Giết vợ giữa cơn cuồng ghen và phần đời ám ảnh, bơ vơ trong trại giam

ANTD.VN - Mọi tội ác đều có căn nguyên, nhưng tận cùng nguyên do dẫn đến tội ác của Nguyễn Văn Ban thực sự khiến người ta xót xa, tiếc nuối. Kể lại những chi tiết rùng rợn trong vụ án, tôi chỉ hy vọng những ai đọc được câu chuyện này sẽ rút được ra bài học cho chính bản thân mình.

Đối với các cán bộ ở Trại giam Hoàng Tiến, hiện giờ Nguyễn Văn Ban là một bệnh nhân đặc biệt

Ngày 19-7-2016, lác đác một vài tờ báo đăng tin về vụ giết người xảy ra ở Hưng Yên. “Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đã tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Ban (SN 1986), trú tại thôn Phần Lâm, xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên để làm rõ vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Do nghi vợ ngoại tình, Nguyễn Văn Ban đã dùng dao đâm vợ là chị Lương Thị Phương Ly (SN 1986) tử vong tại chỗ…”. 

Cũng không mấy người quan tâm, vì những vụ án mạng trong gia đình như chồng giết vợ, con đâm bố, anh xiết cổ em… từ lâu đã không còn được gán cho 2 từ “hy hữu”. Dư luận thì tò mò hơn với những các tít được giật kiểu “chuyện lạ”, “sốc với…”, “bí mật chuyện…” hay “chuyện khó tin…”; còn trong vụ án của Nguyễn Văn Ban, tất cả đã rõ ràng - ghen tuông, chồng đâm chết vợ. Nhiều người chỉ lướt qua tiêu đề rồi chuyển sang tin tức khác. Những ngày ấy, với những người quan tâm đến tin tức an ninh trật tự, thì vụ án này không chấn động dư luận so với vụ thảm sát vừa xảy ra ở Bình Phước cách đó mấy ngày. 

Án mạng khi lửa ghen tuông... bùng cháy

Nếu kể chi tiết ra, thì hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Ban cũng không kém phần ghê rợn. Cưới nhau rồi sinh được 2 người con, cuộc sống của vợ chồng Ban dẫu không sung túc nhưng cũng không đến mức thiếu thốn. Tháng 4-2016, vợ chồng Ban bàn nhau lên chợ Long Biên, Hà Nội để buôn bán hoa quả.

Hồi ấy đứa con nhỏ mới được 2 tuổi, nhưng ở quê thì con chị 7 tuổi đã đủ sức “tha” em, lại nhờ ông bà nội ở ngay gần nhà chăm sóc, nên vợ chồng Ban thuê trọ ở Hà Nội cho thuận tiện công việc buôn bán, thỉnh thoảng mới về nhà. Cuộc sống mưu sinh ở chợ dù vất vả thật, nhưng với bản tính chăm chỉ, nếu hai vợ chồng cứ chí thú làm ăn thì cũng đã chẳng có chuyện gì xảy ra.

Mọi tội ác đều có căn nguyên, chúng tôi biết vậy, nhưng căn nguyên dẫn đến tội ác của Ban thì thực sự khiến người ta xót xa tiếc nuối. Như một người ngoài cuộc, tôi chẳng có tư cách gì để phán xét anh ta thêm một lần nữa. Thế nên viết lại câu chuyện này, không phải để người đời phán xét Nguyễn Văn Ban. Trong thâm tâm, tôi chỉ hy vọng những ai đọc được nó sẽ rút được ra bài học cho chính bản thân mình…

Nhưng thường thì bi kịch lại đến từ những việc không ai ngờ trong lúc yên ả nhất. Vài lần thấy vợ chuyện trò thân mật với lái xe tải chở hàng đến đổ buôn, Ban  nghi ngờ vợ có tình ý với người đàn ông đó. Mối ngờ vực cứ lớn dần, thành ra nhìn đâu cũng thấy biểu hiện, hành vi “hữu ý”. Đến khi vợ thông báo có thai, Ban lập tức nghĩ ngay mình bị “cắm sừng”.

Những trận cãi vã xảy ra liên miên, dù chị Lương Thị Phương Ly quả quyết rằng mình không làm chuyện gì sai trái, không phản bội chồng, rằng cái thai đó là của Ban, nhưng khi lửa ghen tuông đã cháy thì khó lòng dập tắt. Ngày 13-7-2016, sau một trận cãi nhau kịch liệt, Ban bực tức bỏ về nhà ở Hưng Yên. 

Khoảng 8h ngày 17-7, chị Lương Thị Phương Ly từ Hà Nội về nhà bố mẹ chồng vì nghe báo tin con ốm. Tại đây, hai vợ chồng Ban lại cãi nhau, chị Ly khóc và bế con về nhà. Ban đi về cùng, nhưng thấy vợ không nói gì với mình nên càng lúc cơn bực bội càng chồng chất. Ý định giết chết chị Ly “cho bõ ghét” chợt lóe lên trong suy nghĩ nhưng Ban không dập tắt nó đi mà quyết tâm thực hiện đến cùng.

Ban đi sang nhà bố đẻ lấy con dao nhọn, giấu vào trong người rồi mang về để ở bếp. Lúc ấy, chị Ly vẫn đang ngồi khóc ở trước cửa ra vào, còn hai đứa trẻ chơi trên giường trong nhà. Đúng lúc Ban định ra tay thì bố sang xin cây sả, Ban lấy cho bố rồi giục đi về. Ông Biềng chưa ra khỏi cổng đã nghe thấy tiếng kêu lạc giọng của con dâu: “Bố ơi, cứu con với!”.

