Môi giới, buôn bán nội tạng người phạm tội gì, bị xử lý ra sao?

ANTĐ - Ngày 24-7, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết đã bắt giữ một số đối tượng tham gia môi giới mua bán thận. Qua điều tra ban đầu, đã xác nhận được một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có Nguyễn Việt Dũng (32 tuổi), trú tại Hải Phòng, Lê Thị Yến (45 tuổi) trú tại Hà Nội.

Nội dung vụ án:

Ngày 24-7, Cục Cảnh sát hình sự cho biết đã tiến hành bắt giữ một số đối tượng tham gia môi giới mua bán thận. Qua điều tra ban đầu, đã xác nhận được một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có Nguyễn Việt Dũng (32 tuổi), trú tại Hải Phòng, Lê Thị Yến (45 tuổi) trú tại Hà Nội.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về các tài liệu, chứng cứ, đối chiếu với các quy định của pháp luật, cơ quan Công an đã phát hiện một nhóm tội phạm tham gia mua bán thận để cấy ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Vai trò của bà Yến là biết ai có nhu cầu muốn mua thận để ghép hoặc bán thì liên hệ với Dũng để tìm người bán. Còn Dũng, qua internet tìm kiếm những người có nhu cầu bán thận. Sau khi tìm được, Dũng sẽ thỏa thuận với họ giá cả bán thận (thường là 150 triệu đồng/quả thận).

Môi giới, buôn bán nội tạng người phạm tội gì, bị xử lý ra sao? ảnh 1

Sau khi thỏa thuận xong, Dũng sẽ đón họ để đưa đi xét nghiệm HLA (mất khoảng 10 triệu đồng) để xem các chỉ số phù hợp với người nào cần ghép, nuôi ăn ở cho họ, chi phí máy bay vào Huế để thực hiện việc ghép thận.

Với mỗi ca ghép này, người mua thận phải chi trả thường từ 220 triệu đến 300 triệu cho phía môi giới và bán thận. Sau khi chi phí hết, trả cho bà Yến tiền môi giới khoảng 3-5 triệu đồng thì Dũng được khoảng 25 đến 30 triệu đồng/ca.

Theo quy định, một ca ghép thận nếu được thực hiện thì phải có các loại giấy tờ sau: Giấy xác nhận của chính quyền xã, phường xác nhận người cho thận và người bán thận có mối quan hệ anh em, họ hàng; giấy xác nhận của Công an xã, phường về tư cách, hạnh kiểm của người cho thận; giấy cam kết của người đại diện gia đình người cho thận, có xác nhận của chính quyền phường, xã.

Thế nhưng, những người cho thận và mua thận qua đường dây này đều không có mối quan hệ họ hàng gì với nhau. Vì thế, họ không thể có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, những giấy cam kết khác họ hầu hết không có.

Chính vì thế, từ năm 2013 đến năm 2014, Dũng đã tự “sáng tác” ra các loại giấy cam kết này bằng cách làm giả phần xác nhận của chính quyền địa phương, làm giả con dấu của UBND các phường, xã, thị trấn trong nhiều loại giấy tờ có liên quan đến hồ sơ của người hiến (bán) thận để Bệnh viện Trung ương Huế duyệt hồ sơ cho tiến hành ghép thận.

Hình thức làm giả của Dũng là dùng phương pháp in lưới hoặc in phun màu… Những bộ giấy tờ giả này đã qua được sự kiểm tra của bệnh viện và các đối tượng đã thực hiện nhiều vụ mua bán thận.

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can Dũng và Yến có phạm tội không? Nếu phạm tội thì theo tội danh nào và bị xử lý ra sao?

