Công an Hà Nội đấu tranh mạnh tội phạm "tín dụng đen":

Lật tẩy thủ đoạn của tội phạm câu kết nhân viên ngân hàng

ANTD.VN - Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, từ thực tiễn tình hình, địa bàn, nhiều năm qua, Công an TP. Hà Nội đã xây dựng, triển khai Kế hoạch 231 đấu tranh phòng ngừa với tội phạm với "tín dụng đen". Nhiều phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này đã bị lực lượng Công an lật tẩy.

Trong nhiều thủ đoạn phạm tội bị khám phá, có thể kể đến chuyên án do lực lượng An ninh kinh tế chủ công, bóc trần "chiêu trò" của tội phạm “tín dụng đen” câu kết với cán bộ ngân hành.

Cú "bắt tay...bẩn" 

Thượng tá Phạm Thanh Hùng, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an TP. Hà Nội cho hay, qua thực tiễn công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, phòng An ninh Kinh tế đã nhận diện được nhiều phương thức, thủ đoạn cho thấy đối tượng phạm tội "bắt tay" với cán bộ ngân hàng.  

Đó là hình thức các đối tượng câu kết với cán bộ ngân hàng mua lại nợ xấu, tài sản thế chấp với giá thấp để trục lợi. Theo Thượng tá Phạm Thanh Hùng, một số tổ chức “tín dụng đen” có khả năng tài chính đã câu kết với cán bộ ngân hàng, nhất là cán bộ tín dụng có nhiệm vụ đi thu hồi các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản, xe ô tô, máy móc thiết bị... Đây đều là tài sản ngân hàng thu hồi về từ các khoản nợ xấu. Sau đó Ngân hàng tổ chức làm thủ tục đấu giá công khai.

Qua nắm tình hình, Công an Hà Nội đã phát hiện dấu hiệu nhân viên ngân hàng câu kết, tiếp tay cho "tín dụng đen"

Trước đó, các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá đã được cán bộ ngân hàng ngầm thỏa thuận giá và cấp hồ sơ tham gia đấu giá với giá rẻ, nhằm mục đích chia phần trăm; dẫn đến các khoản nợ thu hồi bằng tài sản đảm bảo có thể bị mua dưới giá trị, hoặc dưới số tiền gốc mà ngân hàng giải ngân cho khoản vay, gây thất thoát tài sản của ngân hàng.

Cùng với đó, một số tổ chức “tín dụng đen” qua các kênh thông tin nội bộ từ ngân hàng, nắm được các khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng cần xử lý. Các tổ chức “tín dụng đen” đứng ra mua lại nợ của các cá nhân, tổ chức có nợ xấu này, sau đó câu kết với cán bộ ngân hàng làm giả các giấy, tờ thủ tục để xin giảm lãi suất, giảm gốc nhằm thâu tóm tài sản giá rẻ một cách đơn giản với chi phí thấp.

Dùng "chiêu" cho vay đảo nợ ép doanh nghiệp

Chỉ huy Phòng An ninh kinh tế cũng thông tin, một thủ đoạn khác cũng bị lộ hiện, đó là nhân viên ngân hàng tiếp tay cho “tín dụng đen” bằng cách cho doanh nghiệp vay đảo nợ.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không được cho vay đảo nợ, tức là không cho vay khoản mới để trả nợ khoản vay cũ tại chính ngân hàng đó hoặc tại ngân hàng khác. Tuy nhiên một số nhân viên ngân hàng đã tiếp tay cho các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động cho vay nặng lãi, thông qua hoạt động đảo nợ.

Theo đó, để được vay lại vốn nhanh nhất, một số nhân viên ngân hàng đã chỉ định, hướng dẫn doanh nghiệp “vay nóng” của một số đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để trả ngân hàng đúng kỳ hạn, sau đó mới có thể được ngân hàng cho vay lại. Doanh nghiệp vay tiền “chợ đen”, ngoài việc phải chấp nhận mức lãi suất “cắt cổ”, còn có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro lớn nếu ngân hàng không cho vay.

Một số đối tượng trong ổ nhóm "tín dụng đen" núp bóng doanh nghiệp do Triệu Đình Hoan cầm đầu

Một thủ đoạn khác là ép doanh nghiệp thành lập công ty mới, sau đó câu kết với nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay ngân hàng lấy tiền giải ngân để trả nợ các khoản nợ vay của cá nhân là chủ doanh nghiệp. Điển hình, tháng 1-2019, phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội đã đấu tranh với ổ nhóm tín dụng đen núp bóng Công ty Cổ phần đầu tư Hải Linh (Công ty Hải Linh). Trong vụ án này, đối tượng Triệu Đình Hoan (SN 1979) trú tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội cầm đầu, đã giăng bẫy đối với các doanh nghiệp có tài sản, nhưng đang lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính.

Để tạo niềm tin cho đối tác, Hoan cùng đồng bọn giới thiệu có mối quan hệ với ngân hàng và nếu khách chấp nhận vay “tín dụng đen”, Hoan cam kết sẽ giúp họ thế chấp tài sản (thường chủ định chọn là bất động sản) để vay tiền ngân hàng với mức cao hơn giá trị lô đất đã mua…

Một trong số nạn nhân sập bẫy của Hoan cùng đồng bọn tường trình lại với cơ quan Công an, sau khi cho doanh nghiệp vay khoảng 10 tỷ đồng để mua đất, công ty của Hoan sẽ “giúp” đối tác bằng cách giới thiệu cho họ thế chấp mảnh đất đó vào ngân hàng để thu được về trên 10 tỷ đồng.

Ban đầu, khách hàng của Hoan cứ tưởng như vậy là có lãi, bởi dôi ra được một khoản tiền nhất định. Nhưng khi biết được nếu vay ngân hàng thì vài tháng sau mới được giải ngân, doanh nghiệp mới biết mình đã mắc vòng nợ nần bởi họ phải trả lãi ngày cho Hoan và khi nhận được tiền của ngân hàng cũng chỉ đủ trả khoản lãi, còn gốc... vẫn y nguyên. Theo tài liệu của cơ quan Công an, Công ty Hải Linh cho khoảng 120 doanh nghiệp và cá nhân vay tiền với số tiền lên đến 1.600 tỷ đồng.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng muốn giảm tỷ lệ nợ xấu, nên các đối tượng khi có ý định phạm tội sẽ tìm cách mua lại nợ xấu với giá trị thấp rồi bán lại cho người dân để kiếm lời. Và để có thể đạt được ý đồ này, bọn chúng thường phải có "quan hệ tốt" với đơn vị xử lý nợ của ngân hàng.  

Để ngăn chặn việc các nhân viên ngân hàng câu kết các tổ chức “tín dụng đen”, chỉ huy Phòng An ninh kinh tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước làm tốt công tác bảo vệ nội bộ tại các tổ chức tín dụng; tham mưu cho cơ quan thanh tra giám sát thường xuyên kiểm tra các tổ chức trong việc tuân thủ đúng các quy định về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về cấp tín dụng và quy định về an toàn hoạt động tín dụng.