Luật sư vụ vỡ đường ống nước sông Đà: "Số tiền 16,6 tỷ đồng khắc phục chỉ là chi phí sửa chữa"

ANTD.VN - Ngày 8-3, phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà tiếp diễn với phần tranh luận của các luật sư và các bị cáo tự bào chữa.

Nếu tòa chứng minh có tội thì xin nhận

Theo đó, tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh vinaconex) đề nghị HĐXX xem lại số liệu tính toán trong kết quả giám định và xem đến sự cống hiến của bị cáo cho xã hội.

Bị cáo Bằng cho rằng, công tác giám định cần xem đối chiếu với với các quy trình, vật liệu mới. Bị cáo Bằng cho rằng đây là dự án xã hội hóa đầu tiên, đường ống nước tự sản xuất có đường kính và chiều dài lớn nhất đầu tiên tại Việt Nam nên còn có bất cập.

Đến lượt mình, bị cáo Vũ Thanh Hải (nguyên Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex) thì trình bày mong HĐXX xem xét công minh, khách quan để đánh giá đúng hành vi của các bị cáo.

Bị cáo Trần Cao Bằng tự bào chữa trước tòa

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Biên Hùng (nguyên cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) nêu quan điểm, với nhiệm vụ là Phó đoàn giám sát, mọi hành vi dẫn đến sai phạm của bị cáo đã được nêu trong bản cáo trạng. Tuy nhiên, bị cáo chỉ ký vào công văn giấy tờ nhằm hoàn chỉnh hồ sơ cho chủ đầu tư.

“Trong toàn bộ dự án này, chức năng nhiệm vụ của tôi đến đâu thì tôi hoàn thành đến đó. Khi công trình được vận hành, chúng tôi rất mừng. Khi bị khởi tố, tôi rất đau khổ và không biết chia sẻ như thế nào với các bị cáo khác. Nếu tòa chứng minh tôi có tội thì tôi xin nhận tội” – bị cáo Hùng khẩn khoản.

Tương tự, bị cáo Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam; nguyên giám sát viên Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) cũng trình bày, bị cáo cảm ơn các giám định viên khi đã công nhận không thể cắt ống ra để thí nghiệm và khi nghiệm thu có các chứng chỉ kèm theo. Trong cáo trạng đưa ra 7 chỉ tiêu nhưng thực chất ống nước lắp đặt trong dự án chỉ có 5 chỉ tiêu…

“Tư vấn giám sát đã thực hiện theo đúng quy định đề ra. Chúng tôi thật sự là người có công với dự án này khi mang lại nguồn nước cho dân” – bị cáo Thống nhìn nhận. Tiếp đến, bị cáo Thống cho rằng tư vấn giám sát vẫn cho lắp đặt ống nên khi kiểm tra các giấy tờ kèm theo, tổ giám sát phải làm theo để kịp tiến độ dự án và đảm bảo cuộc sống mưu sinh và đây là lý do khách quan, không thể làm khác.

Đến lượt mình, bị cáo Bùi Minh Quân (nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị, thuộc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam nguyên giám sát viên Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) trình bày, bị cáo làm việc trong ngành được 24 năm, tham gia thiết kế và giám sát nhiều dự án cấp nước và đây là dự án lớn nhất.

“Các bị cáo ở đây đều làm việc hết sức trách nhiệm. Dự án có rất nhiều cái mới và đoàn tư vấn giám sát cũng cố gắng làm hết trách nhiệm để mang lại chất lượng tốt nhất cho công trình” – bị cáo Quân nói. Và theo bị cáo này, cái gì mới cũng khó tránh khỏi sai sót nên mong HĐXX cân nhắc, xem xét sự việc.

Các bị cáo không có động cơ trục lợi

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Trần Cao Bằng, luật sư Nguyễn Đình Hưng nhìn nhận, có thể nói tất cả tài liệu điều tra đều lệ thuộc vào kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp. Bởi điều này chính là cơ sở để VKS ra cáo trạng truy tố cáo bị cáo trong vụ án.

Theo luật sư Hưng, việc ra quyết định thay đổi vật liệu từ gang dẻo sang composit là một quyết định đúng. Bởi điều này cần đặt trong hoàn cảnh lúc đó bị áp lực về tiến độ, thời gian. “Cần phải phân chia vụ án ra để làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo. Vì trong suốt quá trình truy tố đến thời điểm xét xử chưa có bất kỳ điều nào chứng tỏ các bị cáo có động cơ trục lợi.

Luật sư Hưng cho rằng các nhà khoa học về xây dựng cần lên tiếng đánh giá về dự án để các cơ quan tố tụng xem xét và có thể xử lý một cách rõ ràng. Và điều này còn góp phần khơi dậy lực lượng doanh nghiệp trong nước có động lực để thực hiện nhiều dự án khác.

Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Đình Hưng còn cho rằng số tiền 16,6 tỷ khắc phục việc vỡ đường ống nước sông Đà thực chất chỉ là chi phí sửa chữa chứ không phải là hậu quả của vụ án. Cùng bào chữa cho bị cáo Bằng, luật sư Vũ Kim Ngọc nhìn nhận kết luận giám định có sự bất cập giữa hai đơn vị thực hiện dự án là nhà thầu và doanh nghiệp sản xuất ống sợi thủy tinh.

Bào chữa cho nhóm bị cáo từng là cán bộ giám sát dự án, luật sư Lê Ngọc Hà đánh giá bản cáo trạng quy kết các bị cáo là không đúng người, không đúng tội và không khách quan, toàn diện. Sau khi phân tích, đánh giá các chứng cứ có trong vụ án, luật sư Hà đề nghị HĐXX sơ thẩm áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với các bị cáo Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân.