"Hàng nóng" rao bán tràn lan trên mạng xã hội

ANTĐ - Âm thầm và đầy thủ đoạn đối phó tinh vi, trên mạng xã hội cũng như các diễn đàn xuất hiện khá nhiều chủ đề, tài khoản cá nhân chào bán các loại “hàng nóng”, “hàng lạnh” như súng ống, dao kiếm các loại cùng nhiều công cụ hỗ trợ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và nếu bị phát hiện, cả kẻ bán lẫn người mua đều bị xử lý.

"Hàng nóng" rao bán tràn lan trên mạng xã hội ảnh 1Các loại vũ khí nóng được giới thiệu trên mạng xã hội

Đủ cách quảng bá, đủ loại giá

Không khó khi sử dụng Facebook cá nhân để “giao lưu” với giới mua bán vũ khí và công cụ hỗ trợ. Chỉ cần gõ từ khóa “hàng nóng tự vệ”, lập tức tìm thấy hàng chục shop bán mặt hàng nguy hiểm này. Đắt thì có shop V.K.T, V-H.N-H.C giới thiệu vũ khí quân dụng với giá từ 4,5 triệu đến hàng chục triệu đồng. Rẻ thì có bình xịt hơi cay, gậy baton gas với giá vài trăm nghìn đồng. Đó là chưa kể đến nhiều diễn đàn trên mạng cũng có những thành viên giới thiệu mua bán súng dù đây là hoạt động chẳng liên quan gì đến tôn chỉ mục đích của chính diễn đàn.

Điển hình như trên trang thegioicotuong.vietnamchess.vn, một tài khoản ngang nhiên chào bán súng với nội dung: “Hiện nay, chúng tôi đang nhập các loại súng cổ điển, xuất xứ từ Cam (Campuchia - PV). Những loại súng chúng tôi nhập về là vũ khí tồn kho của bên Cam. Mỗi vũ khí nhập về được kiểm tra tại bên Cam nên các bạn mua cứ yên tâm sử dụng”. Kèm sau đó là giá bán và khuyến cáo người đọc: “Không nhận cuộc gọi của trẻ em dưới 18 tuổi. Mọi loại súng chúng tôi đang bán là dùng hỏa lực xin hãy cẩn thận trước khi sử dụng”…

Đại úy Nguyễn Phú Quang, cán bộ Đội CSHS CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay, dù được rao bán công khai trên các trang mạng, nhưng do biết đây là hành vi phạm pháp nên cả người mua và người bán đều tìm cách đối phó cơ quan chức năng. Thủ đoạn khi giao dịch của các đối tượng tinh vi không kém… tội phạm mua bán ma túy. Tiền được chuyển qua tài khoản và “hàng” được chuyển qua đường chuyển phát nhanh hoặc theo xe khách. Còn với vũ khí “nóng”, khách mua thường phải đặt cọc trước một số tiền rồi khi nhận hàng sẽ thanh toán nốt. Điểm chung là các món hàng thường được ngụy trang trong những hộp quà nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

"Hàng nóng" rao bán tràn lan trên mạng xã hội ảnh 2Một trang mạng xã hội mua bán vũ khí nóng

Đừng tự đưa mình vào thế khó

Trước hiện tượng nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lực lượng công an đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Mới đây nhất, chiều 25-11, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH và Phòng CSHS (CATP Hồ Chí Minh) phối hợp bắt quả tang Nguyễn Anh Tuấn (26 tuổi), trú tại  TP. HCM có hành vi buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ thông qua mạng xã hội. Kiểm tra nơi tạm trú của Tuấn, cơ quan công an phát hiện nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ khác như roi điện, bình xịt hơi cay, súng điện, dao găm các loại. Tuấn khai nhận, số hàng trên anh ta mua lại thông qua những đường dây rao bán trên mạng. Sau đó, Tuấn trữ hàng, bán lại với giá cao hơn cho những người có nhu cầu.

Trước đó, khoảng 15h30 ngày 11-11, tại một địa điểm trên đường 3-2, phường 5, quận 11, lực lượng chức năng TP.HCM cũng phối hợp kiểm tra và bắt quả tang Phạm Trung Hiếu (32 tuổi), đang giao “hàng nóng” cho khách đặt mua hàng trên mạng Internet. Khám xét hành lý Hiếu mang theo, cơ quan công an thu giữ hàng chục roi điện, dùi cui, bình xịt hơi cay. Kiểm tra nơi ở của người này, lực lượng chức năng thu giữ thêm nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ khác như dao bấm, còng số 8, súng điện, roi điện...

Việc cá nhân mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép là hành vi phạm pháp. Điều 304 - Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua đã mở rộng thêm so với điều 233 - Bộ luật Hình sự trước đó đối với các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Theo đó, cá nhân nào buôn bán mặt hàng này có thể phải đối mặt với bản án từ 3 tháng đến 2 năm tù giam hoặc tù chung thân đối với việc buôn bán các loại vũ khí quân dụng. 

Về hiện tượng trên, chỉ huy Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho rằng, cần có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn việc mời chào mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội. Bởi đây chính là căn nguyên khiến tội phạm hay các hành vi vi phạm pháp luật có điều kiện cấu thành. Trước mắt, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các cá nhân có ý định mua bán, sử dụng vũ khí nóng, dù là phòng thân hay bất cứ mục đích gì, đều là phạm pháp.

Bên cạnh đó, CSHS tăng cường phối hợp các lực lượng CS phòng chống tội phạm về công nghệ cao, CS QLHC về TTXH, lực lượng Quản lý thị trường… thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trang mạng, đối tượng có dấu hiệu mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ. Các cơ quan chức năng như bưu điện, hàng không, các công ty vận tải hành khách trong quá trình giao nhận bưu kiện cũng phải kiểm tra kỹ lưỡng hàng hóa khách gửi, nếu phát hiện nghi vấn cần báo ngay cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Điều 3, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012) quy định các loại vũ khí gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự; vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ. 

Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 47/CP ngày 12-8-1996 quy định rõ: Nghiêm cấm tổ chức và cá nhân sản xuất, sửa chữa, mua, bán, mang ra nước ngoài, mang từ nước ngoài vào, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, biếu tặng, trao đổi các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. 

Nếu người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng có thể xem xét họ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu là hàng giả, hàng nhái thì có thể xem xét về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Người nào tàng trữ trái phép vũ khí là hành vi trái pháp luật có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 233 - Bộ luật Hình sự.