Gặp người nhẹ dạ, lừa tiền tỷ dễ đến mức khó tin

ANTĐ - Không hiểu biết và quá tin tưởng vào người khác, mẹ con bà Hòa đã “nhắm mắt” ký hợp đồng ủy quyền. Chỉ đến khi có người lạ mặt đến đòi nhà đất, gia đình bà Hòa mới tá hỏa kêu cứu. Vụ án tiếp tục là lời cảnh tỉnh cho nhiều người dân khi giao dịch bất động sản.

Gặp người nhẹ dạ, lừa tiền tỷ dễ đến mức khó tin ảnh 1Bằng thủ đoạn thế chấp “sổ đỏ”, Phạm Thị Xuân đã chiếm đoạt 7,9 tỷ đồng

Miếng mồi béo bở

Cuối năm 2008, bà Nguyễn Thị Hòa và con trai là anh Hoàng Trung Dũng (cùng ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) được người quen giới thiệu với Phạm Thị Xuân (SN 1958), trú ở tập thể Viện Sốt rét, phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trong mắt mẹ con bà Hòa khi ấy, Xuân là một phụ nữ thành đạt, thân thiện và đứng đầu một doanh nghiệp tư nhân ở Sơn La. Một thời gian sau, tháng 6-2009, Xuân biết mẹ con bà Hòa có 2 thửa đất tại xã Uy Nỗ nên đặt vấn đề mượn “sổ đỏ” để thế chấp vay tiền ngân hàng làm ăn.

Cụ thể, Xuân nói với mẹ con bà Hòa doanh nghiệp của đối tượng đang được thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại tỉnh Sơn La và dự án cải tạo khu đô thị ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng do không đủ vốn nên buộc phải vay tiền ngân hàng. Nếu mẹ con bà Hòa cho Xuân mượn “sổ đỏ” vay tiền thì sẽ được biếu không 2 suất đất trong dự án ở Sơn La và được tham gia dự án cải tạo khu đô thị tại TP Việt Trì để hưởng lợi. Với “miếng mồi” béo bở tung ra, Xuân nhanh chóng nhận được cái gật đầu của mẹ con bà Hòa.

Tuy vậy, gia đình bà Hòa cũng cho biết, cả 2 “sổ đỏ” tương ứng với 2 thửa đất mà Xuân nhắm đến đều đang được gia đình bà thế chấp ở 2 ngân hàng vì khoản vay hơn 700 triệu đồng. Do có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ trước nên Xuân thản nhiên trả lời: “Không vấn đề gì”. Với mối giao kèo làm ăn này, ngày 26-6-2009, Xuân kéo gia đình bà Hòa tới Phòng công chứng số 6 Hà Nội, tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai để làm hợp đồng ủy quyền.

Theo đó, cả 2 hợp đồng ủy quyền đều có nội dung gia đình bà Hòa đồng ý giao toàn bộ 2 thửa đất và tài sản gắn liền trên đất cho Xuân quản lý, sử dụng. Trong trường hợp cần thiết, Xuân có toàn quyền xây dựng thêm công trình trên đất hoặc chuyển nhượng bất động sản cho bên thứ ba.

Nhằm ngăn chặn việc Xuân bán tài sản của gia đình mình, bà Hòa cùng con trai cũng đã yêu cầu “đối tác” phải lập một bản cam kết là chỉ được quyền mang “sổ đỏ” thế chấp cho ngân hàng vay vốn. Lẽ dĩ nhiên, Xuân ký vào cam kết ngay. Vậy nhưng ngay khi mẹ con bà Hòa vừa ra khỏi Phòng công chứng số 6 (cùng ngày 26-6-2009), Xuân tức tốc ký 2 hợp đồng chuyển nhượng 2 thửa đất vừa nhận ủy quyền cho Nguyễn Thị Mai Anh, trú ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.  

Hệ lụy dai dẳng 

Về phía mình, Nguyễn Thị Mai Anh để anh Lê Anh Tuấn (trú ở phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) là người đứng tên nhận chuyển nhượng trên cả 2 hợp đồng. Tuy nhiên, rắc rối đã lập tức xảy ra, bởi vào thời điểm mua bán nhà đất, Xuân không xuất trình được 2 “số đỏ” của mẹ con bà Hòa nên Phòng công chứng số 6 tạm thời không công chứng hợp đồng. Ngay ngày hôm sau (27-6), Xuân mang gần 370 triệu đồng và ngày 1-7-2009, đối tượng lại mang tiếp 474 triệu đồng để cùng mẹ con bà Hòa lần lượt lấy 2  “sổ đỏ” ra khỏi ngân hàng.

Có được những điều kiện cần thiết, Xuân và Tuấn nhanh chóng hoàn tất việc chuyển nhượng. Tiếp đến, Mai Anh nhờ Tuấn đứng tên chủ sử dụng, đồng thời tiến hành thủ tục “sang tên đổi chủ” cả 2 mảnh đất của mẹ con bà Hòa tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đông Anh. Và ngày  9-2-2010, các thửa đất của mẹ con bà Hòa đã lần lượt mang tên chủ nhân mới là Lê Anh Tuấn.

Cuối năm 2010, Mai Anh bán thửa đất của bà Hòa cho Nguyễn Văn Lâm (trú ở khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) với giá 3 tỷ đồng. Ngày 18-2-2011, Tuấn tiếp tục dùng “sổ đỏ” mang tên con trai bà Hòa thế chấp cho anh Trần Văn Trung (trú ở phố Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) để vay 2,5 tỷ đồng. Đến hạn không trả được nợ, anh này liền ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất thứ hai của gia đình bà Hòa cho anh Trung với giá 3 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng nhà đất từ Tuấn, anh Lâm và anh Trung lần lượt đến cơ quan chức năng đăng ký quyền sử dụng đất thì bị “ách” lại. Hiện tại, vụ việc mua bán bất động sản lằng nhằng này vẫn chưa chính thức được định đoạt, bởi còn phải chờ phán quyết của tòa án. Về phía gia đình nạn nhân vụ lừa đảo, chỉ đến ngày 9-3-2011, khi anh Tuấn đến tiếp quản tài sản thì mẹ con bà Hòa mới biết nhà đất của mình đã bị Xuân bán cho người khác.

Ngày 7-11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Phạm Thị Xuân về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi ngoài hành vi lừa đảo mẹ con bà Hòa, Xuân cũng dùng thủ đoạn tương tự để bán nhà, đất của một số người khác và còn vay nợ hàng tỷ đồng, rồi bỏ trốn. Liên quan đến đối tượng, Phạm Khắc Thu (SN 1961, ở xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, Sơn La, em ruột Xuân) cũng bị truy tố với vai trò đồng phạm về tội lừa đảo cùng chị gái. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn lại ngay ở phần thủ tục vì bị cáo Thu có đơn cáo ốm và Nguyễn Thị Mai Anh không đến dự tòa.