Ý kiến bạn đoc:

* Các nghi can không phạm tội

Các nghi can Dũng và Yến không phải là người mua thận và cũng không phải là người bán thận. Họ chỉ là người môi giới làm cầu nối giữa người muốn bán và muốn mua thận để cấy ghép cho người bị bệnh. Với tình tình thiếu tạng để cấy ghép hiện nay, thậm chí hành vi của các nghi can còn có công trong việc cứu chữa bệnh nhân. Trong vụ việc này, họ cũng không dùng thủ đoạn nào bắt buộc nạn nhân phải bán thận hoặc bắt bệnh nhân phải mua thận do mình môi giới. Hành vi của họ cũng không gây ra bất cứ hậu quả nào. Họ được hưởng một số tiền môi giới nhỏ cũng chỉ đủ bù đắp công sức của họ thôi. Các nạn nhân tự nguyện cho thận, mặc dù có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng bù lại họ đã được nhận lại một số tiền lớn theo nguyện vọng của họ. Theo tôi, những nghi can này không có tội.Nguyễn Văn Hải (Láng Thượng, Hà Nội)* Các nghi can phạm tội buôn bán bộ phận người
Các nghi can đã vi phạm Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Luật số 75/2006/QH11). Tai khoản 8 điều 11 có ghi rõ: Nghiêm cấm các hành vi: Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị trừng phát.

Tuy nhiên việc môi giới mua bán các bộ phận cơ thể người là một chuỗi gồm nhiều hành vi khác nhau trong đó có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ cân nhắc tìm ra một hành vi tiêu biểu để truy tố, các hành vi khác sẽ là tình tiết tăng nặng.

Trong vụ việc này, hành vi làm giấy tờ giả lừa các bệnh viện để thực hiện hành vi môi giới mua bán thận có thể là hành vi sẽ bị truy tố, hành vi môi giới bán thận, hành vi trục lợi sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng.

Phạm Hồng Phúc (Q1, TP Hồ Chí Minh)

* Các nghi can phạm tội kinh doanh trái phép

Theo các quy định pháp luật, tạng người (các bộ phận cơ thể người, trong đó có thận) là một mặt hàng không được kinh doanh. Các nghi can đã tổ chức tìm người mua, giới thiệu người bán là hoạt động môi giới, tham gia kinh doanh mặt hàng này.

Các nghi can đã tham gia kinh doanh trái phép, vi phạm Điều 159. Bộ Luật Hình sự, Tội kinh doanh trái phép: Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 2 năm
Phí Văn Nguyên (Vĩ Dạ, TP Huế)

* Các nghi can đã phạm tội mua bán người

Khoản 2d điều 119 Bộ Luật Hình sự có quy định nếu mua bán người để lấy bộ phận cơ thể nạn nhân có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 20 năm. Trong các vụ môi giới mua bán của mình, các nghi can đã thỏa thuận, đưa đón, nuôi dưỡng và khai thác các bộ phận cơ thể của các nạn nhân bán thận.

Qua đây có thể thấy con người của các nạn nhân mà cụ thể một bộ phân cơ thể của nạn nhân là hàng hóa của các nghi can. Việc thỏa thuận giá mua rẻ và bán với giá cao thể hiện rất rõ các nạn nhân đã có dấu hiệu phạm tội mua bán người để lấy bộ phận cơ thể. Các nghi can phải bị truy tố về tội danh mua bán người.
Bùi Thị Thu Hà (Phủ Lý, Hà Nam)

Bình luận của luật sư: 

Qua nội dung vụ án, chúng ta nhìn thấy rõ các nghi can đã có hành vi môi giới mua bán bộ phận cơ thể người (ở vụ án này cụ thể là mua bán thận) để phục vụ việc cấy ghép. Để có thể thực hiện trót lọt việc môi giới mua bán thận, các nghi can đã làm giấy tờ giả để lừa bệnh viện trot lọt.

Cả 2 nghi can đều tham gia môi giới mua bán thận, nghi can Dũng có hành vi làm các loại giấy tờ giả, sử dụng các con dấu giả các chính quyền địa phương nhiều nơi. Vấn đề là các nghi can đã có dấu hiệu phạm tội theo tội danh nào?

Chúng ta phân tích hành vi có dấu hiệu phạm tội rõ nhất và đã được các văn bản pháp luật quy định cụ thể. Đó là hành vi làm giả giấy tờ của các cơ quan chính quyền, hành vi có dấu hiệu phạm tội rõ nhất của nghi can Nguyễn Việt Dũng.