Hốt hoảng quay lại, ông thấy chị Ly vùng chạy vào nhà, được vài bước thì đã ngã vật ra, lưng đầy máu. Thằng con trai, lúc này như một kẻ cuồng loạn lao tới dùng dao đâm liên tiếp lên người vợ. Chân như nhũn ra, nhưng ông Biềng vẫn cố chạy đến, ôm chặt lấy thằng con lôi ra và hô hoán mọi người ứng cứu. Nghe tiếng hô, mẹ và em trai Ban cũng chạy vội sang, vật kẻ sát nhân ra sàn để tước con dao. Ngay sau đó, chị Ly được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong vì mất máu cấp. Biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy Ban đã đâm vợ tổng cộng 14 nhát, trong đó có 1 nhát thấu tim. 

Thủ phạm đã rõ, nhân chứng vật chứng đầy đủ, việc điều tra được tiến hành nhanh gọn. Trong phiên tòa diễn ra không lâu sau đó, Nguyễn Văn Ban bị tuyên phạt án chung thân cho tội giết người với 2 tình tiết tăng nặng là “có tính chất côn đồ” và “giết phụ nữ mà biết là có thai”.  Nhưng bản án đó không phải là hình phạt nặng nề nhất đối với Ban. Tại phiên tòa, khi nghe Hội đồng xét xử công bố kết luận giám định gene cho thấy thai nhi trong bụng chị Ly là con của mình, Ban sụp xuống.    

“Bản án” lương tâm theo suốt cuộc đời 

Trong suốt những ngày bị tạm giam ở Công an tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Văn Ban tìm cách tự sát nhiều lần, lúc thì đập đầu vào cửa, lúc lại dùng túi nilon se nhỏ thành dây, hay xé khăn mặt, áo lót, dây mắc màn để làm dây tự xiết cổ mình. Khi bị phát hiện và ngăn chặn, Ban lại chuyển sang nhịn cơm với hy vọng kết thúc cuộc đời. Các cán bộ quản giáo và phạm nhân bị giam cùng kể lại, Ban thường xuyên khóc lóc, nói năng lảm nhảm, ngày không nói chuyện với ai, chỉ ngồi im một xó với ánh mắt thất thần.

Khi ai đó hỏi chuyện, Ban thường nhìn đi nơi khác mà không dám nhìn thẳng, chốc chốc lại kêu đau đầu. Đêm không ngủ, đi lại vật vờ trong buồng giam. Thỉnh thoảng ngủ được, thì dường như Ban lại bị những cơn ác mộng hành hạ, vật vã kêu la cho đến khi thức dậy mới thôi.

Lúc chúng tôi đến Trại giam Hoàng Tiến, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Ban đang được chăm sóc đặc biệt ở bệnh xá của Phân trại 1. Đại úy Trần Ngọc Hà, người phụ trách bệnh xá cho biết, với sự điều trị tích cực của y, bác sĩ trong phân trại, hiện giờ tâm lý của Ban đã ổn định hơn nhiều. Vì cán bộ quản giáo sợ việc nói chuyện sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, nhất là khi gợi lại chuyện quá khứ, chúng tôi chỉ lặng lẽ đứng bên ngoài phòng bệnh quan sát từ xa.

Trong ngày đông lạnh giá, Ban chỉ mặc quần đùi với một chiếc áo đông xuân, ngồi thu lu ở góc phòng, nhìn đăm đăm vào một bức tường. Tóc cắt cua như những phạm nhân khác, mặt hơi hốc hác, trông Ban không giống lắm với vẻ dữ dằn của kẻ sát nhân trong tấm ảnh chân dung kẹp cùng bản án.

Khi cán bộ ghé vào gọi, nhắc mặc thêm áo ấm, phải mấy mấy chục giây Ban mới dứt ra khỏi khoảng không gian riêng đó, ngoan ngoãn lấy quần dài xỏ thêm vào. Dù tội ác mà Ban gây ra thật khó dung tha, nhưng lúc này đây, nhìn anh ta chẳng khác nào một đứa trẻ bơ vơ, không nơi bấu víu, không biết làm thế nào để thoát ra khỏi những ám ảnh có lẽ sẽ bám theo suốt cả cuộc đời.

“Anh Ban à?” - tranh thủ lúc Ban được đưa ra kiểm tra sức khỏe, đồng nghiệp đi cùng tôi khẽ hỏi. “Vâng” - giọng Ban như vọng lại từ nơi nào đó. “Anh ăn ngủ được không?”. “Em vẫn bình thường”. Sau vài câu vô thưởng vô phạt, đồng nghiệp mạnh dạn chuyển hướng: “Bọn trẻ có ngoan không?”.

Ban chợt khựng lại, ánh mắt lóe sáng lên, mặt hơi biến sắc. “Không thấy lên thăm” - mãi sau Ban mới nói. “Con không lên thăm, anh có nhớ không?”. Ban lúng búng từ gì đó trong miệng. Thấy Đại úy Trần Ngọc Hà ra hiệu, chúng tôi kết thúc cuộc chuyện trò ngắn trong tích tắc với người còn mang trong mình thêm một “bản án” của lương tâm.