Kiểm soát việc mua bán, sử dụng “khí cười“

ANTĐ - Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri, xung quanh việc thanh niên sử dụng chất ảo giác gây cười.

Kiến nghị của cử tri: Hiện nay, tình trạng thanh niên hít chất gây ảo giác hưng phấn kích thích cười (chất Nitrous Oxide – Oxit Nitơ) đang phổ biến tại một số quán bar, vũ trường. Thanh niên sau khi dùng dẫn đến co giật, mất kiểm soát, trầm cảm. Đề nghị, trong nhiệm vụ, chức năng của Bộ Công an, cần kiểm soát chặt chẽ không cho mua bán, sử dụng loại “khí cười” này; tăng cường tuyên truyền về tác hại của “khí cười".

Kiểm soát việc mua bán, sử dụng “khí cười“ ảnh 1

Hiểm họa khi sử dụng khí cười (Ảnh minh họa)

Trả lời: Thời gian gần đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương có hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập chơi “khí cười” hay “bóng cười”, tức là hít khí trong quả bóng bay hoặc bình đựng khí để tạo cảm giác đê mê, hưng phấn, ảo giác và tạo những cơn cười vô cớ. Đây là một loại hợp chất Oxit Nitơ ở dạng khí, không màu, có mùi thơm nhẹ, tên hóa học là Nitrous Oxide (N2O), khi hít vào cơ thể người sẽ tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười nên được gọi là “khí cười”. Tác dụng của loại “khí cười” này rất ngắn nên người dùng thường sử dụng liên tục, đưa lượng lớn loại khí này vào cơ thể, không kiểm soát được.

N2O là chất được dùng phổ biến trong y học hiện nay, nhất là trong nha khoa, sử dụng để gây tê khi phẫu thuật, tuy nhiên, liều lượng và cách pha chế phải được kiểm soát chặt chẽ để không gây tác hại cho bệnh nhân. Các chuyên gia cảnh báo hít nhiều khí này chắc chắn sẽ bị ngộ độc, rối loạn thần kinh, thậm chí cả ung thư và các rối loạn khác trong cơ thể; việc tích tụ nhiều khí N2O sẽ kích thích làm cho thần kinh không còn cảm giác, không hoạt động được bình thường, thậm chí gây hôn mê sâu, về lâu dài dẫn tới rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ, trầm cảm.  

Hiện nay, N2O không nằm trong danh mục các chất cấm mua bán nên việc mua bán, sử dụng loại khí này đang có biểu hiện diễn ra ngày càng nhiều, công khai trong thanh, thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn với trị giá khoảng 50.000 đồng đến 150.000 đồng một quả bóng hoặc bình đựng khí. Các loại “bóng cười” không rõ nguồn gốc xuất xứ, các chất chứa trong đó ngoài N2O chưa xác định có chất nào khác hay không, chưa được kiểm soát đầy đủ. Để đánh giá đúng mức độ, tác hại của “khí cười” hay “bóng cười” đối với sức khỏe và gây nghiện đối với con người cần có sự khảo sát, điều tra, nghiên cứu, kết luận của các cơ quan chức năng. 

Trước tình trạng trên, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với chính quyền và phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền rộng rãi về tác hại của loại “khí cười” hay “bóng cười” đối với sức khỏe con người, nhất là trong thanh, thiếu niên, khuyến cáo mọi người không sử dụng loại khí này sai mục đích, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tác động của các chất có trong loại khí này đối với sức khỏe của con người, so sánh về tính chất, đặc điểm, tác hại, tính gây nghiện của nó với các loại chất ma túy hiện nay để đưa ra kết luận chính xác và xem xét việc đưa loại khí này vào danh mục các chất cấm mua bán trên thị trường.