Để thực hiện trot lọt những vụ mua bán thận trái phép, từ năm 2013 đến năm 2014, Dũng đã tự “sáng tác” ra các loại giấy cam kết này bằng cách làm giả phần xác nhận của chính quyền địa phương, làm giả con dấu của UBND các phường, xã, thị trấn trong nhiều loại giấy tờ có liên quan đến hồ sơ của người hiến (bán) thận để Bệnh viện Trung ương Huế duyệt hồ sơ cho tiến hành ghép thận cho hàng chục bệnh nhân.

Nghi can Dũng đã sử dụng các thủ đoạn dùng máy tính sao y, dùng thủ đoạn photo màu để chế ra các con dấu của các UBND các xã phường liên quan đến người bán thận để lừa bệnh viện. Hành vi này đã có dấu hiệu phạm tội theo Điều 267, Bộ Luật Hình sự, Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Điều luật này có nội dung: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị xử phạt tới 7 năm tù.

Nếu nghi can nào giúp sức cho nghi can Dũng làm giấy tờ giả cũng sẽ là đồng phạm với Dũng trong tội danh này.

Còn hành vi môi giới, mua bán thận của nghi can Nguyễn Việt Dũng, Lê Thị Yến và đồng bọn thì phạm tội theo tội danh nào và bị xử lý như thế nào?

Theo khoản 8 điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Luật số 75/2006/QH11): Nghiêm cấm các hành vi: Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Ở đây các nghi phạm đã quảng cáo trên internet, liên hệ mua thận, môi giới bán thận để kiếm lợi nhuận. Hậu quả của hành vi này là hàng loạt các vụ mua bán thận đã hoàn thành, hàng chục vụ ghép thận đã được tiến hành không đúng các quy định pháp luật.

Thế nhưng, một lỗ hổng pháp lý trong vấn đề này là mặc dù luật quy định những hành vi bị cấm liên quan đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể, nhưng lại không có những quy định hoặc các văn bản hướng dẫn về chế tài để xử lý những hành vi này.

Đây là một hoạt động vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý lại khá khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn. Chính sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn những chế tài của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng đã gây bối rối cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cho đến nay, cơ quan điều tra cũng chỉ mới khởi tố bị can Dũng vì tội làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức, chưa khởi tố bị can với các nghi can khác trong nhóm mua bán thận này. Nhiều luật sư đồng nghiệp của tôi cũng có quan điểm: Không có văn bản hướng dẫn, không thể xét xử các nghi can mua bán thận. Theo tôi không phải như vậy.

Việc dùng các thủ đoạn để móc nối giữa những người muốn bán một bộ phận cơ thể của mình với người mua hoàn toàn không khác gì hành vi khách quan của tội Mua bán người.

Cũng lừa gạt, lợi dụng quyền lưc, dùng giấy tờ giả, lạm dụng tình trạng quẫn bách của nạn nhân và nhiều thủ đoạn khác để tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển, chuyển giao hoặc nhận người nhằm lấy đi của nạn nhân một bộ phận cơ thể.

Khách thể của loại tội phạm này, những nạn nhân bị xâm hại cũng là những người bị xâm hại sức khỏe, là người phải chịu những hành vi tàn ác, lấy đi phần lớn sức khỏe, nói cho đúng là những nạn nhân bị xâm hại cả về giá trị lao đông, nhân phẩm.

Cả hành vi khách quan và khách thể đều phù hợp với tội danh Mua bán người theo điều 119 Bộ Luật hình sự. Điều luật này có nội dung tại khoản 2d: Người nào mua bán người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm.

Do hai hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian và điều kiện khác nhau, chỉ chung nhau mục đích, như vậy theo tôi, có thể truy tố Dũng và các đồng phạm với tội danh: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, truy tố nghi can Dũng, Yến và đồng bọn theo tội danh: Tội mua bán người. Tùy theo hành vi, có thể có nghi can chỉ bị truy tố một tội danh, có thể có nghi can bị truy tố cả hai tội danh.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng 
(Đoàn Luật sư Hà Nội)