Lập web giả mạo lừa tuyển điều dưỡng viên, hộ lý đi Nhật, Đức

ANTD.VN - Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa đưa ra cảnh báo về việc một số cá nhân, tổ chức đăng tuyển điều dưỡng viên, hộ lý đi Nhật và CHLB Đức trái phép.

Lập web giả mạo lừa tuyển điều dưỡng viên, hộ lý đi Nhật, Đức ảnh 1

Cục Quản lý Lao động ngoài nước vừa đưa ra một số cảnh báo lừa đào về việc tuyển điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Nhật và CHLB Đức

Mặc dù Cục Quản lý Lao động ngoài nước là đơn vị đầu mối duy nhất thực hiện dự án thí điểm đưa điều dưỡng đi CHLB Đức học tập và làm việc, tuy nhiên thông tin tuyển lao động đi làm điều dưỡng viên tại Đức vẫn xuất hiện tràn lan trên các trang quảng cáo, rao vặt.

Thậm chí, nhiều trang web là giả mạo, công ty không được cấp phép cũng tung thông tin tuyển dụng lao động trái phép. Các công ty tuyển dụng đưa ra rất nhiều các khoản chi phí mà người lao động phải đóng, mức phí cũng rất cao.

Ví dụ phí học tiếng Đức lên tới 30-40 triệu đồng, chi phí hồ sơ 140-150 triệu đồng… chưa kể tiền ăn ở, vé máy bay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều công ty tuyển lao động đi làm việc tại Đức dưới dạng du học nghề có trả lương.

Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài, chương trình tuyển ứng viên sang học tập và làm việc tại CHLB Đức đang ở giai đoạn thí điểm. “Theo quy định, việc phái cử điều dưỡng viên nói riêng cũng như đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc tuyển điều dưỡng sang Đức chỉ thực hiện duy nhất tại Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, những công ty, tổ chức khác đứng ra tuyển chọn đều là bất hợp pháp”, ông Phạm Viết Hương lưu ý.

Cảnh báo tới người lao động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết: “Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh bị lừa đảo. Hiện có một số tổ chức cũng thông báo tuyển dụng ứng viên điều dưỡng đi CHLB Đức theo diện thực tập sinh. Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng của Đức để xiết lại việc cấp visa cho những đối tượng này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ứng viên”.

Còn về các chương trình tuyển dụng và đưa hộ lý sang Nhật, ông Phạm Viết Hương cũng nêu rõ, từ tháng 11-2016, luật việc làm mới của Nhật được thông qua, trong đó mở rộng tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài với ngành hộ lý.

Tuy nhiên, hiện phía Nhật đang xây dựng chính sách cho luật này và Việt Nam đang đàm phán với Nhật chưa ký biên bản hợp tác. Doanh nghiệp nào đứng ra tổ chức tuyển hộ lý đi Nhật là không đúng quy định.

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho rằng, để tránh cho người lao động bị lừa nói chung không chỉ riêng chương trình đưa người lao động sang Đức, người lao động có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài nên cập nhật các thông tin về thỏa thuận, điều kiện, thông tin cụ thể về các chương trình tại website của Bộ LĐ-TB&XH (www.molisa.gov.vn) cũng như website của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).