuyên án trinh sát phá đường dây cung cấp thuốc lá lậu, do Cục Cảnh sát Môi trường phối hợp cùng Đội QLTT số 5 và CAQ Long Biên thực hiện thu giữ trên 3.000 bao thuốc lá ngoại các loại.

Nguyễn Hồng Thắng (39 tuổi), trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, khai nhận thuê nhà tại số 15, ngõ 353 Bát Khối, quận Long Biên, mục đích chính để tập kết thuốc lá lậu. Từ ngôi nhà nằm sâu trong khu dân cư này, Thắng trực tiếp dùng xe máy đi giao hàng cho các đại lý thuốc lá ngoại trong thành phố.

Một loại mặt hàng vốn dĩ tương đối “nóng”, nhưng lâu nay ít bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý là trái cây nhập lậu. Người tiêu dùng không yên tâm về chất lượng trái cây trên thị trường bởi nhiều loại  nhập về không rõ nguồn gốc, không đủ giấy tờ hợp lệ.

Một cuộc kiểm tra đột xuất của Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 TP Hà Nội hôm 6-12, do Đội QLTT số 4 chủ trì, phối hợp với Tổ kiểm tra tuyến CATP đã phát hiện, thu giữ gần 4 tấn trái cây nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Số trái cây này được vận chuyển trên xe tải BKS 12C-044.05 đang dừng đỗ trên quốc lộ 1A hướng Lạng Sơn - Hà Nội, thuộc địa phận quận Long Biên. Toàn bộ 200 thùng đựng lê, bao bì in chữ Trung Quốc tịnh không chút giấy tờ nào. Lái xe khai nhận được thuê vận chuyển hàng từ Bắc Giang về chợ đầu mối Long Biên với giá 1 triệu đồng.

Thực phẩm bẩn - nỗi lo chưa có hồi kết

Lại nói về lĩnh vực thực phẩm bẩn, hơn 2 tạ lòng lợn được vận chuyển trên xe tải từ Bắc Giang về Hưng Yên bị lực lượng CSKT CAH Gia Lâm chặn giữ hôm 13-12 tất cả đều không có giấy tờ kiểm dịch. Trước đó 3 ngày, liên ngành Công an - Quản lý thị trường bất ngờ kiểm tra hành chính cơ sở sản xuất giấm gạo tại phường Bồ Đề, quận Long Biên.

Kết quả phát hiện khiến nhiều người nghe sửng sốt: Gần 2.000 chai dấm gạo bị thu giữ bởi có dấu hiệu “chế” thêm axit. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm năm 2015.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng xác định cơ sở này đã pha trộn thêm axit, chất tạo màu và một số nguyên liệu không có trong hồ sơ đăng ký vào quy trình sản xuất dấm thành  phẩm. Khi được yêu cầu chứng minh nguồn gốc số nguyên liệu dùng để sản xuất dấm ăn, chủ cơ sở cũng chỉ biết... gãi đầu gãi tai. 

Một địa chỉ cũng khá “nổi tiếng” về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khác là Phú Xuyên, Thường Tín, có nghề truyền thống giết mổ, thu mua nội tạng trâu, bò. Với hành vi vi phạm, chế tài nghiêm nhất cũng chỉ dừng ở phạt tiền, tịch thu tiêu hủy tang vật, rõ ràng chế tài này chưa đủ sức răn đe.

Bởi vậy dịp cận Tết, việc rà soát nội tạng bẩn ở khu vực này càng được làm rốt ráo. Chiều 12-12, lực lượng CSKT, CAH Phú Xuyên, Hà Nội bất ngờ kiểm tra một kho lạnh ở thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, phát hiện gần 1 tấn nội tạng động vật đông lạnh đã lên màu mốc xanh.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh, không có giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số hàng và không giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Nội tạng trâu, bò thu mua ở các lò mổ với giá 2.000 đồng/kg, sau khi sơ chế đang được găm đến Tết để bán cho thương lái với giá 20.000 đồng/kg.

Lợi nhuận “khủng” như vậy nên cơ sở vẫn cứ làm liều, dù trước đó, hồi cuối tháng 5, chủ cơ sở cũng đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính về lỗi tương tự.

Quá trình chúng tôi thu thập tư liệu cho bài viết này, được biết chiều 15-12, Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện trên 2 tấn nguyên liệu chè đậu đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ tại kho hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Taco Việt Nam, địa chỉ tại 780 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. 

Quản chặt các kho hàng

Những khó khăn, bất cập trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, đều cơ bản đã được nhận diện như: Sự thiếu quyết liệt ở một số địa phương tuyến biên giới; quy định chưa chặt chẽ về kiểm soát, quản lý, sử dụng hóa đơn hay sự thiếu đồng bộ, phối hợp giữa các địa phương.

Để giải bài toán này, trước hết cần siết chặt, quản lý chặt các kho hàng, từ kho có tư cách pháp nhân, đến những điểm tập kết trá hình trong nhà dân, bến xe, khu vực vắng người. Hàng lậu, thực phẩm bẩn, hàng giả không thể cứ chình ình ngoài đường. Dù qua được biên giới, về các vùng giáp ranh Hà Nội, nó vẫn phải đi qua, hoặc trung chuyển, tập kết để từ Hà Nội tiếp tục đi các tỉnh, thành.

Tính chất “tiếp tay”, dù vô tình hay cố ý, của nhiều chủ kho hàng, nhiều pháp nhân có kho cho thuê chứa hàng, thể hiện rất rõ. Nhưng như chỉ huy Đội QLTT số 5 nhìn nhận: “Đang rất thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động ở các kho hàng, đặc biệt với những cơ sở chủ ý tiếp tay cho hàng lậu, thực phẩm bẩn. Trở ngại lớn nhất trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh kho bãi hiện nay là chưa trói buộc được trách nhiệm của người có kho cho thuê”.

Cái dở khác là không có quy chuẩn, quy định cụ thể đối với hoạt động kinh doanh kho. Lâu nay, việc cho thuê kho hết sức tùy tiện; trừ mặt hàng xăng dầu, còn lại từ hóa chất đến thực phẩm, đồ gia dụng, mỹ phẩm... cứ chỗ nào trống trong kho là đưa vào.

Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mà còn là đất để hàng lậu, thực phẩm bẩn lợi dụng ẩn náu. “Khu biệt, xác định rõ tính chất mặt hàng của từng kho sẽ vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, phát hiện hàng lậu, hàng giả”, chỉ huy Đội QLTT số 5 nêu rõ…

Xác định đối tượng, địa bàn, tuyến tập trung đấu tranh

Ngay từ cuối tháng 11-2016, CATP Hà Nội đã quán triệt đến các đơn vị, địa bàn Kế hoạch triển khai cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Theo đó, các lực lượng công an phải xác định rõ đối tượng, địa bàn, tuyến, mặt hàng trọng điểm cần tập trung đấu tranh. Trong đó, phải xử lý nghiêm đối tượng đầu nậu, chủ mưu, lưu manh, chuyên nghiệp về hoạt động buôn lậu, đối tượng “bảo kê” các tuyến đường buôn lậu.

Bên cạnh đó, phải tập trung đấu tranh các đối tượng thoái hóa, biến chất trong cơ quan, tổ chức doanh nghiệp Nhà nước, có hành vi tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại.