Ham khuyến mãi trực tuyến, coi chừng "ăn" quả lừa

ANTD.VN - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những rủi ro khi mua hàng trực tuyến xuất phát từ việc người mua không tìm hiểu kỹ thông tin.

Mua sắm từ trang web rủi ro cao hơn mua từ sàn thương mại điện tử

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong năm 2016 và Quý I năm 2017 của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên.

Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại bao gồm: Giao sai sản phẩm/sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web; Giao hàng chậm; Giao thiếu hàng khuyến mãi; Giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; Đăng sai giá (điển hình là đăng giá rất rẻ sau đó hủy đơn đặt hàng của người tiêu dùng);

Bên cạnh đó còn có tình trạng người bán hủy đơn hàng không lý do; sản phẩm quảng cáo sai xuất xứ, thường ghi là hàng Mỹ, Nhật; Voucher không thể sử dụng mặc dù vẫn còn hạn; Bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn...

"Bên cạnh vấn đề về chất lượng sản phẩm, thương mại điện tử ở Việt Nam còn tồn tại một vấn đề rất lớn, đó là cung cấp thông tin. Quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang diễn ra rất phổ biến"- Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.

Thực tế cho thấy, do đặc thù của mua hàng trực tuyến nên rủi ro luôn xuất hiện nhiều hơn so với mua trực tiếp. Ngay cả các quốc gia thương mại điện tử được coi là an toàn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn có thể mua phải hàng giả, hàng không đạt chuẩn. Thậm chí tỷ lệ này còn cao đến 19% như ở Trung Quốc và 11 % ở Nhật Bản. 

Để giảm thiểu rủi ro khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi bán, mã số thuế, kiểm tra kỹ hàng hóa, đặc biệt là cần cảnh giác với thông tin khuyến mãi, giảm giá trên các trang web, mạng xã hội...