Không thể mượn danh nhân quyền để bênh vực vô lối đối tượng vi phạm pháp luật

ANTD.VN - Việc TAND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An tuyên phạt Nguyễn Văn Oai 5 năm tù vì các hành vi vi phạm pháp luật là bản án nghiêm khắc, chính đáng cho kẻ coi thường pháp luật. Ấy vậy mà có những luận điệu cố tình bóp méo sự việc.  

Không thể mượn danh nhân quyền để bênh vực vô lối đối tượng vi phạm pháp luật  ảnh 1Đối tượng Nguyễn Văn Oai tại phiên tòa sơ thẩm 

Sau khi Nguyễn Văn Oai bị kết án, một số trang báo mạng cũng như một số tổ chức có trụ sở tại nước ngoài vốn thiếu thiện cảm với Việt Nam lập tức tung ra các bài viết tỏ ý bênh vực vô lối đối tượng vi phạm pháp luật này. Họ cho rằng, việc tòa án ở Việt Nam xét xử Oai là “đàn áp” những người “bất đồng chính kiến”, là xâm phạm quyền tự do cá nhân. Họ hùng hổ phán xét Oai “không có tội”, rồi gọi Oai bằng danh từ mỹ miều “tù nhân lương tâm”, thậm chí còn lớn tiếng đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho đối tượng vi phạm pháp luật này.

Nhưng sự thật Oai đâu phải là người bị hàm oan khiến các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhiệt tình mượn danh nhân quyền để ra tay bảo vệ đến mức như vậy. Năm 2013, Nguyễn Văn Oai bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt y án 4 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và 4 năm quản chế tại địa phương. Trong thời gian quản chế, thay vì chấp hành các quy định của pháp luật, Oai tiếp tục thể hiện bản tính ngông cuồng, sống tách rời xã hội và vi phạm các quy định của pháp luật. 

Về địa phương, Oai không những không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế mà còn thể hiện thái độ chống đối quyết liệt, nhiều lần tham gia tuyên truyền xuyên tạc, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nhiều lần chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành án quản chế nhưng tất cả những lần đó Oai đều vi phạm và bị lập biên bản. Thậm chí, Oai còn nhiều lần thể hiện sự côn đồ của mình khi xé giấy triệu tập, xúc phạm, chửi bới cán bộ chính quyền địa phương, dùng gậy đánh đập, chống người thi hành công vụ…

Hành vi của Oai có tính chất nghiêm trọng bởi nó làm giảm hiệu lực quản lý hành chính về trật tự xã hội, xâm phạm hoạt động của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ. Trong suốt quá trình điều tra cũng như xét xử tại phiên tòa, Oai đều quanh co chối tội. Tuy nhiên, trước những chứng cứ xác thực, từ lời khai của người làm chứng và căn cứ vào kết luận điều tra, cáo trạng truy tố của vụ việc, Nguyễn Văn Oai đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 

Vậy tại sao vẫn có những tổ chức, cá nhân đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” đứng ra bênh vực cho Oai và cáo buộc Việt Nam đủ chuyện. Không khó để có câu trả lời khi có sự liên hệ, móc nối giữa một số đối tượng phản động lưu vong và tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Phải khẳng định rằng, ở Việt Nam không có ai bị bắt giam do bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, không có khái niệm “tù nhân lương tâm”. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp. 

Mượn danh “bảo vệ dân chủ, nhân quyền” để bênh vô lối Oai nhưng thực chất những cá nhân, tổ chức này hành động không phải vì nhân quyền cho Việt Nam mà là bảo vệ, tiếp tay cho những kẻ âm mưu lợi dụng tự do, dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Oai đâu phải là “người đang dấn thân cho một Việt Nam tự do, dân chủ” như lời rêu rao của những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam mà là kẻ tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, chống phá Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của toàn dân tộc.

Vì thế, bản án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế là mức án tương thích để cách ly Nguyễn Văn Oai khỏi xã hội, nhằm cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người công dân tốt. Bản án của bị cáo vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời, là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, chống phá Đảng, Nhà nước. Mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật.