Hành vi bán thuốc giả phải bị coi là tội ác

ANTD.VN - Những ngày qua, khi TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma với 9 bị cáo bị đưa ra xét xử. Bất bình trước những hành vi phạm pháp của các đối tượng, nhiều người cho rằng,  việc sản xuất, buôn bán thuốc giả cần được coi là tội ác, các đối tượng thực hiện hành vi này phải bị xử lý nghiêm.

Người dân cần mua thuốc theo chỉ định của bác sỹ ở các địa chỉ tin cậy (Ảnh minh họa)

Trong vụ án trên, bị cáo Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma cùng 8 đồng phạm đã bị cáo buộc nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg chữa ung thư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. 

Mờ mắt vì lợi nhuận

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg là thuốc chữa ung thư. Do nghi ngờ về nguồn gốc lô hàng này nên Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã thanh tra, kiểm tra Công ty VN Pharma và niêm phong, không cho bán thuốc ra thị trường. Kết luận giám định của Bộ Y tế cho thấy, lô thuốc H-Capita 500mg là thuốc không rõ nguồn gốc, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. 

Đáng buồn, sự việc trên không phải hy hữu. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã siết chặt các biện pháp quản lý, song do việc sản xuất, buôn bán thuốc giả là siêu lợi nhuận nên không ít đối tượng vẫn tìm mọi cách đưa thuốc giả vào trong các nhà thuốc, rao bán tràn lan trên mạng, bất chấp sức khỏe, tính mạng của đồng loại.

Đầu năm 2017, một số nhân viên Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha tại TP.HCM phát hiện nhiều loại thuốc Prednisolon 5mg lọ 500 viên nén có số đăng ký VD-11184-10, số lô 0303 (sản xuất ngày 15-7-2015 và hạn dùng 15-7-2018) ghi Công ty Vidipha sản xuất. Đây là loạt thuốc điều trị nhiều bệnh như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gút cấp, viêm khớp vảy nến, viêm loét đại tràng và viêm da.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, mẫu thuốc Prednisolon 5mg là thuốc giả vì không đạt chỉ tiêu định tính theo tiêu chuẩn. Không chỉ bày bán ở TP.HCM, thuốc Prednisolon 5mg giả cũng được phát hiện tại Hà Nội và Gia Lai. Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã triệt phá đường dây làm thuốc giả, thu giữ hơn 4.000 vỉ thuốc ho, thuốc trị cơ xương khớp giả đưa về vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh từ Thanh Hoá-An Giang tiêu thụ. 

Qua các vụ việc trên có thể thấy, cách thức, thủ đoạn sản xuất, tiêu thụ thuốc giả ngày càng tinh vi, phức tạp. Hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác y như thật. Một số đối tượng còn sử dụng sản phẩm thuốc không còn hạn sử dụng, xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới, bán ra ngoài thị trường. Ngoài ra, một số loại thuốc giả không chứa hoạt chất mà chỉ chứa tinh bột hay các thành phần thảo dược hoặc các chất hóa học có thể gây độc cho cơ thể. 

Nguy cơ chết người từ thuốc giả

“Ngay cả thuốc “xịn”, sử dụng đúng liều lượng vẫn có các tác dụng phụ (khoảng từ 1/100.000-1/10.000), nói gì thuốc giả. Với thuốc giả, tác dụng phụ có khả năng xảy ra thường xuyên hơn (khoảng 1/10) do người sử dụng không biết thành phần hoạt chất trong đó. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể khiến người bệnh bị phản ứng thuốc, gây dị ứng, buồn nôn, ói mửa, sốc phản vệ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E nhận định.

Khi dùng phải thuốc giả, bệnh tình của người bệnh không những không thuyên giảm mà còn bị nặng thêm bởi thuốc giả làm tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc. Với thuốc kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất, khi dùng không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, vi khuẩn trở thành chủng đề kháng mà kháng sinh đã sử dụng trước đó không còn tác dụng. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao.

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu, thuốc giả không chỉ ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị của người bệnh mà còn làm giảm uy tín của nhà sản xuất chân chính. Do thuốc giả rất khó phân biệt được bằng mắt thường nên để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân cần mua thuốc theo chỉ định của bác sỹ, nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, ham rẻ mua thuốc “xách tay”, thuốc được bán trên mạng.

Ngoài ra, với loại thuốc đã quen dùng, người bệnh cần xem kỹ bao bì, mùi vị thuốc khi uống. Nếu thấy có sự khác lạ cần tham khảo ý kiến tư vấn của các nhân viên y tế, đồng thời chú ý kiểm tra hạn sử dụng của thuốc để tránh dùng thuốc hết hạn.